Châu Á đề cử VN làm thành viên HĐBA LHQ

Châu Á đề cử VN làm thành viên HĐBA LHQ
Nhóm các nước châu Á tại LHQ vừa nhất trí thông qua QĐ đề cử VN là ứng cử duy nhất của châu lục vào ghế UV không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009. Đại sứ VN tại LHQ Lê Lương Minh nhận định, gần như chắc chắn VN sẽ trở thành thành viên của HĐBA.
Châu Á đề cử VN làm thành viên HĐBA LHQ ảnh 1
Một phiên họp của HĐBA LHQ. Ảnh : UN.org

Sự ủng hộ này là một bước quyết định để Việt Nam có thể bảo đảm được bầu làm thành viên HĐBA, thay Ca-ta trong nhiệm kỳ tới. Để được bầu làm thành viên HĐBA, ứng cử viên phải giành được ít nhất 2/3 số phiếu của Đại hội đồng (tức là từ 125 đến 128 phiếu).

HĐBA gồm 15 thành viên, trong đó có 5 ủy viên thường trực có quyền phủ quyết và 10 thành viên không thường trực nhiệm kỳ hai năm, không được quyền tái cử ngay sau đó và được phân bố theo khu vực. Theo thông lệ, hầu hết các quyết định quan trọng liên quan đến các vấn đề khủng hoảng quốc tế đều được thông qua tại HĐBA.

Việc tham gia cơ quan này không những góp phần nâng cao vị thế của nước thành viên trên trường quốc tế, mà tạo điều kiên cho việc đề xuất, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến khu vực và thế giới. Cũng chính vì vậy, khi tham gia HĐBA, các nước thành viên sẽ phải hoạt động ngoại giao tích cực hơn, tham vấn nhiều hơn để có thể đưa ra những quyết sách kịp thời.

Theo quy định, các tuyên bố của HĐBA cần sự thông qua nhất trí của các nước thành viên, trong khi các nghị quyết của HĐBA phải được sự tán thành của ít nhất 9 thành viên và không có phiếu phủ quyết. Theo Hiến chương LHQ, tất cả các nước thành viên đều có nghĩa vụ chấp nhận và thi hành các nghị quyết của HĐBA. Chức Chủ tịch HĐBA được thực hiện theo chế độ luân phiên, theo thứ tự ABC, nhiệm kỳ 1 tháng.

Trong lịch sử LHQ, có hơn 74 nước chưa từng tham gia HĐBA. Những nước tham gia HĐBA nhiều nhất là: Nhật Bản, Bra-xin (9 nhiệm kỳ), Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Cô-lôm-bi-a, I-ta-li-a (6 nhiệm kỳ).

Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Lê Lương Minh:

Hai năm tới sẽ là những mốc lớn của ngoại giao đa phương Việt Nam.

Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực nước ta tại LHQ đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Niu Y-oóc.

+ Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa quyết định trên của Nhóm châu Á?

- HĐBA là cơ quan quan trọng nhất của LHQ trong việc thực thi chức năng duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Trong khi các cơ quan khác của LHQ có thể đưa ra các khuyến nghị đối với các nước thành viên, HĐBA là cơ quan duy nhất có quyền đưa ra các quyết định mà các nước thành viên LHQ có nghĩa vụ phải thi hành theo quy định của Hiến chương LHQ. Các chức năng và quyền hạn chính của HĐBA, bao gồm:

Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của LHQ; xây dựng các kế hoạch nhằm thiết lập một hệ thống điều tiết quân bị; thúc đẩy các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình; khi cần thiết có thể quyết định các biện pháp trừng phạt, sử dụng hoặc cho phép sử dụng vũ lực nhằm duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế. Ngoài ra, HĐBA có quyền khuyến nghị Đại hội đồng việc kết nạp thành viên mới và bổ nhiệm Tổng Thư ký của LHQ.

Do tầm quan trọng của HĐBA, bầu cử vào cơ quan này khi có hơn một ứng cử viên cho một ghế bao giờ cũng khó khăn, nhiều khi gay cấn. Thực tế có lúc phải sau 155 vòng bỏ phiếu kéo dài hơn 3 tháng, ĐHĐ mới bầu được một thành viên không thường trực mới. Cuộc bỏ phiếu năm nay để bầu một thành viên mới đại diện cho khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê đã qua 41 vòng, kéo dài hai tuần vẫn chưa có kết quả.

Các ghế không thường trực HĐBA dành cho châu Á đến năm 2029 đã được đăng ký ứng cử hết. Việc được Nhóm châu Á quyết định đề cử là ứng cử viên duy nhất lần này sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho Việc Nam trong việc tranh thủ sự ủng hộ của các nước ngoài khu vực trong thời gian từ nay đến lúc ĐHĐ tiến hành bỏ phiếu vào tháng 10-2007.

+ Vậy theo Đại sứ, đã có thể nói Việt Nam chắc chắn trở thành thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009?

- Chỉ có thể nói gần như chắc chắn. Theo quy định, dù là ứng cử viên duy nhất ta vẫn phải đạt tối thiểu 2/3 số phiếu bầu của các nước thành viên LHQ có mặt và tham gia bỏ phiếu, nghĩa là phải đạt khoảng từ 125 đến 128 phiếu. Gần như chắc chắn vì khi ta đã được Nhóm châu Á đề cử là ứng cử viên duy nhất của Nhóm, các nước ngoài khu vực ít có lý do để không ủng hộ.

10 năm qua kể từ tháng 2/1997, khi chính thức đăng ký tranh cử vào HĐBA, trong khuôn khổ chính sách đối ngoại vì hoà bình, đa phương và đa dạng hoá quan hệ quốc tế, Việt Nam đã tiến những bước dài, tham gia tích cực và ngày càng sâu rộng hơn vào công việc của LHQ, đặc biệt trong lĩnh vực duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, là một thành viên có trách nhiệm của tổ chức toàn cầu lớn nhất này.

Đây là cơ sở quan trọng đầu tiên để các nước trong và ngoài khu vực ủng hộ ta. Cho đến nay, ta đã nhận được cam kết ủng hộ của nhiều nước.

Tháng 11 tới, Việt Nam sẽ trở thành thành viên và bắt đầu tham gia công việc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sẽ tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14. Tháng 11/2007, theo quy định mới, nếu trúng cử Việt Nam có thể bắt đầu tham gia công việc của HĐBA LHQ mặc dù từ tháng 1/2008 ta mới chính thức trở thành thành viên không thường trực HĐBA. Hai năm tới sẽ là những mốc lớn của ngoại giao đa phương Việt Nam.

+ Và Việt Nam đã chuẩn bị để đảm nhiệm trọng trách này như thế nào?

- Đó là một quá trình lâu dài, từ nhiều năm nay. Ta đã cử cán bộ tham dự các khoá đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao kỹ năng ngoại giao đa phương và nắm bắt các vấn đề liên quan chức năng hoạt động của HĐBA; tổ chức hội nghị, hội thảo với sự tham gia của nhiều ngành hữu quan trao đổi về công tác chuẩn bị tham gia công việc của Hội đồng, kể cả cơ chế phối hợp trong nước và giữa trong nước với cơ quan đại diện tại LHQ.

Từ hai năm qua, Phái đoàn Đại diện Thường trực tại LHQ đã được tăng cường thêm cán bộ để chuẩn bị; khi ta chính thức trở thành thành viên không thường trực HĐBA sẽ được tăng cường thêm.

Ứng cử vào HĐBA LHQ là một chủ trương lớn. Được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao, với quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, tôi tin chúng ta sẽ hoàn thành tốt trọng trách, đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, trong đó có hòa bình và an ninh của nước ta là một bộ phận không tách rời.

+ Việt Nam sẽ tham gia HĐBA trong bối cảnh đang có những nỗ lực đẩy mạnh quá trình cải tổ LHQ, kể cả cải tổ HĐBA. Xin Đại sứ cho biết quan điểm của Việt Nam về vấn đề cải tổ Hội đồng?

- Ngay từ bước đầu của quá trình thảo luận về vấn đề này, chúng ta luôn kiên trì quan điểm cải tổ HĐBA là một bộ phận quan trọng của quá trình cải tổ toàn diện LHQ nhằm làm cho tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn. Chúng ta cho rằng để dân chủ và hiệu quả hơn, HĐBA cần được cải tổ cả về thành phần và phương pháp làm việc. Chúng ta ủng hộ việc mở rộng cả thành phần thường trực và không thường trực của Hội đồng, tăng thêm thành phần các nước đang phát triển trong Hội đồng.

+ Vấn đề có thể được thảo luận và quyết định tại HĐBA là việc sử dụng vũ lực và các biện pháp trừng phạt. Phương châm xử lý vấn đề này của Việt Nam tại Hội đồng?

- Chúng ta ủng hộ phương châm giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp. Vũ lực và các biện pháp trừng phạt chỉ được áp dụng khi tất cả các biện pháp hòa bình đã được áp dụng để giải quyết tranh chấp mà không có hiệu quả; việc sử dụng vũ lực và các biện pháp trừng phạt phải tuân theo các quy định của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia

Xin cảm ơn Đại sứ.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG