Châu Âu 'bớt lo' sau chiến thắng của ông Macron

Ảnh: EPA
Ảnh: EPA
TPO - Những người châu Âu có tư tưởng ôn hòa và giới chính trị cầm quyền trong khu vực có thể tạm thở phào sau những gì diễn ra suốt nhiều tháng qua tại Anh, Hà Lan và bây giờ là Pháp.

Trước đó, làn sóng dân túy khiến 52% số cử tri Anh đi bỏ phiếu với quyết định cho rằng tương lai của họ khi ở bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) sẽ tươi sáng hơn, và khiến tầng lớp lao động người Mỹ tin rằng một ngôi sao truyền hình thực tế, một tỷ phú bất động sản lắm tài nhiều tật Donal Trump sẽ trân trọng và đấu tranh cho các lợi ích của họ tại Nhà Trắng, tạm thời đã bị đẩy lui và cách ly khỏi trái tim của châu Âu.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là điều này sẽ diễn ra trong bao lâu. Theo giới phân tích mặc dù sự ủng hộ của các cử tri châu Âu đối với lực lượng này đang thoái trào, song chủ nghĩa dân túy chưa hề phai nhạt mà thậm chí ngày càng phát triển và gây nhiều ảnh hưởng. 

Dù chịu thất bại trước ông Macron với hơn 30% số phiếu trong cuộc đối đầu trực tiếp, song rõ ràng bà Le Pen đã tự tạo một bước đột phá không hề nhỏ.

Chưa bao giờ tại Pháp nhiều cử tri, với lo ngại và giận dữ bởi tác động tiêu cực từ toàn cầu hóa đối với vấn đề việc làm và an ninh, lại cảm thấy sự an ủi trong các cam kết về chủ nghĩa bảo hộ “Nước Pháp trên hết” của bà Le Pen như vừa qua.

Đặc biệt, những điều vốn được cho là cấm kỵ vì liên quan tới đảng Mặt trận Quốc gia (FN), xuất phát từ lịch sử bài Do Thái, cực đoan và phân biệt chủng tộc của đảng này, đang dần biến mất. Xã hội Pháp ngày càng chấp nhận đảng FN và nhiều cử tri ủng hộ bà Le Pen có tuổi đời khá trẻ.

Sự hoài nghi của Le Pen đối với thế giới bên ngoài ngày càng phổ biến và thu hút người dân tại một quốc gia từng nổi tiếng với những nhà lý luận nhân sinh vĩ đại nhất thế giới. Đối với những người Pháp chủ trương ôn hòa, việc xóa bỏ hay kiềm chế chủ nghĩa dân túy có lẽ đang dần trở thành một điều bất khả thi.

Tại Hà Lan, mặc dù chỉ đưa ra cương lĩnh tranh cử dài 1 trang, song đảng Tự do với tư tưởng bài châu Âu, phản đối Hồi giáo và nhập cư của ông Geert Wilders vẫn giành được 5 phiếu, trở thành chính đảng lớn thứ 2 trong Quốc hội Hà Lan sau các cuộc bầu cử hồi tháng 3 vừa qua.

Các tuyên bố cứng rắn của ông Wilders đã buộc Thủ tướng Mark Rutte cũng phải có những phát biểu mạnh mẽ phản đối nhập cư nhằm lôi kéo cử tri về phe mình.

Theo một nghiên cứu do Trường Kennedy, thuộc Đại học Harvard, các chính đảng dân túy cánh hữu tại châu Âu ngày càng có nhiều ảnh hưởng hơn. Số ghế trong Quốc hội và số phiếu mà họ nhận được ngày càng tăng lên.

Đặc biệt, ngay cả các chính đảng dân túy cánh tả trước kia hầu như không có mặt trong các nghị viện ở châu Âu, thì giờ đây, tỷ lệ ủng hộ lực lượng này đã tăng lên mạnh mẽ. 

Đặc biệt, truyền thông thế giới cũng đưa ra nhiều đánh giá khác nhau về chiến thắng của ông Macron và tương lai châu Âu.

Tại Đức, báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) thiên hướng bảo thủ bình luận "chiến thắng rõ ràng của ông Macron là một sự đảm bảo, song châu Âu không nên có bất cứ sự ảo tưởng nào".

Trong khi đó, tờ Thời báo tài chính (FT) của Anh cũng hoan nghênh kết quả mà ông Macron đạt được, song lưu ý rằng chiến thắng của nhà lãnh đạo này là "chưa tròn", cảnh báo rằng tiến trình tranh cử đã vô hình trung "hợp thức hóa" phong trào cực hữu ở Pháp.

Theo tờ báo có ảnh hưởng này, nếu ông Macron sảy chân trong cuộc bầu cử vừa qua, chưa rõ giải pháp sẽ như thế nào để bà Le Pen có thể cầm quyền cho tới năm 2022.

Tương tự, báo The Guardian một mặt ca ngợi sự sáng suốt của cử tri Pháp giúp châu Âu an toàn hơn, song cũng cảnh báo con đường khó khăn phía trước của ông Macron. 

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đã ngã ngũ và nhiều người dân châu Âu tỏ ra hân hoan với kết quả này. Điều này cho thấy dường như làn sóng dân túy đang thoái trào, và trái tim châu Âu vẫn "bình an vô sự".

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc châu Âu có thể thở phào nhẹ nhõm. 

MỚI - NÓNG