Chính khách và fan

Chính khách và fan
TPO - Mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, các chính trị gia vốn rất xa vời giờ đã trở thành đối tượng để các cư dân mạng bình thường theo dõi và giao lưu, các “quân đoàn” fan hâm mộ cũng vì thế mà nở rộ.

Chính khách và fan

Nhật liên tiếp bị TQ dọa, Mỹ có thể ra tay
> Nữ Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên cảnh báo Triều Tiên

TPO - Mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, các chính trị gia vốn rất xa vời giờ đã trở thành đối tượng để các cư dân mạng bình thường theo dõi và giao lưu, các “quân đoàn” fan hâm mộ cũng vì thế mà nở rộ.

Obama bắn súng
Obama bắn súng.
 

“Fan” của chính khách chính là những người ủng hộ lập trường chính trị của họ. Vị chính khách nào sở hữu nhiều fan nhất trên mạng xã hội? Xung quanh vấn đề này có những câu chuyện thú vị nào?

“Tôi đã quay trở lại Venezuela, cảm tạ Thượng đế! Cảm tạ các bạn! Quay trở lại mảnh đất này, tôi sẽ tiếp tục công việc điều trị!”

Ngày 18-2, sau hơn 3 tháng im hơi lặng tiếng, trang Twitter của tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã xuất hiện mẩu tin tuyên bố quá trình điều trị ở Cuba của ông đã kết thúc và về nước. Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, mẩu tin nhỏ (tweet) này đã được chia sẻ hơn 20.00 lần, hàng triệu fan hâm một của ông Hugo Chavez đã gửi cho nhau để chúc mừng sự khải hoàn của vị anh hùng của họ. Ngoài việc chúc mừng tổng thống về nước, chính phủ Venezuela còn cho biết tổng thống Hugo Chavez đã đạt được một kỷ lục mới – số lượng fan của ông trên Twitter lần đầu tiên vượt ngưỡng 4 triệu!

Trong số những tài khoản trên Twitter của các nhà lãnh đạo trên toàn cầu, số lượng fan hâm một của tổng thống Hugo Chavez đứng thứ hai, chỉ sau tổng thống Mỹ Obama. Số lượng fan của ông Obama trên Twitter lên tới trên 27 triệu – vượt xa các chính khách khác sử dụng mạng xã hội.

Tháng 4-2012, trong số 15 chính khách có lượng fan hâm mộ lớn nhất toàn cầu trên mạng Facebook do Cơ quan nghiên cứu mạng xã hội Socialdon công bố, tổng thống Mỹ Obama đứng đầu bảng với hơn 26 triệu fan hâm mộ (cho đến thời điểm này, số fan của ông Obama đã lên tới trên 35 triệu). Trong thời đại các phương tiện truyền thông mới phá vỡ ranh giới quốc gia, sự giao lưu giữa chính khách và fan đã không còn là trào lưu ngắn ngủi như cơn gió thoảng qua, mà đã trở thành xu thế mới ảnh ưởng đến nhiều chiến lược chính trị trong tương lai.

“Rất muốn biết tổng thống đã ăn gì trong bữa sáng?”

Chỉ vài tiếng sau khi ông Hugo Chavez “tái xuất” Twitter, tài khoản chính thức của tổng thống Obama đã update một tweet mới: “Chúc mừng ngày của Tổng thống!”, đồng thời post lên tấm ảnh ông Obama và phu nhân Michelle đứng trên đường vẫy tay chào dân chúng đúng vào ngày của Tổng thống 18-2. Mẩu tweet và bức ảnh này không phải do tổng thống Obama post, mà là giống như hầu hết các thông tin được update trong tài khoản này, do một nhóm nhân viên trong Nhà Trắng phụ trách, chỉ có một số rất ít tweet ký tên là “- bo” do ông Obama đích thân viết. Mặc dù vậy, vẫn có không ít fan gửi bình luận, chúc mừng tổng thống Obama nhân ngày của Tổng thống.

Cũng vào thời điểm đó, ở góc khác của thế giới, trang Twitter tổng thống Nga Putin cũng bận rộn không kém: “Gặp gỡ quốc vương Jordan”, “Tổ chức hội nghị qua điện thoại với thủ tướng Bulgaria”, “Họp với các thống đốc bang”, việc update lịch trình làm việc dày đặc trên Twitter đã phản ánh nên phong cách “làm việc không mệt mỏi” của ông Putin.

Trong khi đó, trang Twitter của thủ tướng Medvedev - người bạn đồng hành mật thiết của ông Putin lại sinh động hơn nhiều. Ông Medvedev rất thích tự mình “chăm lo” cho Twitter, thường xuyên post bài bày tỏ ý kiến của mình về những sự kiện nóng. Như ngày 18-2, chính phủ Nga công bố thông tin sẽ xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên và công viên quốc gia mới, ông Medvedev đã có bài bình luận rất sắc sảo về vấn đề này.

Đã từ lâu, ông Medvedev luôn coi mạng xã hội là công cụ giao lưu đắc lực, trước đó, ngày 14-2, sau khi tọa đàm với sinh viên trường đại học Siberian Federal, ông đã đích thân post thư cảm ơn trên Twitter và nói đây là “cuộc đối thoại rất thú vị”.

Có lẽ chính vì rất biết “chăm lo” mà so với con số 110.000 fan hâm mộ của ông Putin, trang Twitter với 18 triệu fan ủng hộ của thủ tướng Medvedev nhìn “sức sống” hơn. Chẳng trách có fan đã gửi tweet và phàn nàn với tổng thống Putin rằng: “Chúng tôi không muốn biết tổng thống đã tham gia những cuộc hội nghị nào, có thể nếu ngài nói đã ăn gì trong bữa sáng thì chúng tôi sẽ thấy thú vị hơn”.

Những “quân đoàn” không thể thiếu

Trong thời đại phương tiện truyền thông mới, khi chính khách thể hiện cá tính và tình cảm của họ qua mạng xã hội, fan trên mạng Internet của họ sẽ giống như người hâm mộ chạy theo các ngôi sao điện ảnh, lập trường rõ ràng và chứa đựng nhiều tình cảm.

Sau khi tổng thống Hugo Chavez đích thân tuyên bố tin ông đã về nước trên Twitter, hàng triệu fan của ông đã viết lên trang chủ Twitter của mình dòng chữ “#Hugo Chavez đã trở về” để bày tỏ tâm trạng vui sướng của mình. Một fan tự xưng là “một thanh niên Venezuela yêu nước” @RafaLopezR đã post tweet và nói rằng: “Trong thời khắc bình minh này, rất khó có thể kìm chế cảm xúc của tôi, nhà chỉ huy của chúng tôi đã về nước rồi! Tất cả mọi người đều vô cùng vui sướng!”

Hơn nửa năm qua, @RafaLopezR gần như đã post tất cả các thông tin liên quan đến tiến triển bệnh tình của ông Hugo Chavez, bạn bè của anh phần lớn cũng là những thanh niên có cùng lập trường chính trị. Trong thời gian tổng thống Hugo Chavez lâm bệnh nặng điều trị tại Cuba, Twitter và Facebook cũng đã trở thành diễn đàn quan trọng để người hâm mộ cầu nguyện cho ông và bàn luận về đường hướng phát triển của quốc gia.

Năm 2008, khi ông Obama xuất hiện trên võ đài tranh cử tổng thống Mỹ, số “quân đoàn” fan hâm mộ xuất thân bình dân đã phát triển như nấm mọc sau mưa trên mạng Internet. Như lịch sử phát triển của Tổ chức người Mỹ gốc Á ủng hộ Obama (AAFO) gần như đồng bộ với chặng đường tranh cử của ông Obama.

4 năm sau, năm 2012, khi ông Obama bước vào giai đoạn tranh cử nhiệm kỳ hai, các “quân đoàn” fan lại một lần nữa xuất kích, như @LatinosforObama – “quân đoàn” đại diện cho nhóm fan gốc Latinh đã không mệt mỏi kêu gọi dân chúng Mỹ ủng hộ hoạt động cải cách chính sách di dân của ông Obama; @Students4Obama - “quân đoàn” sinh viên thì kêu gọi thanh niên bỏ phiếu cho vị tổng thống này.

Trong 10 tweet đặc sắc nhất năm 2012 được Tạp chí Time của Mỹ bình chọn, tweet ngắn mà tổng thống Obama post sau khi tái đắc cử thành công “làm tiếp 4 năm” đã được bình chọn với số phiếu cao nhất, được fan chia sẻ 817.000 lần và lưu giữ 300.000 lượt, lập kỷ lục chia sẻ cao nhất kể từ khi Twitter ra đời, điều này cũng cho thấy độ ảnh hưởng của chính giới đối với xã hội toàn cầu.

Một điều đáng nói là, sự lớn mạnh và suy yếu của các “quân đoàn” fan gần như phát triển đồng bộ với chu kỳ tranh cử ở các nước, năm 2012, chỉ 1 tháng sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hạ màn, @LatinosforObama và @Students4Obama gần như đồng thời dừng hoạt động update. Tuy nhiên điều này không có nghĩa rằng số lượng fan sụt giảm, chỉ riêng trong tháng 1-2013, số fan trên Facebook của ông Obama đã tăng 350.000 người. Hiện tại AAFO đã dừng hoạt động từ lâu, sau khi cuộc tranh cử kết thúc, mọi thứ lại bình yên trở lại, chỉ khi quan tâm đến những vấn đề chính trị, các fan mới @ tài khoản của tổng thống trên Twitter.

Những bí quyết vàng

Từ người lần thứ hai trở thành nguyên thủ quốc gia như thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến cựu thủ tướng Italy Silvio Berlusconi – người đang dốc sức cho cuộc tái tranh cử sắp tới và vị thủ tướng đương nhiệm Mario Monti hiện đang canh giữ nội các Itayly, ngày càng có nhiều tài khoản trên trang mạng xã hội của các chính khách tham gia vào cuộc chiến “kiếm phiếu ủng hộ” trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Tuy nhiên, muốn có được số lượng fan ổn định trên mạng, các chính khách này cũng phải có những bí quyết riêng để “lấy lòng” fan: Cần khiêm tốn, gần gũi, tuyệt đối không đưa các chủ đề chính trị cứng nhắc, thuyết giáo để “răn dạy” người đời.

Cách đây không lâu, khi vấn đề quản lý súng ở Mỹ lại một lần nữa trở thành tâm điểm nóng của quốc gia này, Nhà Trắng đã post tấm ảnh tổng thống Obama đang bắn súng nhằm xoa dịu lời chỉ trích “có thể ông Obama chưa bao giờ bắn súng” đến từ phe ủng hộ sử dụng súng ở Mỹ. Tuy nhiên, tấm ảnh này lại khuấy động phong trào dùng phần mềm photoshop để ghép ảnh ông Obama trong cộng đồng cư dân mạng Mỹ. Thậm chí ông David Plouffe - cố vấn của tổng thống Obama còn vào Twitter “cổ xúy” cho phong trào này, khuyến khích các fan sáng tạo ra những tấm ảnh “độc”. Và thế là, tổng thống Obama lúc thì là một nữ hoàng “hét ra lửa” móng tay sơn nhũ trong chiếc váy hồng duyên dáng, lúc lại ngồi trong chiếc xe hơi đang lao với tốc độ nhanh và bắn thú rừng. Những hình ảnh sinh động này khiến cộng đồng cư dân mạng ở Mỹ cảm thấy rất thú vị, và dĩ nhiên họ cũng rất “đồng cảm” với chủ nhân của bức ảnh.

Trong không gian mạng mở hiện nay, những chính khách bị fan “chơi xấu” đều là những nhân vật hoạt động rộng nhất trên nghị trường thế giới. Tháng 11-2011, ông Medvedev trên cương vị là tổng thống Nga khi đó đã mở tài khoản trên trang mạng xã hội lớn nhất của Nga “Vkontakte”, vốn là để thu hút các thanh niên thích theo đuổi thời thượng, nhưng sau đó không lâu, gần 2.000 fan “ác ý” xuất hiện trên tài khoản của Medvedev, họ tặng cho ông rất nhiều quà bằng hình ảnh, đồng thời kèm thêm những “lời chúc” không nghiêm túc.

Tuy nhiên, Medvedev vẫn rất độ lượng và bày tỏ rằng không hề ngạc nhiên khi chứng kiến những sự việc này trên mạng xã hội. Rõ ràng, ngoài sự đùa cợt, ông vẫn giành được rất nhiều sự ủng hộ. Trong buổi gặp mặt fan tổ chức tại điện Kremli, rất nhiều fan hâm mộ nữ của Medvedev trên Twitter đã xếp hàng để được hôn “ngôi sao chính trị” mà mình ủng hộ, từ thế giới mạng ảo, họ đã mang đến những nụ hôn thực thụ cho chính khách.

Huy Long

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG