Chờ đợi gì từ hai ứng viên Mỹ?

Chờ đợi gì từ hai ứng viên Mỹ?
TP - Có thể hình dung một số nét lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo dựa trên những thông điệp mà hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump đưa ra, TS Jim Butterfield, giáo sư chuyên ngành Khoa học chính trị, ĐH Western Michigan (Mỹ) nhận định ngày 7/11 khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

Dựa trên những diễn biến bầu cử mới nhất, ông Trump hay bà Clinton có cơ hội chiến thắng nhiều hơn, theo ông?

Kết quả các cuộc thăm dò mới nhất vẫn cho thấy bà Clinton sẽ thắng, cho dù khoảng cách giữa bà với đối thủ Trump đã bị thu hẹp trong tuần qua. Kết quả thăm dò ở các bang có khả năng thay đổi về phiếu bầu vào phút cuối cũng cho thấy bà Clinton đang được ủng hộ nhiều hơn. Trên thực tế, Donald Trump đang vận động quyết liệt ở các bang này, nơi ông đang bị dẫn trước, cho thấy đội vận động của ông biết rằng, ông cần giành được chiến thắng ở nhiều bang trong số đó để có thể thắng cử. Tính đến hôm qua, số liệu ước tính cho thấy bà Clinton có khoảng 65-95% cơ hội chiến thắng.

Theo ông, nếu trúng cử, hai ứng viên sẽ tạo ra những thay đổi lớn nào, đặc biệt trong chính sách đối ngoại? 

Tôi chờ đợi chính sách đối ngoại của bà Clinton sẽ ít nhiều tiếp nối chính sách của Tổng thống Barack Obama. Ông Trump khó đoán hơn, nhưng ông ấy có xu hướng biệt lập và giảm mức độ các cam kết của Mỹ. Ông ấy từng nói sẽ đối đầu hơn với Trung Quốc, sẽ đòi Hàn Quốc, Nhật Bản và các đồng minh NATO gánh vác nhiều hơn trong vấn đề an ninh tập thể, và sẽ tăng quy mô của quân đội Mỹ.

Có chuyên gia cho rằng, nếu thắng cử, tỷ phú Trump có khả năng sẽ bỏ mặc châu Á vì ông ấy không quan tâm và không hiểu nhiều về châu Á, còn bà Clinton có thể sẽ yêu cầu các nước châu Á cam kết nhiều hơn với Mỹ nếu muốn Mỹ duy trì vai trò ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông nghĩ sao về ý kiến này? 

Chờ đợi gì từ hai ứng viên Mỹ? ảnh 1

TS Jim Butterfield: “Kết quả các cuộc thăm dò mới nhất vẫn cho thấy bà Clinton sẽ thắng”. Ảnh: Trúc Quỳnh

Phải nói lại là ông Trump là người khó đoán. Nếu ông ấy trở thành tổng thống, điều quan trọng là ông ấy sẽ chọn ai làm cố vấn và mức độ học hỏi của ông ấy về chính sách đối ngoại nhanh đến đâu, vì cho đến nay, ông ấy biết rất ít về lĩnh vực này. Tuy nhiên, sẽ khó để bỏ mặc châu Á, cả phố Wall và các tập đoàn Mỹ sẽ giúp ông ấy hiểu châu Á có vai trò như thế nào. 


Tuy nhiên,  Donald Trump hướng về chủ nghĩa đơn phương, vậy nên có khả năng ông ấy sẽ không coi trọng hợp tác quốc tế như ông Obama hay bà Clinton, và khó có khả năng ông ấy sẽ ủng hộ các cam kết theo hiệp ước như hiện nay, và việc tham gia những cam kết mới sẽ ít khả năng xảy ra hơn. 

Còn đối với Hillary Clinton, bà ấy có thể yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc tăng dần hỗ trợ tài chính cho các thỏa thuận an ninh tập thể, cho dù điều đó không chắc chắn xảy ra. Đó không phải điều mà bà ấy đề cập trong các bài diễn văn tranh cử. Trong bất kỳ khả năng nào, tôi cũng không dự đoán một sự thay đổi đáng kể trong chính sách với châu Á nếu bà Clinton trở thành tổng thống. Sau tất cả, bà ấy vẫn là một trong các tác giả của chính sách xoay trục sang châu Á.

Nếu ứng viên Trump thắng cử, ông đánh giá quan hệ Mỹ - Nga và Mỹ - Trung sẽ thay đổi theo hướng nào? 

Donald Trump đã thể hiện sự ngưỡng mộ với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng ông ấy cũng có tiếng là hay đáp trả nặng lời nếu bị chỉ trích. Ông Putin không tin Mỹ và sẽ không ngại chỉ trích Donald Trump nếu xung đột lợi ích nảy sinh giữa hai nước - điều chắc chắn không tránh khỏi. Tôi không trông đợi Donald Trump sẽ yêu mến ông Putin mãi, và cũng không trông đợi quan hệ hai nước được cải thiện trong ngắn hạn dù bất kỳ ứng viên nào trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Donald Trump đã nặng lời chỉ trích chính sách thương mại và tiền tệ của Trung Quốc, thậm chí dọa sẽ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Tôi cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung sẽ phức tạp hơn với chính sách quyết liệt hơn, có lẽ đối đầu hơn, dưới thời của Donald Trump.

 Cảm ơn ông.


MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.