Chiến lược của Mỹ trên biển Đông đang phát huy tác dụng

Các tàu Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến tuần tra khẳng định tự do hàng hải trên biển Đông. Ảnh: National Interest.
Các tàu Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến tuần tra khẳng định tự do hàng hải trên biển Đông. Ảnh: National Interest.
TP - Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama lưỡng lự trong việc triển khai những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm ngăn cản Trung Quốc tiếp tục bồi đắp và quân sự hóa các tiền đồn vấp phải nhiều chỉ trích. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cách tiếp cận này đang phát huy tác dụng.

Chiến lược của Mỹ trên biển Đông đang phát huy tác dụng

Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama lưỡng lự trong việc triển khai những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm ngăn cản Trung Quốc tiếp tục bồi đắp và quân sự hóa các tiền đồn vấp phải nhiều chỉ trích. Nhưng có ý kiến cho rằng cách tiếp cận này đang phát huy tác dụng.

Trong một bài viết vừa đăng trên tạp chí Mỹ National Interest, nhà nghiên cứu Hunter Marston ở Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc ĐH Washington cho rằng, dù nhiều người cho rằng việc ông Obama sử dụng chiến lược đa phương thay vì ngăn chặn đang làm suy giảm sức mạnh của Mỹ ở châu Á, nhưng thực tế khác hoàn toàn.

Theo bài viết, nhiều nước trong khu vực hoan nghênh sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ, sẵn sàng ký các thỏa thuận quốc phòng với Washington và thiết lập nhiều mối quan hệ an ninh và đối tác chiến lược để tạo nên một mạng lưới ngày càng phát triển để phòng vệ trước những bước đi quyết liệt của Trung Quốc trên biển Đông. Những nước đi đầu trên thành lũy phòng vệ này gồm Nhật Bản, Philippines và Úc, cũng là các đồng minh chia sẻ lợi ích với Mỹ trong một hệ thống quốc tế mở. Giống như Mỹ, các nước này ngày càng thấy báo động trước việc Trung Quốc phớt lờ và bắt nạt những nước nhỏ hơn trên biển Đông nhằm đẩy nhanh những tuyên bố chủ quyền phi lý của họ. Và các nước đồng minh của Mỹ cũng hưởng lợi từ việc duy trì nguyên trạng, tự do hàng hải và thương mại được tôn trọng, và chống lại sự thống trị của bất kỳ quốc gia nào trên biển Đông.

Các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực đang thiết lập nhiều mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn với nhau. Mới tuần trước, Úc và Singapore hoàn tất việc nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Indonesia, Philippines và Malaysia vừa nhất trí sẽ tuần tra chung trên vùng biển nằm giữa 3 nước…

Đồng minh của Mỹ là Nhật Bản đang thúc đẩy một cấu trúc an ninh hình nan hoa ở châu Á nhằm duy trì hòa bình ở đây từ khi Thế chiến 2 kết thúc. Tokyo đã thiết lập đối tác chiến lược với Việt Nam, Philippines, Indonesia, và Malaysia và gần đây, thảo luận về khả năng thiết lập quan hệ liên minh hàng hải bốn bên gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ trên phạm vi Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, bảo vệ tự do hàng hải trên các tuyến vận tải biển và vùng biển duyên hải của các nước nhỏ.

Về phần mình, Mỹ triển khai 3 chiến dịch tự do hàng hải trên biển Đông trong năm 2014. Gần đây nhất, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USSWilliam P. Lawrence của Mỹ hôm 10/5 đi vào vùng biển 12 hải lý quanh đá Chữ Chập, nơi Trung Quốc đang quân sự hóa.

Mỹ cũng đã mở rộng tài trợ cho hoạt động nâng cao nhận thức biển cho các quốc gia Đông Nam Á. Năm ngoái, Lầu Năm góc thông báo Sáng kiến an ninh biển, một chương trình tài trị giá 425 triệu USD trong 5 năm nhằm nâng cao năng lực cho các quốc gia Đông Nam Á để giám sát và bảo vệ vùng biển của họ.

Nên giữ thể diện cho Trung Quốc?

 Tòa án trọng tài quốc tế (PCA) dự kiến sẽ đưa ra phán quyết cho vụ kiện Trung Quốc trên biển Đông do Philippines đệ đơn trong vài tuần tới. Vụ kiện được cho là sẽ có tác động sâu sắc đến các nước liên quan, cũng như khẳng định sức mạnh của luật quốc tế: về lý thuyết, mọi quốc gia đều là phải tuân theo luật quốc tế. Nhưng PCA không có phương tiện nào để buộc các nước phải thực hiện theo quyết định của họ.

Phán quyết này được coi là phép thử cho sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc tuân thủ các quy tắc quốc tế và tiêu chuẩn luật pháp. Trung Quốc sẽ phải chọn giữa việc tiếp tục theo đuổi các đòi hỏi chủ quyền quá mức của mình hay thỏa hiệp và đồng ý tôn trọng phán quyết của tòa, rồi phải mất mặt với dư luận trong nước và tổn hại uy tín trên trường quốc tế. Câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Washington và Bắc Kinh có thể tiến đến một sự hiểu biết mà Trung Quốc vừa tôn trọng tòa quốc tế vừa không bị mất mặt?

Tác giả Hunter Marston cho rằng Trung Quốc có tiền lệ dễ chấp thuận hợp tác với các cường quốc như Mỹ khi câu chuyện được giữ kín, thay vì bị nêu tên hay mất mặt với cộng đồng quốc tế. Ví dụ, năm 2001, vụ một máy bay do thám của Mỹ và một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đụng nhau trên không khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng nhanh chóng nguội sau khi Tổng thống Bush hồi đó công khai bày tỏ lấy làm tiếc về cái chết của viên phi công, dẫn đến việc Trung Quốc thả phi hành đoàn 24 người và cũng giúp Trung Quốc giữ thể diện mà không phải nhượng bộ trước áp lực của Mỹ. Vì thế, giới chức Mỹ nên tận dụng chính sách ngoại giao giữ thể diện để khuyến khích lãnh đạo Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA, ông Marston viết.

Washington vẫn có thể thể hiện sức mạnh của mình và thiết lập mạng lưới đồng minh và đối tác hình nan hoa để gây sức ép buộc Trung Quốc tìm giải pháp hòa bình. Mỹ vẫn còn lựa chọn cân bằng và kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc khi đa số các nước liên quan trên biển Đông ủng hộ một trật tự do Mỹ đứng đầu ở châu Á.

Cơ hội đi theo con đường hòa bình cũng cao hơn nếu Mỹ có thể thuyết phục các nước Đông Nam Á đưa ra tiếng nói thống nhất và tôn trọng phán quyết của tòa, dù quyết định đó như thế nào. Trung Quốc luôn tìm cách tác động để gây chia rẽ trong ASEAN, nhưng Mỹ vẫn có nhiều đồng minh và đối tác khiến Trung Quốc bị cô độc khi viện dẫn luật quốc tế.

Theo Theo National Interest
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.