Châu Âu đang mất kiên nhẫn với Trung Quốc

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters
TP - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ thăm Trung Quốc vào tháng tới. Mối bận tâm lớn nhất của nhà lãnh đạo tích cực nhất châu Âu hiện nay là hợp tác biến đổi khí hậu và quan hệ thương mại với nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Đây sẽ là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai của ông Macron kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2017, diễn ra vào thời điểm Pháp, cũng như cả EU, đang phải đối phó với nguy cơ Mỹ tăng thuế lên hàng hóa châu Âu, trong khi không có tiến triển trong các chính sách biến đổi khí hậu với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Tổng thống Macron sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, trong lúc Pháp đang muốn có hợp tác tốt hơn với Trung Quốc trong vấn đề khí hậu và thương mại”, báo SCMP dẫn một nguồn tin từ chính phủ Pháp cho biết.

Ông Macron, 41 tuổi, được nhiều người coi là nhà lãnh đạo quyết liệt nhất của châu Âu hiện nay có thể lấp vào khoảng trống chính trị mà Thủ tướng Đức Angela Merkel để lại. Ông tự gọi mình là trọng tài trung thực giữa Nga và Ukraine, giữa Mỹ và Iran. Ông cũng chỉ trích ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu, cùng bà Merkel thúc đẩy EU phải có quan điểm cứng rắn hơn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tháng 3 năm nay, khi ông Tập tuyên bố giành chiến thắng ngoại giao lớn vì ký được biên bản ghi nhớ với Ý về hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai - Con đường, ông Macron tuyên bố: “Thời kỳ sự ngây thơ của châu Âu đã kết thúc. Trong nhiều năm, chúng ta đã có cách tiếp cận thiếu phối hợp và Trung Quốc lợi dụng sự chia rẽ của chúng ta”.

Ông Macron ủng hộ cơ chế rà soát đầu tư đối với các doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Âu, ủng hộ kế hoạch thay đổi các quy tắc chống độc quyền nổi tiếng nghiêm khắc của châu Âu để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáp nhập giữa các công ty lớn của châu Âu nhằm ngăn tham vọng toàn cầu của các công ty Trung Quốc. EU kêu gọi phải đối xử có đi có lại với Trung Quốc về đầu tư. Và lãnh đạo các doanh nghiệp EU ở Trung Quốc chờ đợi ông Macron thúc đẩy mong muốn này. Về quan hệ song phương, Pháp chiếm 1,4% thị phần ở Trung Quốc, nhưng ngược lại Trung Quốc chiếm 9% thị phần ở Pháp. Trung Quốc là nước gây thâm hụt thương mại lớn nhất với Pháp, với 29,2 tỷ euro trong năm ngoái.

Dễ mất cơ hội

EU đang ngày càng bực bội vì không thể giải quyết các mâu thuẫn kinh tế và thương mại với Trung Quốc do Bắc Kinh đang tập trung vào cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Các đòn tăng thuế lẫn nhau trong gần 15 tháng qua đã kéo Mỹ và Trung Quốc ngồi xuống bàn đối thoại cấp cao cả chục vòng, khiến giới chức Trung Quốc quá bận rộn mà không thể gặp các đối tác ở Brussels, SCMP dẫn các nguồn tin cho biết.

Khi vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra tại Washington trong vài tuần tới, Bắc Kinh gần đây hoãn một cuộc họp với EU về chủ đề cải cách Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã được lên kế hoạch vào tháng này để chuyển sang tháng tới, các nguồn tin tiết lộ.

Trung Quốc và EU lập một nhóm đàm phán chung cấp thứ trưởng để thảo luận về cải cách WTO từ tháng 6 năm ngoái, nhưng cho đến nay mới tổ chức được 2 cuộc họp. Các quan chức EU từng nói rằng những bàn bạc của họ với Trung Quốc về cải cách WTO thiếu thực chất, khiến hai bên vẫn khác xa nhau về quan điểm.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Đức Merkel vào đầu tháng 9 này, ông Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường hứa sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế. Nhưng ở sau hậu trường, các nhà ngoại giao và lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ đang mất kiên nhẫn với tốc độ cải cách chậm chạp của Trung Quốc.

Tuần trước, Phòng thương mại EU ở Trung Quốc công bố báo cáo kêu gọi EU tăng cường chính sách phòng vệ đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Tiếp cận thị trường và bảo vệ sở hữu trí tuệ cũng là những vấn đề gai góc mà Bắc Kinh và Brussels chưa giải quyết được.

Một nguồn tin ngoại giao nói với SCMP rằng Trung Quốc từ chối giải quyết trực tiếp các vấn đề vì lo rằng cách họ ứng xử với EU có thể ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán với Mỹ, và Bắc Kinh muốn đợi đội ngũ lãnh đạo mới của EU bắt đầu công việc vào ngày 1/11 tới.

Nguồn tin nói rằng Trung Quốc đang phải tìm cách để vừa giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ vừa tiếp tục mở cửa cho “các đối tác tin cậy”. Nhưng nếu không đạt được đột phá trong đàm phán đầu tư và thương mại với đội ngũ lãnh đạo của EU hiện nay, Bắc Kinh có thể mất cơ hội. “Các lãnh đạo mới của EU sẽ không xúc tiến các chương trình với Trung Quốc trong 6 tháng đầu tiên, sau đó có thể sẽ quyết liệt hơn”, nguồn tin nói.    

Về quan hệ song phương, Pháp chiếm 1,4% thị phần ở Trung Quốc, nhưng ngược lại Trung Quốc chiếm 9% thị phần ở Pháp. Trung Quốc là nước gây thâm hụt thương mại lớn nhất với Pháp, với 29,2 tỷ euro trong năm ngoái.

MỚI - NÓNG