Chống khủng bố: cần những giải pháp triệt để

Chống khủng bố: cần những giải pháp triệt để
Một ngày sau 4 vụ đánh bom khủng bố liên tiếp xảy ra trên 3 đoàn tàu điện ngầm và một xe buýt hai tầng ở trung tâm London, không chỉ nước Anh mà cả thế giới còn chưa hết bàng hoàng.
Chống khủng bố: cần những giải pháp triệt để ảnh 1
An ninh được tăng cường tại các ga tàu điện ngầm

Chỉ trong vòng 45 phút giữa giờ cao điểm buổi sáng ngày 7/7, hơn 50 hành khách bị thiệt mạng, 700 người khác bị thương. London – trung tâm tài chính lớn của thế giới, có ít nhất một ngày mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn.

Các hệ thống tàu điện ngầm và xe buýt thành phố ngừng hoạt động khiến những người đi làm hàng ngày bằng phương tiện giao thông công cộng phải cuốc bộ cả chục cây số từ công sở về nhà. Chắc chắn suốt đời người London sẽ không bao giờ quên sự kiện tồi tệ này.

Đây là lần thứ hai trong lịch sử Thủ đô London của nước Anh bị đánh bom. Lần trước xảy ra trong Thế chiến II khi phát xít Đức huy động hàng trăm lượt máy bay dội bom xuống London làm rung chuyển sở chỉ huy chiến tranh của Thủ tướng Anh Winston Churchill nằm sâu dưới lòng đất.

Dẫu sao ngày đó Anh tham gia phe đồng minh chống lại chủ nghĩa phát xít nên cuộc chiến có trận tuyến rõ ràng. Ngày nay trong cuộc chiến tranh chống khủng bố, nước Anh phải chiến đấu với kẻ thù giấu mặt.

Sau sự kiện 11/9 ở Mỹ hơn 3000 người thiệt mạng và vụ khủng bố hàng loạt trên tàu hỏa ở Madrid làm 191 người chết, người Anh linh cảm thấy ngày càng rõ ràng về nguy cơ London bị khủng bố tấn công. Điều này cho thấy người London  nói chung do có sự chuẩn bị về tinh thần từ trước nên đã không quá hốt hoảng khi sự việc xảy ra.

Nhìn lại những gì diễn ra sau khi London bị tấn công ngày 7/7, năng lực giải quyết hậu quả khủng bố của các ngành liên quan ở London đã có nhiều tiến bộ so với trước đây. Lực lượng cứu hỏa, cứu thương, cảnh sát được triển khai nhanh chóng và bài bản là điều cũng đáng khâm phục nhưng sẽ là tốt hơn nếu không phải huy động đến họ.

Dường như đã trở thành thông lệ, mỗi khi có vụ khủng bố đẫm máu xảy ra ở bất cứ đâu, các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đều phản ứng bằng những lời lẽ cứng rắn, tỏ rõ quyết tâm không khoan nhượng với bọn khủng bố.

Lần này cũng vậy, Thủ tướng Anh Tony Blair đang chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G – 8 ở Scotland vội vã bay về London để chỉ đạo việc giải quyết hậu quả. Ông khẳng định “không cho phép bọn khủng bố thay đổi xã hội hoặc giá trị của chúng ta”. Thủ tướng Anh thề truy kích đến cùng bọn khủng bố để đưa ra công lý.

Các nhà lãnh đạo khác trên thế giới, đặc biệt là các nhà lãnh đạo G – 8, khẳng định sự đoàn kết cùng nhau đương đầu và đánh bại chủ nghĩa khủng bố, coi sự đánh bom khủng bố nước Anh là tấn công vào tất cả các quốc gia và dân tộc văn minh trên thế giới. 

Quyết tâm và sự bày tỏ là cần nhưng đó vẫn chỉ là những lời nói. Nước Anh có lực lượng an ninh, tình báo chống khủng bố vào loại hàng đầu thế giới nhưng đã không phát hiện sớm được thông tin nào liên quan đến vụ khủng bố lần này. London lắp 18.000 camera tại các ga tàu hỏa mặt đất ở và 6.000 camera khác dưới hệ thống tàu điện ngầm mà vẫn không phát hiện và ngăn chặn được hành động của bọn khủng bố.

Tổng thống Mỹ George Bush đang dự Hội nghị G – 8 sau khi được Thủ tướng Tony Blair thông báo về vụ đánh bom khủng bố ở London liền vội vã trở về nơi ở đặc biệt của mình trong Khách sạn Gleneagles.

Tại đây ông vào một phòng làm việc cơ động của Tổng thống Mỹ do các kỹ sư quân sự Hoa Kỳ thiết kế đặc biệt để họp khẩn cấp với các quan chức Nhà Trắng qua videophone. Theo chỉ đạo của Tổng thống, các thành phố lớn ở Mỹ được tăng cường hơn về an ninh.

Các lực lượng chống khủng bố ở Mỹ được triển khai rầm rộ và nhanh chóng nhằm đề cao cảnh giác. Nhưng trên thực tế đó chỉ là sự tập dượt của lực lượng an ninh nội địa Mỹ cùng sự thử nghiệm hệ thống chỉ huy cơ động hiện đại nhất thế giới của Tổng thống Hoa Kỳ mà thôi.

Trong khi bày tỏ tình đoàn kết chống khủng bố, các nhà lãnh đạo G–8 vẫn còn chia rẽ về khái niệm thế nào là lực lượng khủng bố. LB Nga coi lực lượng ly khai Chechnya là khủng bố thì Anh lại dung túng một số nhà lãnh đạo của lực lượng này.

Matxcơva truy nã tên trùm khủng bố Zakayev người Chechen thì London cho tên này tị nạn chính trị. Một khi cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới không có một kẻ thù chung thì hiệu quả còn hạn chế là điều tất nhiên.

Dường như trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay các cường quốc mới chỉ có những giải pháp đối phó bị động. Khi vụ khủng bố xảy ra người ta cấp cứu người bị nạn, truy tìm kẻ thủ ác là mới giải quyết phần ngọn chứ chưa có giải pháp bài trừ tận gốc chủ nghĩa khủng bố.

Trong các vụ đánh bom liều chết  kẻ thực hiện hành vi khủng bố đều thiệt mạng. Sự mù quáng của chúng thường bắt nguồn từ chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo cực đoan. Đây chính là sự xung đột giữa các nền văn minh. Do vậy, một giải pháp  chiến lược chống khủng bố mang tính thực tế và triệt để là tìm cách phải thu hẹp được khoảng cách giữa một thế giới văn minh và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan mù quáng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.