Châu Âu giằng xé

TP - Thế giới một lần nữa chấn động khi chứng kiến thi thể bé trai tên Aylan, 3 tuổi, người Syria trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/9. Cậu bé cùng mẹ và anh trai đuối nước khi con thuyền chở hơn 10 người bị đắm trong hải trình tìm kiếm “miền đất hứa” châu Âu.

“Khoảnh khắc khiến cả thế giới nín lặng” đại diện cho hình ảnh hàng trăm nghìn người đang tìm cách chạy trốn xung đột, khủng bố ở Trung Đông, châu Phi, trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất thế giới kể từ Thế chiến II cũng như thách thức các giá trị cốt lõi châu Âu.

Kể từ khi thành lập (năm 1950), Liên minh châu Âu (EU) xác định nhân quyền, dân chủ và pháp trị là những giá trị cốt lõi, sự đoàn kết là nền tảng của khối. Trong đó, EU nhấn mạnh việc thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người dân thuộc vùng dân tộc thiểu số, cũng như những người tha hương. Hiệp ước Schengen tiếp tục ra đời 40 năm sau đó cho phép người dân các nước thành viên được đi lại tự do trong khu vực Schengen, củng cố thêm tính thống nhất của EU mà không châu lục nào có được.

Trong khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi các nước EU cần tiếp nhận ít nhất 100.000 người di cư, Thủ tướng Pháp Manuel Valls yêu cầu EU hành động khẩn cấp, Italia và Đức khẳng định EU xem xét lại các quy định tị nạn hiện tại thì Hungary, Áo và Macedonia phản ứng trái ngược. Chính quyền các nước này chỉ trích quyết sách của Đức làm gia tăng tình trạng hỗn loạn các tuyến biên giới. Budapest ngày 4/9 thậm chí đóng cửa khẩu biên giới chính với Serbia để ngăn dòng người nhập cư. Chưa bao giờ châu Âu trở nên “khép kín” như hiện nay.

Không ít người kỳ vọng bức ảnh bé Aylan sẽ khiến một số nước EU thay đổi thái độ đối với những người di cư. Nhưng, thực tế không đơn giản vậy.

Thứ nhất, châu Âu đang gồng mình đối phó với gánh nặng nợ công và tỷ lệ thất nghiệp cao. Khủng hoảng di cư tiếp tục đặt EU vào nguy cơ bất ổn mới khi các nguồn tin cho thấy chiến binh “Nhà nước Hồi giáo” IS đã trà trộn trong dòng người nhập cư đổ về châu Âu.

Thứ hai, sự bất nhất trong phân bổ tiếp nhận người nhập cư của các thành viên EU, đặc biệt những nước “cửa ngõ châu Âu” như Italy, Hy Lạp và Hungary. Đến nay EU mới chỉ cam kết tiếp nhận đồng đều 32.000 người tị nạn đang ở Italia và Hy Lạp.

Trước những biến cố liên quan tới dòng người tị nạn đổ về châu Âu, thì cuộc họp của Bộ trưởng Nội vụ EU ở Brussels hôm 14/9 tới không chỉ giải quyết các vấn đề trên, mà còn kiểm chứng các giá trị cốt lõi mà châu Âu dày công gây dựng suốt hơn 6 thập niên.

MỚI - NÓNG