Kỷ niệm 61 năm chiến thắng phát xít

Chúng ta không được quên những con đường ấy

Chúng ta không được quên những con đường ấy
Theo truyền thống, ông Vasily Briukhov- một trung tướng về hưu, năm nay 84 tuổi, Anh hùng Nga - sẽ có mặt tại trung tâm Matxcơva cả buổi sáng ngày hôm nay, 9 tháng 5.
Chúng ta không được quên những con đường ấy ảnh 1

Đầu tiên, cô cháu gái Irinka sẽ lấy chiếc xe “Ford” của mình chở ông từ VDNKH – Trung tâm triển lãm các sản phẩm quốc dân, nơi ông sống, tới trung tâm Matxcơva, tới Vòng Bulvarnoie. Sau đó họ cùng đi bộ tới Quảng trường Đỏ - vì vào ngày này xe hơi không được phép đi xa hơn.

Ông Vasily Briukhov, chủ tịch Hội đồng Cựu chiến binh Mặt trận Ukraina số 2 và Tập đoàn quân xe tăng số 5, cũng như nhiều người đã từng chiến đấu ở mặt trận khác sống ở thủ đô Nga và vùng lân cận, luôn luôn nhận được giấy mời lên khán đài cuộc duyệt binh long trọng của các binh sĩ Quân khu Matxcơva kỷ niệm Ngày Chiến thắng.

Ông sẽ xem cuộc diễu binh này, cuộc diễu binh sẽ được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Sergei Ivanov tiếp nhận. Tại cuộc diễu binh này chắc chắn sẽ có mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng tư lệnh tối cao Nga, các nhà cầm quân xuất sắc của quá khứ với những người kế nghiệp trẻ tuổi của họ trên cương vị chỉ huy quân đội và hạm đội.

Sau đó các cựu chiến binh và người thân sẽ được mời vào điện Kremli tham dự buổi lễ trọng thể kỷ niệm Ngày Chiến thắng.

Từ điện Kremli, Vasily Pavlovich cùng với cô cháu gái sẽ tới Vườn Alekxandrovsky, tới mộ Chiến sĩ vô danh, đặt những bông hoa cẩm chướng bên Ngọn lửa vĩnh cửu. Rồi ông sẽ đi tới Nghĩa trang Rogozhskoe, nơi có đài tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong thời gian Chiến tranh vệ quốc và qua đời trong các quân y viện ở Matxcơva, nơi những năm cuối đây trở thành nơi yên nghỉ của các cựu chiến binh mặt trận, trong số đó có cả các cựu chiến binh Mặt trận Ukraina số 2. Ông sẽ đặt hoa bên đài tưởng niệm này nữa.

Cách đây không lâu chính quyền thành phố Matxcơva đã sửa chữa lại đài tưởng niệm ở Nghĩa trang Rogozhskoe cũ kỹ, phục chế lại các đài kỷ niệm và tân trang lại những ngôi mộ tập thể.

Và ngày nay rất nhiều cư dân thủ đô đến đây, cũng như đến sáu chục nghĩa trang khác ở Matxcơva, nơi có những đài tưởng niệm những người đã hy sinh trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, để suy tôn những người đã mãi mãi đi xa – cha, ông, cụ mình, những người bảo vệ quê hương đất nước, tưởng nhớ đến họ, đặt hoa trên mộ họ. Đứng im lặng, trò chuyện thầm với họ, như báo cáo về cuộc sống của mình, như muốn xin lời khuyên bảo sống tiếp như thế nào.

Sau đó tướng Briukhov sẽ lên xe đi tới phố Arbat, và tới trụ sở Hội cựu chiến binh Mặt trận Ukraina số 2, ông sẽ gặp mặt những người đồng đội anh em. Họ sẽ nâng những cốc “100 gram” mặt trận để tưởng nhớ những người đồng đội đã hy sinh hay qua đời, nói chuyện với bạn bè về ngày hôm nay, hồi tưởng lại “những năm bốn mươi định mệnh đầy chì và thuốc súng”, khi mà “chiến tranh đi dạo khắp nước Nga”, và khi đó họ còn trẻ lắm …

Và tới tận chiều, trước khi bắn pháo hoa, ông mới trở về nhà, nơi có người vợ, con gái và chú chó yêu quý Roni chờ đón ông. Ông sẽ ngồi bên bàn tiệc cùng người thân, cạnh màn ảnh vô tuyến truyền hình, nơi chắc chắn sẽ vang lên những bài hát thời kỳ chiến tranh để kết thúc ngày tuyệt vời này …

Ký ức về cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đối với người Nga, cũng như nhiều người đang sống trên lãnh thổ Liên Xô cũ, cũng như lòng biết ơn đối với chiến công của những người lính đã lấy ngực mình che chở cho Tổ quốc khỏi kẻ thù đáng sợ nhất – chủ nghĩa phát xít của Hitler, kẻ đã cướp đi mạng sống của 26,6 triệu công dân Liên Xô, chưa bao giờ mất đi và sẽ không bao giờ biến mất khỏi cuộc sống những thế hệ người Nga ngày nay.

Ngày Chiến thắng – 9 tháng Năm đã và đang luôn luôn là ngày lễ tươi sáng nhất, liên kết mọi thế hệ, dân tộc và tôn giáo.

Bởi, chỉ tính trên lãnh thổ bị chiếm đóng, quân đội phát xít đã tiêu diệt hơn 11 triệu người, trong số đó có 7 triệu là người dân thường. Có 5 269 513 người dân Liên Xô bị bắt sang Đức lao động, trong số đó 2 164 313 đã chết trong điều kiện lao động nô lệ nặng nhọc nơi các trại tập trung, những nơi đập đá…. Những điều như thế không thể nào quên đi được.

Phát xít Đức đã phá hủy một phần hoặc hoàn toàn 1710 thành phố và thị trấn  của Liên Xô, hơn 70 ngàn làng xã, trên 6 triệu ngôi nhà, làm gần 25 triệu người mất chỗ ở. Ngoài ra chúng còn phá hủy 32 ngàn nhà máy xí nghiệp và 65 ngàn kilômet đường sắt, 98 ngàn nông trang tập thể, 1876 nông trường quốc doanh, 2890 trạm máy kéo.

Phát xít Đức đã gây ra thiệt hại khổng lồ cho nền nông nghiệp Liên Xô. Những kẻ chiếm đóng đã cướp, tiêu diệt, chọn và đem về Đức 7 triệu con ngựa, 17 triệu gia súc có sừng lớn, 20 triệu con lợn và dê, một số lượng khổng lồ gia  cầm không đếm nổi. Thiệt hại trực tiếp của kinh tế Liên Xô tính ra tiền là trên một tỷ tỷ rúp thời đó, hay 30 phần trăm tài nguyên quốc gia lúc đó. Thiệt hại này làm cho sự phát triển kinh tế Liên Xô bị đẩy lùi khá dài.

Hậu quả của nó đến tận ngày nay, sau hơn sáu mươi năm, khi mà dường như tất cả các vết thương của quá khứ đã lành, nhưng chúng ta vẫn còn cảm thấy – trong những đứa trẻ không được sinh ra, trong dân cư đang già đi nhanh chóng. Tất cả đó là hậu quả thảm khốc của sự mất mát cuộc sống của hàng triệu con người, sự mất mát không gì bù đắp nổi. 

Đó còn là một nguyên nhân giải thích việc, mặc dù lãnh đạo nước Nga kêu gọi hòa giải, nhưng chỉ có rất ít người Nga đến thăm những đài tưởng niệm những người lính của kẻ địch hy sinh trong cuộc chiến tranh ấy. Những người lính Đức, Hungari, Ý, Rumani, Nhật Bản vv, đã chiến đấu bên phía nước Đức Hitler, hay những người lính bị bắt làm tù binh ở Sakhalin, quần đảo Kuril, trên lãnh thổ Mãn Châu Lý và bị đưa đến Viễn Đông của Liên Xô, chết trong những trại tù binh chiến tranh.

Những đài tưởng niệm như thế được thành lập tại nhiều nơi trên lãnh thổ Nga trong những năm gần đây – ở ngoại ô Matxcơva, ở vùng Voronezh, ở vùng Volgagrad, vùng Viễn Đông và những nơi khác.

Đôi khi những cựu chiến binh Chiến tranh thế giới lần thứ hai, những người tham gia chiến đấu của “phía bên kia” cùng con cháu họ cũng tới Nga, thăm những đài tưởng niệm ấy. Con cháu họ bây giờ cũng có chỗ để tưởng nhớ cha ông mình.

Ở tuyệt đại đa số các nước Đông Âu ngày nay, những nước được giải phóng khỏi chủ nghĩa phát xít bởi chính người lính xô viết, cư dân tôn trọng và quan tâm đến những đài tưởng niệm và mộ của các chiến sĩ xô viết.

Chỉ riêng ở Ba Lan, quân đội giải phóng Liên Xô đã để lại 600 ngàn ngôi mộ, ở Hungari và Rumani – nơi mà Vasily Briukhov, vị trung tướng về hưu ngày nay mà khi đó mới là một trung úy trẻ tuổi đã tham gia giải phóng – là hơn 280 ngàn ngôi mộ, ở Trung Quốc – 8 ngàn, còn ở Triều Tiên – trên một ngàn rưỡi …

Đất nước Liên Xô và nhân dân của đất nước ấy đã đạt được Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại một cách rất không dễ dàng. Vì thế mà chiến công của người lính Nga là thiêng liêng đối với mỗi công dân Nga, cho dù người lính ấy có thuộc dân tộc nào đi nữa, và ký ức về chiến công ấy không bao giờ biến mất khỏi trí nhớ của chúng ta.

Vì thế mà Ngày Chiến thắng này sẽ mãi mãi là ngày lễ của nỗi buồn, lòng tự hào và của sự đoàn kết toàn dân – ngày lễ với những giọt lệ trên mắt, và không thể nào quên được những con đường đến Ngày Chiến thắng ấy.

Ngày Chiến thắng ấy sẽ được kỷ niệm bởi những loạt pháo hoa lộng lẫy ở Mat xcơva, Sankt-Peterburg và các thành phố - anh hùng khác, những thành phố đã không chùn bước gục ngã trước kẻ thù. 

Ngày Chiến thắng ấy sẽ được kỷ niệm bởi lễ hội dân và những buổi biểu diễn nghệ thuật trang trọng, bởi những cốc rượu “một trăm gram vodka” mặt trận  bắt buộc – đứng và im lặng tưởng nhớ những người sẽ không bao giờ trở về từ cuộc chiến tranh ấy, nhưng mãi mãi ở lại trong trái tim của mỗi người Nga, và không chỉ mỗi người Nga.

Theo Lưu Hải Hà
NuocNga.net/RIA Novosti

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.