Chính phủ Anh phản đối chỉ trích về viện trợ

Chính phủ Anh phản đối chỉ trích về viện trợ
Các Bộ trưởng Anh phản đối những chỉ trích đối với khoản viện trợ 50 tỷ đô la cho các nước nghèo được thông qua tại hội nghị G8.

Thủ tướng Tony Blair nhấn mạnh hội nghị đã đạt được "tiến bộ rất đáng kể" trong việc giúp các nước đang phát triển.

Bộ trưởng Phụ trách phát triển quốc tế Hilary Benn nói: "Đây là sự thể hiện của các chính trị gia rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt".

Nhà vận động vì các nước nghèo châu Phi, Sir Bob Geldof, cũng tỏ ra hài lòng rằng những gì đã được cam kết cho châu Phi có thể cứu sống được 10 triệu người.

Ông Blair công nhận: "Chúng tôi không thể chỉ bằng tuyên bố này mà có thể biến đói nghèo thành chuyện của quá khứ". Nhưng ông nói rằng G8 đã thể hiện quyết tâm chấm dứt đói nghèo trên toàn cầu và để đối phó với hiệu ứng nhà kính do khí thải gây ra.

Về vấn đề thay đổi khí hậu, ông Blair nói trước đó nhiều người đánh giá rằng có thể hội nghị sẽ không đạt được thỏa thuận về vấn đề này, nhưng Mỹ giờ đã chấp nhận rằng hiện tượng ấm nóng toàn cầu là một vấn đề.

Bộ trưởng Môi trường Margaret Beckett nói những lời chỉ trích rằng G8 không làm thêm được điều gì mới cho vấn đề thay đổi khí hậu là "hoàn toàn vớ vẩn."

Một số tổ chức và các nhà hoạt động vì môi trường đã nói rằng kết quả của hội nghị lần này là "rất đáng thất vọng."

Ông Kumi Naidoo - Chủ tịch tổ chức chống đói nghèo toàn cầu mang tên Global Call to Action against Poverty - nhận xét: "Người dân đã gào lên mong giúp đỡ, nhưng G8 lại chỉ thì thầm".

Tuy nhiên, người tổ chức Live 8 Bob Geldof đã nói tới ngày cuối cùng của hội nghị G8 là "một ngày tuyệt vời".

"Trước đây chưa bao giờ có nhiều người tham gia gây áp lực thay đổi chính sách như vậy. Nếu cách đây 8 tuần có một ai dám hỏi rằng liệu số viện trợ cho các nước nghèo có được tăng gấp đôi hay không thì câu trả lời hẳn đã là "Không".

Ông nói thêm rằng ông cho hội nghị G8 "điểm 10 trên thang điểm 10 về vấn đề giải quyết nợ nần."

MỚI - NÓNG