Chuông cảnh báo

Chuông cảnh báo
TP - Chủ trương tạo điều kiện tối đa để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế đang đặt các cơ sở y tế và đội ngũ y bác sỹ Nhật Bản đối mặt với sức ép khổng lồ. Dù rất quyết tâm giảm tải cho các bệnh viện, nhưng biện pháp bắt đóng tiền viện phí nếu không có giấy giới thiệu có vẻ như không phải là biện pháp “rắn”.

Người Nhật vốn có chế độ phúc lợi y tế khá tốt. Người dân được nhà nước hỗ trợ tối đa viện phí và được chọn nơi khám chữa bệnh. Chẳng thế mà người Nhật luôn thuộc nhóm có chất lượng sống cao nhất nhì thế giới, thể hiện qua tuổi thọ trung bình cao trong khi tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong thấp.

Với yêu cầu cao và khắt khe về vấn đề sức khỏe, người Nhật có thói quen đến bệnh viện chỉ để khám những bệnh đơn giản nhất và luôn lựa chọn những bệnh viện có cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hiện đại. Bệnh viện lại không có quyền từ chối, dù có nhiều trường hợp chẳng đáng phải nhập viện. Tất cả những thực tế trên dẫn đến tình trạng quá tải của nhiều bệnh viện, tạo căng thẳng cho đội ngũ y bác sỹ, cán bộ y tế.

Đối mặt với vấn đề đã kéo dài nhiều năm và ngày càng trầm trọng này, giải pháp mà chính phủ Nhật Bản lựa chọn là hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân thông qua việc yêu cầu bắt buộc phải có giấy giới thiệu của cơ sở khám bệnh nếu muốn nhập viện và nhận bảo hiểm y tế. Đánh giá về mặt chủ trương, dự thảo chính sách viện phí vừa được chính phủ Nhật Bản trình Quốc hội là biện pháp mạnh nhất của Tokyo để giải quyết vấn đề quá tải, khi buộc phải thu hẹp cơ hội hưởng các dịch vụ phúc lợi.

Tuy nhiên, nhìn vào đề xuất cụ thể mới thấy đề xuất này có lẽ chỉ như “muối bỏ biển”. Theo đề xuất mới, từ năm tài khóa 2016, các bệnh nhân khi đến bệnh viện nếu không có giấy giới thiệu của phòng khám y tế sẽ phải chịu toàn bộ chi phí khám bệnh lần đầu, khoảng 3.000 yên, tương đương 30 đôla. Trong những lần khám tiếp theo, người bệnh sẽ phải chịu chi phí 720 yên. Số tiền này nếu so với thu nhập bình quân đầu người của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thì chẳng thấm vào đâu, không phải vấn đề lớn đối với những người luôn quan tâm đến sức khỏe của mình.

Dù không phải tất cả mọi người sẽ thay đổi lựa chọn của mình, nhưng có lẽ những gì giới chức Nhật cần chỉ là có một bộ phận nhỏ bắt đầu ý thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề từ hồi chuông cảnh báo nhẹ nhàng này.

MỚI - NÓNG