Châu Âu tăng cường an ninh trước nguy cơ khủng bố

Cảnh sát tuần tra trong một chợ Giáng sinh tại thành phố Dortmund của Đức hôm 20/12. Ảnh: Bernd Thissen.
Cảnh sát tuần tra trong một chợ Giáng sinh tại thành phố Dortmund của Đức hôm 20/12. Ảnh: Bernd Thissen.
TP - Hai vụ tấn công khủng bố, một ở trung tâm, một ở vùng ngoại vi châu Âu, cùng xảy ra tối 19/12, gần như khép lại một năm đen tối với hậu quả cuộc chiến ở Trung Đông tác động lên cả châu Âu và xa hơn thế. Mùa Noel năm nay, châu Âu phải tăng cường an ninh, nhưng không ai nói trước được điều gì.

Một thanh niên ăn mặc chỉn chu, ngực đeo huy hiệu vào dự sự kiện quan trọng - một cuộc triển lãm nghệ thuật mang tính ngoại giao, rồi rút súng bắn chết vị đại sứ, ngay giữa khu vực tập trung các cơ quan ngoại giao ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Gần như cùng lúc đó, dưới bóng nhà thờ lớn ở Berlin, nơi vẫn mang những vết sẹo bom đạn thời Thế chiến 2, một người đàn ông lái chiếc xe tải đâm vào khu chợ Giáng sinh, khiến 60 người thương vong.

Hai vụ tấn công xảy ra theo hai kiểu khác nhau, nhưng đều khắc họa kỷ nguyên mới của chủ nghĩa khủng bố mà nguồn gốc là chiến tranh ở Trung Đông, giới quan sát nhận định. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vụ ám sát Đại sứ Nga là minh chứng cho một trong những năm biến động nhất trong lịch sử hiện đại của họ. Mối đe dọa khủng bố trở thành thực tế của cuộc sống hằng ngày. Một cuộc đảo chính bất thành nối tiếp với chiến dịch thanh trừng. Tính chất bạo lực của cuộc chiến nhằm vào những người Kurd ly khai đã leo lên mức độ mới.

Đối với Đức, trước hôm 19/12, nước này vẫn bình an trước làn sóng khủng bố tấn công các nước châu Âu khác như Pháp, Bỉ… Vụ tấn công lần này là sự hiện thực hóa mối lo ngại rằng Đức sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo. Đó có thể là điềm xấu của tương lai: mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố đã trở thành hiện thực ở Đức, sau khi nước này mở cửa chào đón người tị nạn từ Trung Đông, khiến phong trào cánh hữu có thêm cớ để trỗi dậy.

Vụ giết hại Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ được coi như màn trình diễn được lên kế hoạch kỹ lưỡng và được ghi lại trọn vẹn dưới camera. Bối cảnh xảy ra sự việc là những bức ảnh nhiều màu sắc trên tường triển lãm khiến vụ ám sát trông giống như một màn trình diễn, trong đó kẻ sát nhân lăm lăm súng chĩa khắp căn phòng và tuyên bố hành động của anh ta là để trả đũa cho việc Nga không kích thành phố Aleppo của Syria.

Không bất ngờ

Tại một căn hộ ở thủ đô Berlin của Đức, anh Can Dundar, cựu biên tập viên của một tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ, theo dõi tin tức về hai vụ tấn công ở quê nhà và quê hương mới của anh. “Tại Đức, tất cả những người tôi từng tiếp xúc đều nói họ không nghi ngờ khả năng xảy ra một cuộc tấn công như vậy. Berlin cho đến trước vụ tấn công vẫn chưa hề hấn gì. Người dân lo sợ điều đó sẽ đến, nhưng cảnh sát thì không. Tôi không thấy an ninh được tăng cường quanh đây”, báo New York Times dẫn lời anh Dundar.

“Dù điều xảy ra là gì cũng có liên quan đến Syria và Trung Đông”, Dundar nhận xét về hai vụ tấn công. Nhà báo này cho rằng, giải pháp cho chủ nghĩa khủng bố là phải giải quyết vấn đề Syria. Kẻ ám sát Đại sứ Nga ở Ankara được xác định là một cảnh sát, nhưng chưa có mấy thông tin về nhân thân của đối tượng này được công bố. Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, người này có liên hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ và bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành mùa hè năm nay. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, tay súng đó có khả năng liên quan các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria hoặc chỉ hành động một mình.

Thổ Nhĩ Kỳ đã hứng chịu nhiều vụ tấn công khủng bố, nhưng Đức thì chưa. Tác động của hiểm họa khủng bố đối với một xã hội mở như Đức có thể rất sâu rộng, nhiều quan chức và học giả châu Âu nhận định. “Là một người Pháp, ý nghĩ đầu tiên của tôi là, đó giống như sự lặp lại của vụ ở Nice”, ông  Marc Pierini, cựu Đại sứ của EU tại Thổ Nhĩ Kỳ, hiện công tác tại tổ chức phi chính phủ Carnegie Europe, nhận xét. Ông Pierini nhắc đến vụ tấn công ở Pháp hồi mùa hè khi một người đàn ông lái xe tải tông thẳng vào khu đi bộ, khiến hơn 80 người đang ăn mừng quốc khánh thiệt mạng. Theo ông, người châu Âu “đang dần phải quen với thực tế là chủ nghĩa khủng bố trở thành điều bình thường mới của chúng ta”.

Xã hội Đức và Thổ Nhĩ Kỳ khác xa nhau, nhưng từ nay, cuộc sống ở Đức có thể chia sẻ một số điểm tương đồng với Thổ Nhĩ Kỳ, khi người dân có tâm lý tránh xa đám đông và cảnh giác hơn nhiều với mọi thứ xung quanh. Mùa Giáng sinh năm nay, người châu Âu khó có thể yên tâm tận hưởng mùa lễ hội khi bóng ma khủng bố lơ lửng. Sau khi chợ Giáng sinh Đức bị tấn công, Tổng thống Pháp Francois Hollande trấn an dân chúng Pháp rằng, các lực lượng an ninh đã tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ nghỉ lễ. Tháng trước, giới chức Pháp nói họ triệt phá một âm mưu khủng bố nhằm vào nhiều địa điểm, trong đó có khu chợ dọc đại lộ Champs-Élysées ở Paris. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno le Roux vừa thông báo, ông đã chỉ đạo tăng cường cảnh sát, binh sĩ tuần tra trong 10 ngày cuối cùng của năm 2016. Cảnh sát đã tăng cường sự hiện diện ở các chợ ở trung tâm Paris để du khách, người dân địa phương yên tâm sắm đồ Noel. Tuy nhiên, ông Francois Heisbourg, cựu thành viên ủy ban tổng thống Pháp về an ninh-quốc phòng, cho rằng, khó có thể tăng cường an ninh hiệu quả cho chợ Giáng sinh, ngoài một số biện pháp đơn giản như đặt rào chắn bê tông. Về lý thuyết, rào chắn bê tông có thể ngăn xe cộ cỡ lớn đi vào khu vực đông người.

Vụ tấn công ở Đức vẫn chưa được làm sáng tỏ sau khi đối tượng tình nghi đến từ Pakistan được thả. Cảnh sát Đức đang săn lùng trên khắp cả nước để tìm ra kẻ tấn công chưa rõ danh tính đã gây ra vụ tấn công mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố là để đáp lại lời kêu gọi của chúng nhằm tấn công người châu Âu và người Mỹ. 

MỚI - NÓNG