Chưa có đột phá về nối lại đàm phán 6 bên

Chưa có đột phá về nối lại đàm phán 6 bên
Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng CHDCND Triều Tiên Pak Pong Ju lần này chủ yếu để thảo luận về vấn đề khủng hoảng hạt nhân.
Chưa có đột phá về nối lại đàm phán 6 bên ảnh 1
Thủ tướng CHDCND Triều Tiên Pak Pong Ju (trái) và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Jianchao hôm 24/3 cho biết, chuyến thăm Trung Quốc đang diễn ra của Thủ tướng CHDCND Triều Tiên Pak Pong Ju không đưa ra được ngày nào Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán 6 bên.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các bên hãy kiên nhẫn và linh hoạt vì CHDCND Triều Tiên vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ tiến trình đàm phán này. Tuy nhiên, Phát ngôn viên Ngoại giao Liu Jianchao cho biết hiện CHDCND Triều Tiên đã “mất niềm tin sâu sắc” đối với Mỹ. Do vậy hội nghị 6 bên về cuộc khủng hoảng chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vẫn chưa xác định được bao giờ thì nối lại.

Tại cuộc họp báo ở Thượng Hải hôm 24/3, ông Liu Jianchao bày tỏ hy vọng hai bên Mỹ và CHDCND Triều Tiên kiềm chế và có những hành động mang tính chất xây dựng để mở lại tiến trình đàm phán.

Thời gian qua, Bình Nhưỡng đã chịu nhiều áp lực về việc mở lại đàm phán 6 bên. Tổng thống Mỹ George W.Bush hôm thứ Tư vừa qua đã thúc giục Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán “vì hòa bình và ổn định”.

Là quốc gia cung cấp chủ yếu thực phẩm và năng lượng cho CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc có ảnh hưởng nhất định đối với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên với cách thông tin như trên của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Jianchao có thể hiểu trong các cuộc hội kiến giữa Thủ tướng CHDCND Triều Tiên Pak Pong Ju và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã không mang lại được tiến bộ nào về tiến trình đàm phán 6 bên.

Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Pak Pong Ju đã nói rằng Bình Nhưỡng không chống lại cuộc đàm phán vòng 4 và sẵn sàng trở lại bàn đàm phán vào một thời điểm thích hợp. Sau đó, không có lời giải thích làm rõ ẩn ý trong câu nói của ông Pak Pong Ju.

Tuy nhiên, ai cũng biết CHDCND Triều Tiên hiện đang đòi hỏi rằng trước khi nối lại đàm phán, Mỹ phải xin lỗi vì đã gắn cho Bình Nhưỡng cái tên “một tiền đồn độc tài”. Bình Nhưỡng đã từng tuyên bố trước đây rằng họ đã sở hữu vũ khí hạt nhân, khẳng định CHDCND Triều Tiên cần những vũ khí đó để chống lại những chính sách thù địch của Mỹ.

Thủ tướng Pak Pong Ju sang thăm Trung Quốc lần này chủ yếu để thảo luận về vấn đề khủng hoảng hạt nhân. Tuy nhiên, do bản thân là người kiến tạo công cuộc cải cách kinh tế hiện nay ở CHDCND Triều Tiên, ông Pak đã dành khá nhiều thời gian để tới thành phố Thượng Hải tìm hiểu về quá trình cải cách ở Trung Quốc. Điều này chứng tỏ CHDCND Triều Tiên cũng rất nghiêm chỉnh trong việc cải cách nền kinh tế quốc doanh của mình.

Một nhà kinh doanh thường xuyên tới Bình Nhưỡng cho rằng chuyến thăm Thượng Hải của đoàn ông Pak là một thông điệp cho cộng đồng quốc tế biết rằng nền kinh tế và sự tăng trưởng kinh tế là vô cùng quan trọng đối với CHDCND Triều Tiên.

Từ tháng 7/2002, CHDCND Triều Tiên bắt đầu công cuộc cải cách, áp dụng hệ thống giá cả dựa trên thị trường để thu hút ngoại tệ, nguyên liệu, năng lượng để làm sống động hơn nền công nghiệp đất nước. Kết quả bước đầu từ cải cách kinh tế  ở CHDCND Triều Tiên tương đối tốt.

Năm 2003, một năm sau cải cách, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của CHDCND Triều Tiên đã tăng 7%, với GDP trên đầu người đạt mức 818 USD. Tuy nhiên, hiện tại nước này vẫn còn thiếu năng lượng nghiêm trọng và nền kinh tế còn phụ thuộc nặng nề ở viện trợ.

Một số nhà phân tích và nhà ngoại giao nước ngoài cho rằng muốn đông kết rồi dần đi đến dỡ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, cần có những hình thức khuyến khích bằng kinh tế để đổi lấy cam kết của CHDCND Triều Tiên. 

MỚI - NÓNG