Choáng việc 'hợp pháp hóa' mua bán sừng tê giác

Choáng việc 'hợp pháp hóa' mua bán sừng tê giác
TP - Nam Phi đang đề xuất cho phép hợp pháp hóa mua bán sừng tê giác để chống lại tình trạng săn trộm tê giác nhức nhối hiện nay, ông Đỗ Quang Tùng, Phó giám đốc Phụ trách CITES Việt Nam, nói với PV Tiền Phong ngày 9-10.

> Tê giác tặng ông Trầm Bê giá bao nhiêu?

Một bác sĩ thú ý cưa sừng con tê giác 2 sừng ở Nam Phi để ngăn nạn săn trộm. Sau khoảng 2 năm, sừng nó sẽ mọc lại. Nguồn: Troubled Biologist
Một bác sĩ thú ý cưa sừng con tê giác 2 sừng ở Nam Phi để ngăn nạn săn trộm. Sau khoảng 2 năm, sừng nó sẽ mọc lại. Nguồn: Troubled Biologist.

“Đề xuất này sẽ trở thành hiện thực nếu được 2/3 nước thành viên của CITES (Cơ quan Quản lý thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) thông qua tại hội nghị của tổ chức này vào tháng 3-2013”, ông Tùng nói.

Nếu đề xuất này được thông qua, giá sừng tê giác trên thị trường châu Á có thể giảm mạnh.

Hợp pháp hóa để dễ kiểm soát hơn

Theo các chuyên gia, những kẻ săn bắn trộm thường hạ gục tê giác để cưa lấy sừng. Tuy nhiên, nếu biết lấy sừng đúng cách thì con vật vẫn sống và có thể mọc sừng trở lại sau khoảng 2 năm.

Việc cưa sừng tê giác thường xuyên sẽ làm cho nguồn cung tăng mạnh mà vẫn bảo vệ được số lượng tê giác.

Hiện nay, mỗi kilogram sừng tê giác có giá lên tới 60.000 USD, tương đương 1,25 tỷ đồng. Với mức giá này, sừng tê giác đắt hơn cả vàng.

Một số chủ sở hữu tê giác tư nhân và chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã cho rằng, việc cho phép mua bán sừng tê giác hợp pháp có kiểm soát vừa cung cấp đủ cho nhu cầu ở các nước châu Á, vừa đem lại nguồn tiền phục vụ việc bảo tồn động vật.

“Lệnh cấm hiện nay không có tác dụng, vì hầu như ngày nào cũng xảy ra tình trạng săn bắn tê giác bất hợp pháp, bà Lucy Boddham Whetham, cựu phó giám đốc tổ chức phi chính phủ Save the Rhino (Cứu tê giác) có trụ sở ở Anh, nói.

“Giống như thị trường kim cương trước kia, khi cho phép mua bán có kiểm soát thì sẽ tránh được tình trạng kim cương máu. Sừng tê giác được bán nhiều thì những kẻ săn bắn, buôn lậu sẽ chán vì kiếm được ít hơn”, bà Whetham nói.

Trong thực tế, nhu cầu mua sừng tê giác cao hơn nhiều so với nguồn cung, nên rất nhiều sừng tê giác giả đang được bán ở các nước châu Á.

Theo kết quả phân tích của ĐH Pretoria (Nam Phi) thực hiện trên 20 mẫu sừng tê giác mua ở thị trường Việt Nam và Lào, chỉ có 3 mẫu thật, còn lại là sừng trâu, cừu và linh dương được làm giả.

Người Việt không được săn tê giác

Nam Phi mỗi năm cho phép săn bắn 5 con tê giác đen và một số tê giác trắng, nhưng chỉ cho phép dùng vào mục đích trưng bày.

Từ tháng 4 năm nay, Nam Phi không cấp phép cho người quốc tịch Việt Nam săn bắn tê giác vì cho rằng người Việt Nam không tuân thủ quy định của Nam Phi.

Ông Đỗ Quang Tùng nói rằng, mỗi năm khoảng 20-30 con tê giác trắng được các cá nhân nhập khẩu hợp pháp về Việt Nam. Những con vật này chỉ được sử dụng vào mục đích trưng bày.

Theo TRAFFIC (Mạng lưới phi chính phủ toàn cầu chuyên kiểm soát số lượng động vật hoang dã bị buôn bán), dù chính phủ Nam Phi đã bắt giữ nhiều đối tượng liên quan cái chết của tê giác, song không thể ngăn chặn tình trạng ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng hơn do sự góp mặt của các tổ chức tội phạm.

Ngay cả những cuộc săn bắn thể thao hợp pháp cũng đang nhắm tới việc khai thác thu mua sừng tê giác.

Từ năm 2010 đến đầu năm nay, gần 60% đơn xin cấp phép săn bắn tê giác là từ Việt Nam, theo Bộ Môi trường và Các vấn đề nước của Nam Phi.

Tuy không được phép, những kẻ chuyên buôn bán tê giác vẫn đang tìm mọi cách để có thể lách luật và thu mua sừng tê giác từ nhiều nguồn cung khác.

Điển hình là trong những năm gần đây, gần 70 chiếc sừng tê giác được trưng bày trong các sự kiện tại Nam Phi, Mỹ, châu Âu bị đánh cắp.

Gần đây, chính quyền Nam Phi đề nghị Việt Nam và Trung Quốc phối hợp kiểm soát hoạt động buôn bán tê giác bất hợp pháp và xây dựng ngân hàng dữ liệu ADN tê giác để giúp họ truy ra những con vật bị giết chết để lấy sừng.

Nam Phi hiện chiếm tới 90% số lượng tê giác của toàn thế giới, với khoảng 20.000 con tê giác, phần lớn là tê giác trắng.

Từ đầu năm đến nay có 159 con tê giác bị bắn chết, nên số lượng tê giác bị săn bất hợp pháp trong năm nay có thể lên tới 619 con, cao hơn mức kỷ lục của năm ngoái là 448 con (năm 2007 chỉ có 13 con), theo Bộ Môi trường và Các vấn đề nước.

Các chuyên gia cho rằng, với tốc độ săn bắn hiện nay, tê giác châu Phi có thể bị tuyệt chủng vào năm 2025.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG