Châu Âu bắt tay IMF giải quyết khủng hoảng

Châu Âu bắt tay IMF giải quyết khủng hoảng
TP - Chiều 4-11 trong phiên họp bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20, nhóm G20 đạt thỏa thuận đóng góp tài chính cho Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF), nhằm tăng quỹ cho Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Các nhà lãnh đạo G20 Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo G20 Ảnh: Reuters.

Theo đó, G20 đồng thuận đề xuất của IMF về thiết lập mạng lưới dự trữ tiền mặt. Tiếp đến, G20 xem xét những khoản vay khẩn cấp có thể sử dụng trong các trường hợp đặc biệt: thảm họa thiên nhiên, khủng hoảng chính trị. Hình thức thứ 3 là G20 cam kết đóng góp để IMF có đủ lực thực hiện sứ mệnh tài chính.

IMF phải củng cố biện pháp đẩy nhanh cứu trợ ngân sách cho các quốc gia khó khăn nhờ quỹ đặc biệt, huy động các thành viên với số tiền có thể lên đến 280-300 tỷ USD. Vấn đề bây giờ không phải là Hy Lạp nữa mà mục tiêu thực sự phải là ổn định Ý, như nhận định của nhiều nhà lãnh đạo.

Các lãnh đạo châu Âu tỏ ra bực bội vì Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đến Pháp không có đề xuất cụ thể nào để đảm bảo quỹ đạo ngân sách của nước này. Hôm 27-10, Chủ tịch Hội đồng Ý cam kết trình gói giải pháp cho các nhà lãnh đạo G20.

Châu Âu và IMF cố gắng tìm cách cứu Ý, nhưng đòi giám sát quốc gia này và Thủ tướng Ý đã chấp nhận. Nhưng sáng 4-11, Ý từ chối chịu giám sát, chỉ chấp nhận “lời khuyên” của châu Âu và IMF. Ủy ban châu Âu và IMF sớm có bản báo cáo riêng về việc đẩy nhanh cải tổ kinh tế Ý.

Nếu Hy Lạp làm sụt giảm 2% GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), thì ngòi nổ Ý với 1.900 tỷ euro nợ có thể là thảm kịch khác cho Eurozone. Để ổn định thị trường, các nước thành viên không thể nào khác phải tôn trọng cam kết.

“Chúng tôi muốn chắc chắn rằng những giải pháp sớm được áp dụng một cách hiệu quả”, một lãnh đạo châu Âu nói. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phát biểu trong cuộc họp tối qua rằng, vấn đề không phải nội dung các giải pháp, mà là thực hiện chúng ra sao.

“Ý nắm giữ chìa khóa cho cuộc khủng hoảng nợ Eurozone. Sự phát triển kinh tế nước này có thể xem là thử nghiệm độ tin cậy các biện pháp trong khuôn khổ chống khủng hoảng”, một nhà phân tích của ngân hàng BNP Paribas nói.

Ủy ban Eurozone phải củng cố vai trò của nhóm kiểm soát, có thể thành lập cỗ xe tam mã, để kiểm tra thường xuyên Ai Len, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Nhóm G20 bắt buộc phải thiết lập bức tường lửa bao quanh Tây Ban Nha và Ý, nhà phân tích nói.

Phiên họp cuối của Hội nghị G20 tập trung thảo luận về minh bạch hóa và các quy định tài chính, rủi ro giao dịch…

Hải Minh tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG