Chảo lửa Syria

Chảo lửa Syria
TP - Một ngày sau khi báo chí phương Tây đưa tin hơn 70 người chết và hàng trăm người bị thương trong một vụ tấn công hóa học ở Douma, gần thủ đô Damacus, rạng sáng 9/4, một cuộc không kích nhằm vào sân bay quân sự ở Syria làm 14 người thiệt mạng.

Syria đang trở thành chảo lửa với những cuộc tấn công từ nhiều phía và thông tin nhiễu loạn.

Theo BBC, cuộc không kích xảy ra rạng sáng 9/4 nhằm vào sân bay quân sự Tiyas (T-4) thuộc một căn cứ không quân của quân đội chính phủ Syria tại thành phố Homs, miền Trung Syria làm 14 người chết, trong đó có một người Iran. Truyền thông nhà nước Syria đưa tin, cuộc không kích bằng tên lửa và hệ thống phòng không của Syria đã bắn rơi 8 tên lửa. Ngay sau vụ không kích, một số nguồn tin cho rằng, Mỹ thực hiện vụ tấn công này để đáp trả vụ giao tranh bị nghi là tấn công hóa học hôm trước. Ngày 8/4, Mỹ, Anh cáo buộc chính quyền Syria gây ra vụ tấn công hóa học khiến nhiều dân thường thương vong. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/4 viết trên Twitter: “Đã có nhiều người chết, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Tổng thống Putin, Nga và Iran phải chịu trách nhiệm vì đã ủng hộ Assad (Tổng thống Syria). Họ sẽ phải trả giá đắt”. Tuy nhiên, ngày 9/4, Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp của Mỹ nói rằng không có chuyện Mỹ không kích đáp trả Syria. Nhiều tổ chức cứu hộ và y tế cáo buộc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad gây ra vụ tấn công hóa học. Ngày 9/4, Liên Hợp Quốc tổ chức 2 cuộc họp khẩn để thảo luận về tình hình Syria.

Trưa 9/4, Bộ Quốc phòng Nga thông báo: “Sáng 9/4, hai chiến đấu cơ F-15 của không quân Israel phóng 8 tên lửa điều khiển từ xa xuống sân bay Tiyas từ lãnh thổ Libăng mà không xâm phạm vào không phận Syria. Lực lượng phòng không của Syria đã phá hủy được 5 trong số đó ngay từ trên không”. Phía Nga xác nhận 3 tên lửa hành trình đã đánh trúng vào phần phía tây của sân bay, nhưng không có cố vấn quân sự nào của Nga bị thương vong.

Theo tờ Times of Israel, ngày 10/2, quân đội Israel từng không kích chớp nhoáng vào căn cứ không quân Tiyas sau khi xác nhận người Iran từ căn cứ này điều khiển máy bay không người lái xâm nhập lãnh thổ Israel. Lần đó, cả Iran và Syria đều cho rằng đó là chuyến bay do thám định kỳ và không xâm phạm không phận Israel.

Sau vụ không kích rạng sáng 9/4, Bộ Quốc phòng Israel tuyên bố: “Iran và lực lượng Quds (đơn vị đặc nhiệm của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran) có lúc hoạt động từ căn cứ không quân T-4, với sự trợ giúp của quân đội Syria và sự cho phép của chính quyền Syria”. Một quan chức chính quyền Israel khẳng định, họ không kích do Syria đã tiếp tay cho các thế lực đe dọa an nguy của Israel.

Nga được minh oan

Về cáo buộc tấn công hóa học mới nhất, phía Syria luôn bác bỏ, đồng thời khẳng định đây là kế hoạch dàn dựng của phe đối lập. Trong một vụ nghi tấn công hóa học trước đó, hồi tháng 1, Mỹ và các nước đồng minh chỉ trích Nga hỗ trợ chính quyền Syria tiến hành vụ tấn công. Ngày 8/4, đại diện của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ tuyên bố, các chuyên gia của họ không tìm thấy bằng chứng nào về việc quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma thuộc khu vực Đông Ghouta, Syria cách đây hơn hai tháng.

Hãng tin TASS của Nga dẫn lời ông Seif Aldin Hobia, bác sĩ làm việc cho Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ, nói rằng, ông đã làm việc ở Douma 7 năm và là người cấp cứu 6 bệnh nhân nhập viện do có vấn đề về hô hấp trong vụ được cho là tấn công hóa học, nhưng ông không phát hiện ra chất độc nào. Ông Muhamad Adnan Tabazhu, một chuyên gia y tế khác của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ, cũng nói rằng, các bác sĩ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy vũ khí hóa học được sử dụng tại Đông Ghouta giai đoạn 2012-2018.

MỚI - NÓNG