Châu Âu quay lưng với Thổ Nhĩ Kỳ?

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte
TPO - Không chỉ Hà Lan, hàng loạt các quốc gia châu Âu như Đan Mạch, Đức, Áo, Thụy Sỹ đã cấm Thổ Nhĩ Kỳ vận động chính trị tại nước mình vì lo ngại làn sóng trưng cầu dân ý có nguy cơ bùng phát ở châu Âu.

Theo CNN, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn vận động cộng đồng người Thổ ở châu Âu ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cải cách vốn giúp ông Erdogan có nhiều quyền hơn.

Căng thẳng nổi lên

Ông Erdogan mong muốn tập hợp được ủng hộ của 4,6 người Thổ đang sống ở châu Âu, nhiều người trong đó có quyền bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4 tới.

Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu lo ngại việc này có thể gây bất ổn cho nước họ bởi cộng đồng người Thổ chia rẽ thành hai phe ủng hộ và không ủng hộ ông Erdogan.

Sau khi Đức, Áo, Thụy Sỹ từ chối cho các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ vận động ở nước họ, hôm 11/3, Hà Lan tiếp tục cấm cửa máy bay chở Ngoại trưởng Thỗ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vào nước này vì lo ngại an ninh.

Ngoài ra, Hà Lan cũng ngăn không cho bộ trưởng phụ trách các vấn đề gia đình của Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh sự quán nước này ở Rotterdam.

Khẩu chiến

Ông Erdogan giận dữ cho rằng Hà Lan đang “hy sinh mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ- Hà Lan” và cáo buộc quốc gia vốn mất đi hơn 200.000 công dân của mình trong Thế chiến II là “tàn dư của phát xít”.

Châu Âu quay lưng với Thổ Nhĩ Kỳ? ảnh 1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Ngoại trưởng Cavusoglu tuyên bố sẽ trả đũa gấp 10 lần so với Hà Lan, ông Erdogan cũng gọi nước này là “cộng hòa chuối” và kêu gọi các nước và tổ chức ở châu Âu trừng phạt Hà Lan. 

Nguồn tin ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trên hãng tin Anadolu rằng cơ quan ngoại giao Hà Lan ở Ankara và Istanbul đã phải đóng cửa vì lo ngại an ninh. 

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 12/3 nói rằng những phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan là mang tính kích động và "không thể chấp nhận được".

Cũng theo ông Rutte, Hà Lan sẽ không xin lỗi việc cấm các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vận động chính trị mà chính nước này phải xin lỗi vì so sánh Hà Lan với phát xít.

Ông Rutte nói thêm, trong khi Hà Lan không muốn đối đầu với Ankara nhưng vẫn phải cân nhắc thêm các lựa chọn khác nếu Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng đưa ra những bình luận như vậy.

“Giờ đây, chúng ta đang quan tâm đến lãnh đạo và lợi ích của hợp tác để cố gắng giảm căng thẳng, nhưng tất nhiên Thổ Nhĩ Kỳ phải có thiện chí và những gì họ đang làm không giúp được gì cho tình hình hiện nay”, ông Rutte nói tiếp.

Thêm nhiều nước quay lưng

Trong diễn biến có liên quan, hôm 12/3, Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã hoãn chuyến thăm Đan Mạch của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yıldırım dự kiến trong tháng này. 

“Trong tình hình bình thường, tôi rất vui mừng chào đón Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tại Copenhagen. Nhưng với những cuộc khẩu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ lên Hà Lan, một cuộc họp mới khó có thể diễn ra”, Thủ tướng Đan Mạch nói.

Ngoài ra các nước Đức, Áo, Thụy Sỹ cũng cấm cửa chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức vận động chính trị tại nước mình. 

Phó Chủ tịch Quốc hội châu Âu Alexander Graff Lambsdorff yêu cầu một lệnh cấm các bộ trưởng Thổ vận động ở Liên minh châu Âu.

Theo các nhà quan sát, ngoài vấn đề người Thổ ở châu Âu, việc Liên minh châu Âu  ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mượn đất “diễn” cho chiến dịch vận động chính trị được đánh giá là một sự đề phòng cần thiết trong bối cảnh làn sóng trưng cầu dân ý có nguy cơ bùng phát ở lục địa già. 

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG