Trung Quốc:

Cầu hôn bằng 99 chiếc iPhone và chuyện về những người đàn ông ế vợ

Một lập trình viên máy tính ở Quảng Châu đã chi tiền mua 99 chiếc iPhone để cầu hôn một cô gái. Tuy nhiên, lời cầu hôn của anh đã bị từ chối.

Shengnan, có nghĩa là "người đàn ông còn sót lại" là thuật ngữ được dùng phổ biến ở Trung Quốc để chỉ những người đàn ông trên 30 tuổi chưa tìm được vợ. Mất cân bằng giới tính dẫn đến tình trạng nhiều đàn ông "ế vợ" đang là vấn đề lớn của xã hội Trung Quốc hiện đại.

Cầu hôn bằng  99 chiếc iPhone

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tình trạng mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc bắt nguồn từ chính sách một con kéo dài trong nhiều thập kỷ. Mặc dù chính sách này đã bị bãi bỏ vào năm 2015 nhưng hậu quả của nó sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ nữa.

Nhà kinh tế chính trị học người Mỹ, Nicholas Eberstadt dự đoán rằng, vào năm 2030, hơn 1/4 đàn ông Trung Quốc trong độ tuổi 30 sẽ không thể cưới vợ. Hiện nay, có một "cuộc chạy đua" trong nam thanh niên Trung Quốc để tìm đối tác phù hợp. Họ phải chi khoản tiền không nhỏ, thậm chí phải dùng "chiêu trò" để chinh phục phái đẹp.

Vào năm 2015, một doanh nhân Trung Quốc ở độ tuổi 40 đã đệ đơn kiện một cơ quan môi giới hôn nhân tại Thượng Hải vì không tìm được cho anh người vợ theo yêu cầu mặc dù đã đóng cho công ty này 7 triệu nhân dân tệ (NDT) trước đó.

Một lập trình viên máy tính ở Quảng Châu đã chi tiền mua 99 chiếc iPhone để cầu hôn một cô gái. Tuy nhiên, lời cầu hôn của anh đã bị từ chối. Câu chuyện và hình ảnh cầu hôn của anh chàng này được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.

Nếu như trước đây, Tết cổ truyền được coi là cơ hội lớn để những người độc thân tìm kiếm đối tác thì giờ đây, hẹn hò trực tuyến đang nở rộ, ứng dụng tin nhắn hẹn hò WeChat ngày càng phổ biến.

"Trong thời gian gần đây, cách thức hẹn hò của người trẻ Trung Quốc trong xã hội hiện đại cởi mở, gần với các quốc gia phương Tây hơn. Chúng tôi lựa chọn đối tác theo trái tim chứ không phải do cha mẹ sắp xếp", Jun Li, ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, người chuyên tổ chức các sự kiện hẹn hò cho biết.

Để thu hút đối tác, nhiều người đàn ông độc thân đã tìm đến các nhà tâm lý học và nhà tạo mẫu để "tút" lại nhan sắc. Để tránh sự thúc giục của cha mẹ, một số thanh niên còn "thuê bạn gái" thông qua các dịch vụ được quảng cáo rầm rộ trên mạng. Giá trung bình thuê một cô bạn gái là 10.000 NDT/ngày.

Cầu hôn bằng 99 chiếc iPhone và chuyện về những người đàn ông ế vợ ảnh 1

Ngày càng nhiều đàn ông độc thân Trung Quốc tìm đến các dịch vụ hẹn hò trên mạng.

Cha mẹ đăng quảng cáo tìm vợ cho con

Một trong những vấn đề khiến việc tìm vợ của nam thanh niên Trung Quốc trở nên khó khăn hơn là do quan niệm truyền thống cho rằng, người chồng phải có đủ khả năng đảm bảo tài chính cho gia đình trước khi kết hôn.

"Nếu một người đàn ông muốn kết hôn, mẹ vợ tương lai sẽ yêu cầu anh ta mua nhà trước khi đề cập đến vấn đề khác. Đây cũng là lý do tại sao giá nhà đất ở Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây", Hong Yang, một phụ nữ ngoài 30 tuổi đã lập gia đình nói.

Gánh nặng tài chính này cũng gây khó khăn cho phụ nữ khi tìm đối tác do đàn ông kết hôn muộn. Khi có đủ tài chính, đàn ông thường tìm kiếm phụ nữ trẻ - những người ít hơn họ từ 10 đến 20 tuổi.

"Thật khó tìm người đàn ông phù hợp khi họ khoảng 32. Nhiều người đàn ông đủ điều kiện tài chính muốn cưới cô gái trẻ và xinh đẹp trong khi phụ nữ muốn lấy người đàn ông lớn tuổi để có sự ổn định. Phụ nữ ngoài 30 chưa kết hôn cũng không hiếm ở Trung Quốc. Họ được gọi là "những cô gái không mong muốn", Hong Yang nói tiếp.

Roger Zhou, 39 tuổi, đã lập gia đình, sống ở Tô Châu nói rằng, những người chưa có gia đình thường chịu áp lực rất lớn từ sự thúc giục của bố mẹ. "Các bậc cha mẹ nghĩ rằng, họ có trách nhiệm giúp con cái bắt đầu cuộc sống gia đình. Họ thậm chí giúp con mình tìm đối tác, đi hẹn hò, chuẩn bị đám cưới", Roger Zhou nói.

"Ngày hẹn hò do cha mẹ sắp đặt vẫn còn rất phổ biến. Những thị trường mai mối ngoài trời cũng tồn tại ở nhiều nơi trên khắp đất nước", Melinda Hu, 32 tuổi, hiện vẫn đang độc thân nói.

Tại Thượng Hải, có một khu vực được đặt tên là "góc mai mối". Tại đây, các bậc cha mẹ có con đến tuổi lấy vợ đăng quảng cáo viết tay với nhiều thông tin chi tiết như thu nhập, giáo dục, cá tính... Một số cha mẹ cho biết, họ đã đến góc mai mối hàng tuần trong nhiều năm mà vẫn chưa tìm được đối tác cho con.

Theo Theo CAND
MỚI - NÓNG