Cho đảng mượn tiền

Cho đảng mượn tiền
Lãnh đạo hai đảng lớn nhất nước Anh, đảng Lao động đương quyền và đảng Bảo thủ đối lập, sẽ có cuộc thảo luận về cơ chế các đảng chính trị nhận tiền hiến tặng hoặc cho vay.
Cho đảng mượn tiền ảnh 1
Mấy tháng qua, uy tín của ông Tony Blair bị giảm sút mạnh

Cả ông Tony Blair - Lãnh tụ đảng Lao động và David Cameron - Lãnh tụ đảng Bảo thủ đều phải đối mặt với sức ép dư luận về các vụ 2 đảng này nhận hàng triệu bảng Anh từ những triệu phú.

Thủ tướng Anh Tony Blair và đảng Lao động bị cáo buộc đã nhận tiền cho mượn tổng cộng 4,5 triệu bảng Anh và đổi lại là những người cho vay được phong tước quý tộc Lord.

Hiện có tin Ủy ban Bầu cử Anh sẽ điều tra xem việc các đảng chi tiền vào bầu cử có xác đáng hay không.

Hàng triệu đồng bí mật

Tổng số tiền mượn của Lao động từ các nhà triệu phú trước kỳ bầu cử vừa qua là 14 triệu bảng. Đảng Bảo thủ thì mượn 16 triệu từ 13 người giàu có.

Theo luật các khoản "tiền cho mượn chính trị" nếu chỉ là cho mượn thì không có gì sai trái cả, nhưng dư luận Anh không thích sự bí ẩn của việc cho mượn.

Người ta đặt câu hỏi tại sao nếu các đảng cần tiền thì tại sao không đi vay ngân hàng, trả lãi bình thường để có tiền vận động tranh cử.

Bởi có nghi vấn rằng những người giàu có cho vay tiền phải nhận “lại quả” cái gì đó, hoặc là tước quý tộc Lord do Thủ tướng đề cử lên Nữ hoàng phong tặng, hoặc có chuyện làm ăn.

Theo chính luật do ông Blair đặt ra thì ai hiến tặng trên 5000 bảng cho một đảng chính trị thì phải công bố tên tuổi, để tránh hiểu lầm.

Cho đảng mượn tiền ảnh 2
Trong Thượng viện Anh chỉ còn 92 nhà quý tộc cha truyền con nối, số còn lại nhận tước hiệu do phong tặng

Luật pháp và tiền bạc

 

Theo luật từ năm 1952 thì việc trao tặng tước quý tộc để đổi lấy quà cáp, tiền bạc là trái luật. Vì tước quý tộc, loại được phong tặng, không phải loại cha truyền con nối, ở Anh hiện nay, chỉ được Hoàng gia tặng cho những đóng góp văn hóa, xã hội, kinh tế...

Bài học cho nước Anh và có lẽ không chỉ nước Anh là việc chi tiền cho các đảng chính trị phải được luật định rõ ràng.

Chẳng hạn thế nào là hiến tặng, thế nào là cho vay, cho vay không lãi thì có phải là ưu tiên không, vì người thường đi vay tiền ngân hàng thì phải trả lãi.

Ngoài ra, người ta bàn tới chuyện phải chăng nên làm như một số nước châu Âu, là nếu đảng nào vào được nghị viện thì sẽ được ngân sách nhà nước bù lại một phần chi phí tranh cử.

Thế nhưng câu hỏi là tiền ngân sách là tiền dân đóng thuế, vậy người dân có chịu nuôi các đảng chính trị hay không?

Người ta cũng tin rằng phải có một cách nào đó để cho các đảng chính trị có được quỹ hoạt động, ngoài tiền đảng phí do chính các đảng viên đóng góp.

Điều quan trọng nhất là làm sao có cơ chế trong sáng, rõ ràng. Vì quyền lực thì luôn đi cạnh quyền lợi, mà người dân Anh không muốn thấy sự liên kết không rõ ràng giữa những người giàu có với giới cầm quyền.

Với những người có tiền đây cũng là một bài học. Có những người không ngờ họ bị rơi vào cảnh "giữa hai làn đạn" như hiện nay, dù chẳng làm gì trái luật cả.

Họ không ngờ truyền thông Anh lại "săn lùng" các đảng cầm quyền dữ dội đến như vậy.

Chủ Cty Capita, ông Rod Aldridge, đã từ nhiệm để tránh điều tiếng vì có cáo buộc Cty của ông cho đảng cầm quyền vay tiền, và nhờ thế mà nhận được hợp đồng với chính phủ.

Vụ việc làm tổn hại thêm cho uy tín của Thủ tướng Anh. Theo điều tra dư luận của báo News of the World dịp cuối tháng Ba, đầu tháng Tư, 42% người Anh muốn ông từ nhiệm ngay, 15% khác muốn ông từ chức trong vòng một năm. Chỉ 21% muốn ông Blair cầm quyền đến kỳ bầu cử tới.

Theo BBC

MỚI - NÓNG