Trung Quốc:

Chủ mỏ sập nhảy giếng tự tử

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm thợ mỏ mắc kẹt trong vụ sập mỏ thạch cao ở Sơn Đông. Ảnh: Xinhua.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm thợ mỏ mắc kẹt trong vụ sập mỏ thạch cao ở Sơn Đông. Ảnh: Xinhua.
TP - Hôm qua, chủ một khu mỏ thạch cao miền đông Trung Quốc nhảy xuống giếng tự tử. Hai ngày trước đó, khu mỏ bị sập, khiến 1 người thiệt mạng, 17 người bị mắc kẹt.

Chính quyền địa phương cho biết, 29 người đang làm việc dưới lòng đất thì hang bị sập lúc gần 8h tối 25/12. Vụ việc xảy ra ở quận Linyi, thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông. Bốn người thoát được ra ngoài và 7 người đã được giải cứu. Khu mỏ thuộc sở hữu của Cty Yurong. Chủ tịch Cty, ông Ma Congbo, đang cùng làm việc với nhóm cứu hộ tại hiện trường thì nhảy xuống giếng tự vẫn lúc 2h chiều qua.

Chưa rõ nguyên nhân gì khiến ông Ma tự sát, nhưng ở Trung Quốc, các lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức quản lý an toàn lao động cấp địa phương thường phải chịu hình phạt nặng, bao gồm cả án tù, nếu để xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu quản lý giám sát vẫn phổ biến, nên các sự cố mất an toàn lao động nghiêm trọng xảy ra thường xuyên.

Lực lượng cứu hộ đã khoan lỗ ở khu vực các công nhân bị mắc kẹt và đang cố gắng đưa đồ dùng và liên lạc với họ. Chủ tịch quận Linyi, ông Zhang Shuping, nói rằng, hơn 700 nhân viên cứu hộ đang nỗ lực giải cứu số công nhân bị kẹt.

Nguyên nhân sập hầm vẫn đang được điều tra. Anh Mao Yanqing, công nhân làm việc tại mỏ, kể rằng, anh cảm thấy một làn sóng “giống như cơn bão” khi vụ tai nạn xảy ra. Anh bị gãy cả hai chân. “Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình trong bệnh viện”, hãng thông tấn Xinhua dẫn lời anh Mao. Thợ mỏ Zhai Guangmong nói rằng, hầm mỏ này rất rộng, nhưng sau khi bị sập, “tôi không nhìn thấy gì”. Máy móc hạng nặng đang dọn dẹp hiện trường, nhưng các đường hầm không ổn định và đá vẫn rơi làm cản trở công việc.

Tai nạn nối tiếp tai nạn

Vụ sập hầm xảy ra chỉ vài ngày sau vụ lở đất tại điểm đổ phế thải xây dựng ở một khu công nghiệp thuộc thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, khiến 7 người thiệt mạng, 75 người mất tích và được coi là đã chết. Chính quyền đã kết luận, vụ lở đất này không phải thảm họa địa chất mà là tai nạn an toàn lao động, làm dài thêm danh sách hàng loạt tai nạn do con người gây ra ở Trung Quốc những năm gần đây. Lãnh đạo Thâm Quyến, trong đó có cả bí thư và chủ tịch thành phố, vừa có một hành động hiếm hoi là cúi đầu nhận xin lỗi tại một cuộc họp báo, AP đưa tin. Trước đó, lãnh đạo thành phố và đội cứu hộ đã đến đặt hoa tưởng niệm tại địa điểm xảy ra vụ tai nạn. Nhưng thân nhân những người mất tích và được coi là đã chết không dự lễ tưởng niệm vì vẫn hy vọng người nhà họ còn sống, và cho rằng vẫn quá sớm để làm điều này.

Sau 7 ngày xảy ra vụ sập đống rác thải chôn vùi 33 tòa nhà, hơn 700 máy xúc vẫn đang đào bới để tìm kiếm, nhưng mỗi ngày qua đi là một ngày bớt đi hy vọng cứu được người còn sống dưới đống đổ nát. Mùi thi thể phân hủy đã có thể ngửi thấy ở hiện trường, nhưng không dễ xác định vị trí các nạn nhân, báo China Youth Daily đưa tin.

Giới chức địa phương cho biết, họ đang giám sát các tòa nhà tại hiện trường vì có thể chứa hóa chất nguy hiểm. Khoảng 220kg nitơ lỏng vừa được tìm thấy tại khu vực này.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc hôm 24/12 cho biết sẽ điều tra vụ tai nạn này. Các công tố viên của Viện và tỉnh Quảng Đông sẽ thành lập một nhóm đặc biệt để điều tra, Xinhua đưa tin.

MỚI - NÓNG