“Chiến binh” ngoại giao Trung Quốc gây nhiều phản ứng

Trung Quốc hứng nhiều chỉ trích về cách xử lý COVID-19, nhưng các nhà ngoại giao nước này tích cực đáp trả. Ảnh: AP
Trung Quốc hứng nhiều chỉ trích về cách xử lý COVID-19, nhưng các nhà ngoại giao nước này tích cực đáp trả. Ảnh: AP
TP - Khi nhiều nước trên thế giới vẫn đang bị COVID-19 tấn công nặng nề, các nhà ngoại giao Trung Quốc quyết liệt triển khai chiến dịch đáp trả những chỉ trích về cách Bắc Kinh xử lý cuộc khủng hoảng trong giai đoạn đầu. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nỗ lực đó nhiều khi phản tác dụng.

Tuần trước, đại sứ Trung Quốc tại Pháp, Kazakhsan, Nigeria, Kenya, Uganda Ghana và Liên minh châu Phi bị nước sở tại triệu tập để làm rõ các cáo buộc phát tán tin đồn và thông tin sai lệch về tình trạng “đối xử phân biệt chủng tộc” đối với người châu Phi ở Quảng Châu. Nhiều nước như Đức, Pháp, Anh, Úc và Canada đều đã lên tiếng cùng Mỹ thúc ép Bắc Kinh phải minh bạch hơn về tình trạng mà họ gọi là che giấu và bước đi sai lầm trong giai đoạn đầu chống COVID-19.

Tuần trước, Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin mâu thuẫn công khai với báo Bild sau khi tờ báo có lượng phát hành lớn nhất ở Đức đòi Trung Quốc bồi thường hơn 160 tỷ USD vì sự thất bại trong khống chế dịch bệnh để nó lây sang nước khác. Phái đoàn ngoại giao Trung Quốc cáo buộc các chính trị gia ở Úc và Canada lặp lại giọng điệu của Mỹ, sau khi họ kêu gọi phải tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19 cũng như cách thức lây lan của đại dịch.

Đại sứ Trung Quốc Cheng Jingye nói với tạp chí tài chính The Australian Financial Review rằng việc Canberra thúc giục tiến hành điều tra quốc tế về nguồn gốc virus corona có thể dẫn đến làn sóng tẩy chay của người Trung Quốc khi họ không muốn đi du lịch, đến Úc học hay mua các sản phẩm của Úc.

Đáp lại, Ngoại trưởng Úc Marise Payne cảnh báo Trung Quốc chớ nên dùng cách “chèn ép kinh tế” vì Úc đưa ra đề xuất không chỉ vì lợi ích của Úc mà của cả thế giới. “Chúng tôi bác bỏ bất kỳ gợi ý nào rằng chèn ép kinh tế là cách phản ứng phù hợp đối với lời kêu gọi tiến hành một đánh giá như vậy, khi điều mà chúng ta cần là hợp tác toàn cầu”, Ngoại trưởng Úc nói. 

Trước đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Thụy Điển, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Singapore và Peru trở thành tiêu đề của báo chí quốc tế vì tranh cãi với báo chí, quan chức và học giả của nước sở tại khi họ nói về cách Bắc Kinh xử lý khủng hoảng COVID-19.

Lợi bất cập hại

 “Chiến dịch ngoại giao và tuyên truyền quyết liệt của Trung Quốc sẽ dẫn đến đối kháng với các nước khi họ đánh giá lại chính sách của Trung Quốc sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 qua đi, và nhiều nước sẽ quay lưng với quá trình toàn cầu hoá đã mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc”, báo SCMP dẫn lời Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại London. “Điều đó tất nhiên sẽ làm tổn hại những lợi ích của Trung Quốc và công dân Trung Quốc, vì họ là bên hưởng lợi nhiều nhất của toàn cầu hóa”, ông Tsang nói.

Sự chuyển hướng của ngoại giao Trung Quốc sang chủ nghĩa dân tộc đã thúc giục sự trỗi dậy của tinh thần “Chiến binh Sói”, cụm từ được lấy theo tên một bộ phim ăn khách về lòng yêu nước năm 2015. Nó diễn ra sau khi có nhiều cảnh báo từ cấp lãnh đạo cao nhất rằng quan hệ xấu đi nhanh chóng với Mỹ khiến Trung Quốc đối mặt với những thách thức và thù địch chưa từng thấy.

Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã không xa lạ gì với những tranh cãi. Hồi còn là đại sứ ở Canada, ông được nhiều người biết đến với những chỉ trích gay gắt đối với Ottawa, đặc biệt sau vụ bắt bà Mạnh Vãn Châu, một giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy cách nói gay gắt của các nhà ngoại giao Trung Quốc đang gây hại cho hình ảnh toàn cầu của nước họ. Theo khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew tại Washington công bố tuần trước, gần 2/3 người Mỹ tham gia nói rằng họ có quan điểm không tích cực về Trung Quốc do mâu thuẫn giữa hai nước trong cuộc khủng hoảng virus corona.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.