Châu Á: Một năm nhìn lại

Châu Á: Một năm nhìn lại
TPO - Năm 2007, châu Á chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng: Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại Pakistan, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có nhiều biến chuyển tích cực, Thông qua Hiến chương ASEAN...

Năm 2007 là một năm đầy bất ổn cho đất nước Nam Á này. Sự bất ổn bắt đầu được đẩy lên cao bằng vụ lực lượng Hồi giáo cực đoan cố thủ trong Thánh đường Đỏ gây chấn động thủ đô Islamabad hồi tháng 7.

Sau đó, ngày 11/11, Tổng thống Pakistan, Tướng Musharraf buộc phải áp đặt tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn lãnh thổ. Nhiều cuộc biểu tình đường phố diễn ra nhằm chống đối Tổng thống Musharraf, đòi ông phải từ chức.

Tiếp đó, sự trở về của 2 cựu Thủ tướng Nawaz Sharif và Benazir Bhutto đòi khôi phục lại dân chủ tại đất nước này. Trước những áp lực mạnh mẽ từ trong nước, Tổng thống Musharaf đã phải rời bỏ chức vụ Tổng tư lệnh quân đội để trở thành Tổng thống dân sự.

Châu Á: Một năm nhìn lại ảnh 1
Sự bất ổn ở Pakistan đã đạt đỉnh điểm với việc bà Benazir Bhutto bị ám sát

Tuy nhiên, sự bất ổn đã đạt đỉnh điểm với việc bà Benazir Bhutto bị ám sát vào ngày 27/12. Sự việc đã gây nên sự phẫn nộ cho dư luận cả trong và ngoài Pakistan.

Các cuộc bạo động liên tiếp nổ ra trên khắp đất nước. Các đảng phái chính trị tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử quốc hội dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm sau.

Một tương lai đầy bất ổn chắc chắn sẽ tiếp tục tại Pakistan ngay trong những ngày đầu năm mới 2008.

2. CHDCND Triều Tiên đồng ý giải trừ hạt nhân

Nhiều tháng sau khi thử một thiết bị hạt nhân, ngày 13/2, tại bàn đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh, CHDCND Triều Tiên chấp thuận đi những bước đầu tiên nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân.

Theo thỏa thuận đạt được, CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu phá bỏ lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon để đổi lấy viện trợ năng lượng. Công việc đóng cửa lò phản ứng Yongbyon được dặt dưới sự theo dõi của các chuyên gia Mỹ cùng các bên liên quan.

Cũng trong năm 2007, các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên và Mỹ đã có sự trao đổi cá nhân đầu tiên – dấu hiệu cho thấy quan hệ hai bên đã dần được cải thiện.

Các nhà phân tích quốc tế hy vọng năm 2008 sẽ là năm giải quyết triệt để vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ sẽ đạt kết quả tích cực.

3. Thông qua Hiến chương ASEAN

Châu Á: Một năm nhìn lại ảnh 2
Các lãnh đạo ASEAN thông qua Hiến chương của khối (Ảnh Reuters)

Ngày 20/11 vừa qua, tại Hội nghị ASEAN lần thứ 13 được tổ chức tại Singapore, các nhà lãnh đạo khối đã phê chuẩn bản Hiến chương ASEAN.

Đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt, đánh dấu bước chuyển ASEAN thành một tổ chức gắn kết hơn, hoạt động hữu hiệu hơn và dựa trên khung quy tắc.

Hiến chương mới kêu gọi thành lập Hội đồng Cộng đồng ASEAN, chịu trách nhiệm về các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội. Sau Liên minh châu Âu EU, ASEAN là tổ chức khu vực thứ 2 trên thế giới có được sự liên kết chặt chẽ, ràng buộc bằng một văn bản pháp lý rõ ràng.

Các nước ASEAN hy vọng, bản Hiến chương sẽ tạo cho khối một tiếng nói chung, mạnh hơn tại tổ chức quốc tế và đảm bảo cho các kế hoạch mà lãnh đạo ASEAN đã thông qua được thực thi theo lịch trình được vạch ra.

4. Khủng hoảng an toàn hàng hóa Trung Quốc

Ngày 11/7, ông Zheng Xiaoyu, cựu Cục trưởng Cục quản lý thuốc và thực phẩm quốc gia Trung Quốc bị xử tử vì tội tham nhũng do liên quan tới  trường hợp thuốc kém chất lượng gây chết người.

Châu Á: Một năm nhìn lại ảnh 3
Nhiều loại hàng hóa Trung Quốc bị thu hồi vì chất lượng không đảm bảo (Ảnh AP)

Một loạt các trường hợp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc nhiễm độc, gồm thực phẩm cho vật nuôi, thuốc đánh răng và đồ chơi.

Nhiều nước trên thế giới đã phải ra lệnh thu hồi, tiêu hủy đồng thời cấm nhập một số mặt hàng tiêu dùng của đất nước này.

Các quốc gia và tổ chức quốc tế kêu gọi cần phải có những quy định về an toàn nghiêm khắc hơn đối với nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc.  

5. Biến chuyển trên chính trường Nhật

Ngày 23/9, ông Yasuo Fukuda được bầu chọn làm người lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) và đã nhậm chức Thủ tướng sau khi ông Shinzo Abe từ chức.

Cựu Thủ tướng Abe đã phải rút lui sau khi LDP thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện hồi tháng 7.

Kèm theo đó, nhiều vụ tham nhũng được phanh phui có dính líu đến nội các. Thủ tướng Fukuda được coi là người mềm mỏng về chính sách đối ngoại hơn so với người tiền nhiệm.

6. Đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Ấn

Ngày 16/10, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã phải thông báo với Tổng thống Mỹ Bush rằng thỏa thuận hạt nhân giữa hai nước, được coi là "sáng kiến quan trọng nhất" trong lịch sử quan hệ Mỹ - Ấn, sẽ không thể được thực thi.

Theo thỏa thuận trên, Ấn Độ được phép tiếp cận với thị trường năng lượng toàn cầu bất chấp chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, các liên minh trong chính phủ của ông Manmohan Singh phản đối vì không muốn chương trình hạt nhân của Ấn Độ phải chịu sự tác động từ các chính sách của Washington.

Các đảng phái trong chính phủ liên minh đe dọa sẽ làm sụp đổ chính phủ nếu Thủ tướng Singh tiếp tục thực thi thỏa thuận.

7. Hội nghị thượng đỉnh SCO, khối đối trọng với Mỹ

Ngày 16/8, Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) được tổ chức tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, khẳng định an ninh Trung Á nằm trong tay của chính các tổ chức trong khu vực.

SCO còn tổ chức các cuộc tập trận quy mô, với sự tham gia của quân đội Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan.

SCO được cho là sự liên kết giữa Trung Quốc, Nga với các nước trong không gian hậu Xô-viết.

Các nhà phân tích chính trị quốc tế cho rằng sự tăng cường đoàn kết của SCO có thể tạo ra đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn thế giới. Iran và Afhghanistan cũng tham dự với tư cách quan sát viên.

Linh Huy
Tổng hợp

MỚI - NÓNG