Chưa kiểm soát được bụi phóng xạ thoát ra ngoài

Cháy, nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 Ảnh: NHK
Cháy, nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 Ảnh: NHK
TP - Chiều 16-3, các máy bay trực thăng quân sự của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được huy động tải nước biển về đổ xuống các lò phản ứng hạt nhân đang xả bụi phóng xạ ra ngoài nhằm hạ nhiệt vỏ lõi các lò số 1, 2, 3 của nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1. Độ phóng xạ đo được cao hơn 50.000 mirosievert/giờ, ở mức rất nguy hiểm.

>> Toàn cảnh vụ động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản

Người dân được kiểm tra phơi nhiễm phóng xạ tại thành phố Koriyama, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: AP.
Người dân được kiểm tra phơi nhiễm phóng xạ tại thành phố Koriyama, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: AP..

Lò số 4 nghiêm trọng nhất

Sáng 16-3 xảy ra thêm một vụ nổ và cháy ở lò phản ứng số 4 làm thủng một lỗ rộng 8 m2 tại tầng bốn của tòa nhà và một mảng tường lớn sụp đổ.

Các chuyên gia xác định, đây là vụ nổ khí hydro cực kỳ nghiêm trọng vì lò số 4 tuy đã ngừng hoạt động trước khi xảy ra động đất và sóng thần nhưng bên trong tòa nhà này có một kho chứa những thanh nhiên liệu đã qua sử dụng. Các thanh nhiên liệu phế thải phải luôn được bảo quản trong thùng kim loại kín ngâm dưới nước, ít nhất là ngập sâu 2,5 m tính từ mặt nước, nhằm duy trì nhiệt độ các thanh nhiên liệu luôn ở 40oC.

Tuy nhiên, do động đất hệ thống nước tuần hoàn làm lạnh ngừng hoạt động, nước trong bể chứa không được tuần hoàn khiến nhiệt độ bể chứa tăng lên 84oC. Nhiệt độ tăng làm nước bốc hơi nhanh đến mức các thanh nhiên liệu phế thải lộ ra trên bề mặt nước.

Các thanh nhiên liệu này tiếp xúc với không khí lại càng nóng nhanh, bốc hơi cuốn theo bụi phóng xạ. Do bể chứa không được đặt trong vỏ thép dày như lõi lò phản ứng, hai vụ nổ hydro vừa qua ở lò số 4 đã phá bức tường bê tông bảo vệ, mở lối cho bụi phóng xạ thoát ra ngoài không khí.

Tình trạng này càng trầm trọng khi nước trong bể bị làm nóng tạo thành hơi bốc lên mang theo nhiều hạt bụi phóng xạ thoát ra ngoài. Các chuyên gia của Cty Điện lực Tokyo (Tepco) cho rằng, vì điều này, tình trạng ở lò số 4 nghiêm trọng hơn các lò còn lại và chưa kiểm soát được.

Cột khói trắng bụi phóng xạ

Tại lò phản ứng số 3, sau vụ nổ khí hydro, việc làm lạnh các thanh nhiên liệu trong lõi bị hỏng 5 ngày qua chưa được khắc phục khiến một phần các thanh nhiên liệu dài 1,2 m bị tan chảy. Độ phóng xạ gần lò số 3 đo được ở mức 50.000 microsievert/giờ; bụi phóng xạ theo cột khói trắng bốc lên cao.

Chưa kiểm soát được bụi phóng xạ thoát ra ngoài ảnh 2

Cháy, nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Ảnh: NHK.

Các chuyên gia cho biết, cột khói trắng này chính là cột hơi nước mang theo nhiều bụi phóng xạ. Nước biển bơm vào lò số 3 để hạ nhiệt đồng thời gây ra hiện tượng bốc hơi nước. Trong tòa nhà lò phản ứng số 3 cũng có một bể chứa những thanh nhiên liệu phế thải. Tương tự như ở kho nhiên liệu thải tại lò số 4, nước bể ngâm cũng đang bốc hơi cuốn lên trời nhiều bụi phóng xạ.

Do các hệ thống bơm làm mát đều bị hỏng, đầu giờ chiều 16-3, Nhật Bản quyết định dùng máy bay trực thăng quân sự CH-47 chở nước biển đổ xuống tòa nhà lò số 3 nhằm hạ nhiệt vỏ lõi cũng như bổ sung nước vào bể ngâm các thanh nhiên liệu đã trơ lên khỏi mặt nước. Khi nước được đổ xuống, hơi nước lại càng bốc lên nhiều hơn, cuốn theo càng nhiều bụi phóng xạ.

Đến khoảng cuối giờ chiều, độ phóng xạ trong không khí phía trên lò số 3 vượt mức nguy hiểm, các máy bay CH-47 buộc phải ngừng đổ nước biển đổ xuống lò. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết, đợi đến khi độ phóng xạ giảm xuống, các máy bay trực thăng lại được huy động dội nước biển xuống các lò phản ứng đang mất hệ thống làm lạnh. Cuối cùng, Nhật Bản quyết định dùng xe vòi rồng đặc chủng để phun nước thay cho trực thăng.

Truyền hình NHK của Nhật Bản cho biết, trong khi nỗ lực hạ nhiệt các lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima số 1 chưa có hiệu quả bền vững, Cục An toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản thông báo rằng, hệ thống máy tính đo lường và dự báo độ phóng xạ (SPEEDI) bị hỏng, chưa biết bao giờ mới hoạt động trở lại.

SPEEDI là hệ thống cực kỳ quan trọng, giúp cơ quan chức năng hiểu được mức độ nguy hiểm của phóng xạ để vạch kế hoạch sơ tán dân chúng.

Tình trạng các lò phản ứng

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 có 6 lò phản ứng. Tính đến tối 16-3, tình trạng ở các lò như sau:

Lò số 1: Hệ thống làm mát hỏng hoàn toàn, một phần lõi bị tan chảy, các thanh nhiên liệu bị tan chảy khoảng 70% độ dài, hơi nước mang theo bụi phóng xạ đã thoát ra ngoài, tòa nhà bê tông của lò này bị phá hủy một phần do vụ nổ khí hydro thứ bảy tuần trước, các nhân viên đang bơm nước biển phun vào trong, hy vọng hạ nhiệt từ ngoài.

Lò số 2: Hệ thống làm mát hỏng hoàn toàn, nước biển đang được bơm phun vào từ bên ngoài, các thanh nhiên liệu trong lõi tuy đã ngừng phản ứng nhiệt hạch nhưng còn rất nóng, có lúc đã lộ hoàn toàn phía trên mặt nước của bể tạo hơi áp lực. Có thể các thanh nhiên liệu đã bị tan chảy ít nhất 33%, hơi nước mang bụi phóng xạ đã thoát ra ngoài, tòa nhà tổ máy bị phá hủy do ảnh hưởng từ vụ nổ khí hydro ở lò số 3 hôm thứ hai.

Lò số 3: Hệ thống làm mát hỏng hoàn toàn, nhiều khả năng một phần vỏ lõi đã bị tan chảy vì các chuyên gia thấy áp lực trong lò giảm bất thường, bụi phóng xạ đã thoát ra ngoài. Công nhân đang bơm nước biển vào làm mát vỏ lò, tòa nhà lò bị xé toạc do vụ nổ khí hydro hôm thứ hai, nồng độ phóng xạ đo được khu vực ngoài lò ở mức cao chứng tỏ vỏ ngoài của lõi đã bị thủng do tan chảy.

Lò số 4: Hỏa hoạn xảy ra hôm thứ ba có thể là do khí hydro hình thành từ vụ nổ tại bể ngâm các thanh nhiên liệu phế thải. Mực nước trong bể này chưa quan sát được. Sáng 16-3, lửa lại bốc lên từ tòa nhà lò có tường bê tông bị thủng một lỗ lớn, làm lộ nội thất. Hiện lò này không được bơm nước biển từ ngoài vào.

Lò số 5 và số 6: Đã ngừng hoạt động trước khi xảy ra động đất, sóng thần nên không bị hư hại nặng như 4 lò nói trên. Tuy nhiên, nhiệt độ tại các bể chứa thanh nhiên liệu phế thải cũng cao hơn mức bình thường do hệ thống bơm nước tuần hoàn bị hỏng, hơi nước bốc lên khiến mực nước cạn dần. Nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng như ở lò số 4. Công nhân đang bơm nước biển làm lạnh bổ sung vào hai lò số 5 và số 6.

Thông điệp của Nhật hoàng

Ngày 16-3, Nhật hoàng Akihito gửi thông điệp đến toàn thể quốc dân, bày tỏ cảm thông đối với những người bị ảnh hưởng do động đất và sóng thần. Ông kêu gọi dân chúng tập trung nỗ lực để vượt qua khó khăn.

Nhật hoàng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc đối với tình hình tại nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima bị động đất tàn phá, nói rằng hy vọng nỗ lực của những người liên quan sẽ ngăn chặn được tình hình đang xấu dần. Ông hy vọng toàn thể dân chúng Nhật Bản chung tay chăm sóc lẫn nhau để sống trong thời kỳ khó khăn này, mong muốn các nạn nhân không tuyệt vọng.

Tính đến ngày 16-3, ít nhất 3.676 người được xác định thiệt mạng, trong khi số người mất tích là hơn 11.000. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết đã nhận được đề nghị giúp đỡ tìm kiếm ít nhất 500 người nước ngoài mất tích do động đất, sóng thần.  

Nguyễn Đại Phượng
Theo NHK, Kyodo News

Tình hình ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 "rất nghiêm trọng", ông Yukiya Amano, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 16-3 tại Vienna.

Ông hy vọng sẽ bay sang Nhật Bản vào ngày 17-3 để đánh giá tình hình và nói chuyện với các quan chức cấp cao của nước này. Một đội chuyên gia IAEA sẽ được gửi tới Nhật Bản trong thời gian sớm nhất, ông nói.

Minh Long
Theo Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG