Châu Âu chỉ cầm cự được vài ngày nếu Nga cắt khí đốt

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Việc phân tích kỹ những trữ lượng dầu mỏ và khí đốt có trong tay châu Âu cũng như lượng khí đốt dự trữ của châu Âu cho thấy, nếu từ bỏ hoàn toàn nguồn cung cấp năng lượng từ Nga thì châu Âu chỉ có thể cầm cự được ít ngày.

Hiện nay, nhiều chính khách và chuyên gia Phương Tây khẳng định châu Âu đã bắt đầu ít phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga hơn và có thể đứng vững được một thời gian tương đối dài nếu bị cắt nguồn năng lượng từ Nga. Nhưng thực ra không phải như vậy.

Cụ thể, nhu cầu khí đốt hằng năm của châu Âu là 450 tỷ m3, trong đó 167 tỷ m3 (34%) đến từ Nga. Những nguồn thay thế khí đốt Nga thực tế là không có. Không một nước xuất khẩu khí đốt nào của châu Âu (như Hà Lan, Anh và Na Uy) có thể tăng đáng kể sản lượng của mình trong một thời gian ngắn.

Ngay cả những nước xuất khẩu khí đốt ngoài châu Âu (như Algerie và Libya) cũng vậy. Để những nước này tăng được đáng kể lượng khí đốt của mình, cần nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng.

Hơn thế nữa, châu Âu trong tương lai còn phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt nước ngoài bởi vì trữ lượng khí đốt của bản thân châu Âu đang cạn dần. Ngay cả việc nhập khí đốt hóa lỏng (chẳng hạn như từ Mỹ) cũng không thể thay thế được khí đốt tự nhiên của Nga.

Mới đây, Tổng thống Obama đã hứa hẹn sẽ bảo đảm nhu cầu khí đốt cho châu Âu để châu Âu không phải phụ thuộc vào Nga. Nhưng vấn đề ở đây là giá cả. Khí đốt hóa lỏng nhập từ Mỹ sẽ đắt gần gấp đôi so với khí đốt tự nhiên nhập từ Nga, vì thế các nước châu Âu chắc chắn sẽ không vì lý do chính trị mà phải bỏ thêm một đống tiền giữa thời buổi khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Còn những bể dự trữ khí đốt của châu Âu thì vào lúc này mới chỉ đầy được 46%, tức là chỉ đủ dùng trong vài tháng. Một số nước như Hy Lạp, Bulgaria, Slovakia và Hungary thực tế không có bể chứa dự trữ, nghĩa là phụ thuộc 100% vào khí đốt đến từ Nga.

Theo TheoDer Spiegel
MỚI - NÓNG