Chính phủ Pháp quan tâm theo dõi vụ kiện chất độc da cam

Chính phủ Pháp quan tâm theo dõi vụ kiện chất độc da cam
Quốc vụ khanh Tư pháp Cộng hòa Pháp Nicole Guedj  đang ở thăm Việt Nam đã nói như vậy tại cuộc họp báo tổ chức tại Hà Nội ngày 3/3.

Quốc vụ khanh Pháp Nicole Guedj:

Chính phủ Pháp quan tâm theo dõi vụ kiện chất độc da cam

Bà Nicole Guedj sang Hà Nội để dự phiên họp lần thứ 12 của ủy ban định hướng của Nhà pháp luật Việt – Pháp.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, về vụ kiện chất độc da cam/dioxin, bà Nicole Guedj nói: Quả thực với tư cách một Quốc vụ khanh tôi thấy khó trả lời vì vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam với các Cty hóa chất Mỹ đang diễn ra chưa có kết luận cụ thể. Đây là vấn đề hết sức phức tạp.

Tuy nhiên, Chính phủ Pháp ý thức được những nỗi đau khổ của nhân dân Việt Nam đã trải qua trong hàng chục năm chiến tranh;  ý thức được tác động lâu dài của những hóa chất mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam. Hiện tại, Hội hữu nghị Việt – Pháp đã đề ra một số sáng kiến liên quan đến vấn đề này mà Chính phủ Pháp hết sức quan tâm theo dõi.

Tháng 3 này sẽ có một cuộc hội thảo quốc tế về hậu quả của chất độc da cam ở Việt Nam tại Paris. Tôi nghĩ đây là hoạt động rất cần thiết và hữu ích mà Chính phủ Pháp hết sức lưu ý theo dõi vấn đề này. Đây là dịp tốt để chúng ta có được kiến thức sâu hơn về hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam.

Về chương trình cải cách pháp luật ở Việt Nam, bà Nicole Guedj  đánh giá đó là một chương trình đầy tham vọng khiến “chúng tôi khó có thể nói cần phải bổ sung thêm gì nữa”. Bà nói: Tôi có nhận xét rằng Việt Nam đã ý thức được việc cải cách các hệ thống pháp luật và tư pháp dựa trên những điều kiện cụ thể của mình, những thói quen của Việt Nam để đạt được thành công là điều rất hay. Tôi không thể góp ý gì thêm cho những chương trình đã được định dạng ở Việt Nam. Quả thực đây là chương trình cải cách đầy ấn tượng.

Trong sự hợp tác về pháp luật giữa Pháp và Việt Nam, chúng tôi đã có rất nhiều những trao đổi với nhau không chỉ trong khuôn khổ Nhà pháp luật Việt- Pháp mà còn trong các khuôn khổ khác. Ví dụ như vào dịp Việt Nam sửa đổi luật dân sự của mình Pháp đã tham gia rất nhiều trên tất cả các phương diện, kể cả các phương diện thực tế cũng như về lý thuyết đơn thuần.

Về vấn đề giảm, miễn thuế cho Nhà pháp luật Việt – Pháp, thực chất là chúng tôi mong muốn Nhà pháp luật Việt – Pháp có được nguồn lực kinh tế tốt nhất để có thể hoạt động. Chúng tôi mong muốn trong khuôn khổ định hướng của Nhà pháp luật Việt – Pháp chúng tôi đã đề nghị phía Việt Nam tổng kết lại để chúng tôi nắm bắt được một cách cụ thể. Sau đó, đương nhiên là phía Việt Nam sẽ có quyết định xem có thể sửa đổi được hay không vì lợi ích của Nhà pháp luật Việt – Pháp.

Về vấn đề con nuôi, bà Nicole Guedj cho biết: Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Uông Chu Lưu trong chuyến thăm này chúng tôi nhất trí rằng hai bên Việt Nam – Pháp quyết tâm công khai minh bạch tất cả các thủ tục. Điều quan trọng nhất là phải bảo đảm quyền của những đứa trẻ là con nuôi thông qua các thủ tục, qui định của hai bên.

Phía Pháp đề xuất với Việt Nam rằng trong khi chờ đợi một cơ quan chuyên trách về vấn đề con nuôi được lập ra dự kiến năm 2006, hai bên một mặt tuân thủ các qui định đã có, mặt khác cũng nên có sự xem xét linh hoạt nhất định để cho các thủ tục được thuận lợi hơn. Bộ Trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu có nói rằng phía Việt Nam hoàn toàn nhất trí với đề nghị của phía Pháp về việc công bố công khai và minh bạch các thủ tục con nuôi quốc tế.

Phía Bộ Tư pháp Việt Nam có ý định đăng tải các thủ tục đó trên địa chỉ internet của Bộ về tất cả các thủ tục trong lĩnh vực này để tránh những sự hiểu lầm đáng tiếc.

Bà Nicole Guedj bày tỏ Pháp rất mong muốn được tăng cường và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực pháp luật với Việt Nam.

MỚI - NÓNG