Chú ý dồn về 'lưỡng hội' Trung Quốc

Lực lượng an ninh trên quảng trường Thiên An Môn ngày 21/5ảnh: Reuters
Lực lượng an ninh trên quảng trường Thiên An Môn ngày 21/5ảnh: Reuters
TP - Hai cuộc họp chính trị thường niên quan trọng trong năm của Trung Quốc, thường được gọi là “lưỡng hội”, bắt đầu khai mạc từ ngày 21/5, với 5.000 đại biểu và cố vấn tập trung tại Bắc Kinh để quyết định lộ trình hậu COVID-19 cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) bắt đầu làm việc từ ngày 21/5. 2.000 đại biểu từ nhiều tổ chức chính trị xã hội sẽ đưa ra các đề xuất chính sách lên chính phủ.

Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPC) khai mạc từ ngày 22/5. Khoảng 3.000 đại biểu và quan chức trên cả nước cùng đánh giá công việc và giao nhiệm vụ cho chính phủ trong năm qua và năm tới, thông qua luật mới, mức chi tiêu ngân sách và phê chuẩn thay đổi về nhân sự.

Lưỡng hội đáng lẽ diễn ra vào tháng 3 nhưng bị hoãn đến nay do COVID-19. Hai sự kiện diễn ra cũng là dấu hiệu thể hiện Trung Quốc tin rằng đã khống chế thành công đại dịch. Nhưng kỳ họp năm nay được rút ngắn từ 10 ngày xuống 1 tuần. Đại biểu từ các tỉnh thành về Bắc Kinh và các nhà ngoại giao được mời đến dự phiên khai mạc cũng phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, bao gồm quy định về giữ khoảng cách, cách ly và xét nghiệm, Xinhua đưa tin. Các nhà kinh tế học tin rằng lần này Bắc Kinh sẽ không đặt mục tiêu GDP cho năm nay, do tình hình kinh tế trong nước và toàn cầu không chắc chắn. Khôi phục nền kinh tế và tạo việc làm sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ thông báo một kế hoạch cứu trợ quy mô lớn để thúc đẩy đầu tư.

Thách thức chưa từng có

Trong cuộc họp hồi tháng  4, Bộ Chính trị Trung Quốc xác định những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt là “chưa từng có tiền lệ”. Kỳ họp năm nay diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực quốc tế gia tăng về cách nước này xử lý đại dịch COVID-19. Quan hệ của Trung Quốc với Mỹ xuống đến mức thấp chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, khiến ngay cả những ngôn từ và cử chỉ ngoại giao thông thường cũng bị thay thế bởi trò đổ lỗi thẳng thừng và đe dọa đáp trả.

Tại một cuộc họp báo ngày 20/5, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã chấm dứt những ảo tưởng của Mỹ về quan hệ gần gũi với Trung Quốc.

Ông Pompeo chỉ trích Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề, từ các chính sách về y tế, quốc phòng, Đài Loan, 5G, vấn đề tự trị của Hong Kong đến biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ nói rằng Bắc Kinh đã tiêu hủy các mẫu virus sống thay vì chia sẻ với các nước khác, từ chối cho các điều tra viên tiếp cận phòng thí nghiệm, kiểm duyệt những bàn luận trong nước về dịch bệnh và cưỡng lại lời kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc dịch bệnh. Ông trực tiếp cáo buộc Trung Quốc gây ra cái chết của hơn 92.000 người Mỹ, 36 triệu việc làm ở Mỹ, 300.000 mạng người trên toàn cầu và thiệt hại 9 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế thế giới…

Sự cần thiết phải cân bằng kinh tế trong nước và phản ứng toàn cầu có thể khiến Bắc Kinh phải nghĩ lại về chiến lược, ông Shi Yinhong, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định. “Các nguồn lực quốc gia đang suy giảm và đại dịch đang khiến môi trường toàn cầu phức tạp hơn. Tôi nghĩ chúng ta có thể thấy Trung Quốc co lại nhất định về chiến lược”, ông Shi nói với báo SCMP.

Tuy nhiên, ông Richard McGregor, nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Á tại Viện Lowy ở Úc, không cho rằng COVID-19 sẽ khiến Trung Quốc thay đổi tư duy chiến lược.

“Các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc sẽ không thay đổi - đó là củng cố vai trò của đảng ở trong nước và mở rộng ảnh hưởng ở nước ngoài trên nhiều lĩnh vực, như thương mại, công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, và quân sự, đặc biệt trên biển Đông, và trong cạnh tranh với Mỹ”, ông McGregor nói.

MỚI - NÓNG