“Chiêu hiền đãi sĩ” kiểu Trung Quốc

“Chiêu hiền đãi sĩ” kiểu Trung Quốc
Từ năm 2006, các cơ quan dân chính Đảng cấp tỉnh tại Trung Quốc phải thông qua thi tuyển để lựa chọn nhân sự. Ít nhất 1/3 số cán bộ phải là cử nhân đại học, có kinh nghiệm công tác hai năm trở lên.
“Chiêu hiền đãi sĩ” kiểu Trung Quốc ảnh 1

Những cử nhân mới tốt nghiệp đại học làm việc ở cơ quan cấp tỉnh, sẽ được đưa xuống rèn luyện tại cơ sở 1-2 năm. Sau này, khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, ưu tiên những người đã kinh qua công tác tại cơ sở.

Đây là nội dung của văn bản " ý kiến về việc hướng dẫn, khuyến khích cử nhân tìm việc làm tại cơ sở” vừa được Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành. Trong đó, Chính phủ Trung Quốc xác định, đội ngũ cử nhân trẻ là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển đất nước.

Đây là một việc làm theo chiến lược đã được nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nêu ra ngay từ khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách, mở cửa, hơn 20 năm trước.

Hơn 20 năm trước, khi bắt đầu thực hiện cải cách mở cửa, Trung Quốc chủ trương để các tỉnh miền đông có điều kiện thuận lợi phát triển trước. Sau đó, dùng nhân tài, vật lực của miền đông chi viện cho sự nghiệp khai thác miền tây và các tỉnh còn khó khăn.

Từ năm 2000, Trung Quốc đưa ra những quyết sách phát triển kinh tế miền tây. Mục tiêu đến năm 2010, cơ bản xây dựng xong cơ sở hạ tầng và xây dựng đội ngũ nhân tài cho 12 tỉnh miền tây; đến năm 2030, rút ngắn cơ bản khoảng cách chênh lệch phát triển giữa miền tây và miền đông và năm 2050, bảo đảm miền tây hoàn toàn không còn chênh lệch với miền đông.

Sau Đại hội XVI Đảng CS Trung Quốc, năm 2002, chính phủ nước này lại phát động chiến dịch chấn hưng khu công nghiệp cũ đông-bắc, gồm ba tỉnh: Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang. Ba tỉnh này là đầu tàu kinh tế của Trung Quốc trước đây, nhưng công nghệ hiện đã lạc hậu, cơ cấu kinh tế bất hợp lý. Để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược nêu trên, Trung Quốc cần thu hút và đào tạo hàng triệu cử nhân, tiến sĩ.

 Hai năm qua, chính phủ đã yêu cầu tất cả các cấp, các ngành , địa phương và các trường học tham gia chiến lược đưa nhân tài về vùng sâu.

Thứ trưởng Bộ Dân sự Y Úy Dân cho biết, bộ đã nghiên cứu, đưa ra chính sách linh hoạt, tạo nhiều kênh thuận lợi để thu hút các cử nhân, thạc sĩ về công tác tại cơ sở. Chú trọng hai đối tượng là cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật.

Để thu hút các cử nhân trẻ đến 15 tỉnh khó khăn (12 tỉnh miền tây và ba tỉnh đông-bắc) với 600 huyện, chính phủ Trung Quốc và các địa phương còn đề ra hàng loạt các chính sách ưu đãi khác.

Đối với những người tình nguyện về công tác ở cơ sở cấp huyện trở xuống, được phép lựa chọn đi hay ở tự do. Tự do lựa chọn lưu hộ khẩu ở chỗ cũ hoặc chuyển đến chỗ làm mới. Sau khi cống hiến 5 năm tại cơ sở, họ có quyền được tiếp nhận công tác, chọn đơn vị công tác ở cơ quan cấp thành phố cao hơn. Nhiều trường đại học còn ưu tiên, miễn giảm học phí cao học cho những thanh niên tình nguyện đi vùng sâu.

Nguyên tắc chọn người tài được đề ra là công khai, cạnh tranh, bình đẳng. Trong các tỉnh khó khăn, Liêu Ninh là địa phương tích cực thu hút nhân tài nhất. Hai năm qua, tỉnh đã đề ra 70 hạng mục chính sách thu hút sinh viên, cử nhân và thạc sĩ về địa phương công tác.

Sinh viên đại học, nếu cam kết về các làng, xã khó khăn làm việc sau khi ra trường, tỉnh sẽ giảm hoặc miễn toàn bộ các khoản học phí. Nếu tình nguyện về các thị trấn, huyện, xã vùng sâu, được miễn 50% học phí.

Những người tình nguyện phục vụ hai năm trong lĩnh vực y tế, kỹ thuật nông nghiệp, xoá đói nghèo, giáo dục, tại các xã nghèo, sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí từ 600-800 NDT/tháng (tuỳ theo bằng cấp). Nếu ở lại cơ sở quá hạn quy định, sẽ được hỗ trợ thêm mỗi tháng khoảng 200 NDT. Ở các tỉnh đông-bắc, việc tuyển chọn nhân tài còn được gắn với chiến lược điều chỉnh cơ cấu kinh tế.

Các địa phương khác như Tân Cương, Tây Tạng, Cam Túc, Quý Châu, Ninh Hạ…nơi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, để thu hút nhân tài, chính quyền đã áp dụng rất nhiều cơ chế linh hoạt, thông thoáng. Nguyên tắc tuyển người là: “Tìm người đáng dùng, không dùng người sẵn có; người tài muốn đi hay ở lại, tuỳ ý, tự do”.

“Chiêu hiền đãi sĩ” kiểu Trung Quốc ảnh 2

Với phương châm “dụng nhân như dụng mộc”, các địa phương này còn cho phép những cán bộ trẻ có năng lực ở cơ sở có thể kiêm nhiệm nhiều chức vụ để họ thực thi nhiệm vụ thuận lợi hơn, tạo đà phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương.

Chiến lược thu hút nhân tài khai thác miền tây, chấn hưng đông bắc còn được gắn với chủ trương phát huy dân chủ ở cơ sở ở các tỉnh Quý Châu, Vân Nam, Hà Nam…Tại Vân Nam, nhiều huyện đã triển khai chọn xã trưởng theo hình thức bầu cử dân chủ, công khai, trực tiếp, không theo cơ cấu như trước đây. Vì vậy, nhiều cử nhân trẻ đã trúng cử .

Lương của họ do chính quyền thành phố, huyện và xã chia nhau trả. Riêng TP Bình Đỉnh Sơn (Hà Nam) tỷ lệ cử nhân trẻ làm trưởng thôn đã chiếm gần 40%. Chọn cán bộ qua thi tuyển đã chấm dứt tình trạng bè phái, trì trệ nhiều năm ở các địa phương, đồng thời tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở các thôn, xã vùng sâu.

Bác Vương Nhĩ, một nông dân ở Quý Châu nhận xét: “Cán bộ thôn là cử nhân trẻ có trình độ cao, lại ăn lương nhà nước, cho nên làm việc rất công tâm”.

Trung Quốc còn chú trọng thu hút đội ngũ nhân tài là Hoa kiều trở về phục vụ đất nước, nhất là những vùng khó khăn. Chính phủ áp dụng  các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập khoảng 15% cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư  nước ngoài hoạt dộng ở miền tây và đông-bắc; thành lập 60 khu công nghiệp (trong đó có nhiều khu thuộc 15 tỉnh khó khăn), thu hút hàng chục nghìn Hoa kiều về lập hơn 4000 doanh nghiệp…

Nhà cải cách chính trị đời Tống của Trung Quốc Phạm Trọng Yêm từng nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Chân lý ấy vẫn được các nhà lãnh đạo Trung Quốcc ngày nay hết sức coi trọng. Trong bản “ý kiến về việc hướng dẫn, khuyến khích cử nhân tìm việc làm tại cơ sở” mà chính phủ Trung Quốc ban hành giữa tháng 7 vừa qua, lớp trí thức trẻ cũng được chính phủ đánh giá là “nguồn tài sản quý báu”.

Với những cơ chế thông thoáng và  chủ trương đúng đắn về việc lựa chọn, sử dụng nhân tài của chính phủ, chắc chắn rằng, đội ngũ trí thức trẻ Trung Quôc sẽ nhanh chóng phát huy trí tuệ, sức lực, biến miền tây và vùng đông-bắc của Trung Quốc thành những miền quê trù phú. Và, trong tương lai không xa, ước mơ về một đất nước “khá giả toàn diện” của người Trung Quốc sẽ thành hiện thực.

MỚI - NÓNG