Chảo lửa Paris

TP - Bạo loạn là điềm báo lỗ hổng chết người của toàn cầu hoá mà Pháp đang tiên phong một cách hào nhoáng.

Chính quyền Pháp đã ra đòn phủ đầu trước nguy cơ phá hoại thủ đô tệ nhất nửa thế kỷ qua. Hơn 300 người “áo vàng”, loại áo dạ quang phát ánh sáng vàng, bị bắt sáng thứ bảy khi họ xuất hiện ở Paris lăm lăm búa, súng cao su, và đá. Bạo loạn là điềm báo lỗ hổng chết người của toàn cầu hoá mà Pháp đang tiên phong một cách hào nhoáng.

Dường như đất nước chưa có sự sẵn sàng từ xã hội mà hô hào ở cấp chóp bu là chính. Thỏa thuận Paris 2015 tạo hình ảnh tuyệt vời về một nước Pháp đi đầu chống biến đổi khí hậu. Điều đó đồng nghĩa phải giảm mạnh tiêu thụ nhiên liệu địa khai như xăng dầu. Ngặt nỗi tiến bộ kỹ thuật không tiến kịp khát vọng chính trị.

Để giảm xăng dầu, giải pháp hiệu quả hơn cả là tăng giá. Chết nỗi, ở những nơi nằm ngoài các đô thị lớn, hầu hết người Pháp vẫn di chuyển bằng xe riêng. Trong khi đó, tiền xăng dầu chiếm 25% tổng thu nhập 1.900 USD/tháng của họ, nặng hơn so với ở Mỹ, nơi thu nhập xông xênh hơn và xăng dầu được trợ giá.

Ấm ức lan tràn đến mức chỉ cần ai đó “nhất hô” lập tức có “bá ứng”. Xăng dầu vừa tăng giá mùa hè, đến tháng 9, chính phủ bố cáo tăng tiếp 10% kể từ tháng 1/2019. Cuối tháng 10, một cuộc vận động thu được nửa triệu chữ ký đòi chính phủ đổi ý. Không thấy động tĩnh gì, ngày 17/11, một tài xế xe tải Eric Douet lên Facebook kêu gọi “phản kháng toàn quốc chống tăng thuế” và nhận được ngay 280.000 hồi đáp. Nhiều tuyến giao thông, từ làng quê hẻo lánh ở Brittany đến khu dân cư ven Địa Trung Hải, bị tắc bởi các xe ngáng đường.

Biểu tình hai tuần trước chưa thấm vào đâu về lượng song nghiêm trọng bởi tính manh động. Cuộc đầu tiên ngày 24/11 có 106.000 người tham gia và cuộc thứ hai chỉ 75.000, còn xa mới đạt mức báo động 160.000. Tuy nhiên, đốt xe giữa trung tâm Paris và vẽ bậy lên Quảng Trường Thời Đại là hành vi phá hoại hiếm có dù biểu tình không có thủ lĩnh.

Hệ thống chính trị Pháp cùng châu Âu nhiều năm qua cổ suý toàn cầu hoá mà quan tâm chưa đúng tầm đến người yếm thế. Chẳng ngẫu nhiên khi 4/5 công nhân cổ xanh và 56% công nhân cổ trắng ở Pháp rồi người từ các nước láng giềng đến chảo lửa Paris ủng hộ áo vàng. Đổ lỗi tình trạng hôm nay cho trào lưu Anh rời EU thậm chí cho tổng thống Donald Trump như mấy báo Mỹ phân tích, bởi thế, có vẻ khiên cưỡng. Song đáng nói hơn, biểu tình có thể là kênh thông tin hữu hiệu giúp chính quyền Pháp không được phép quên những tầng lớp dễ bị tổn thương.

MỚI - NÓNG