Chuyện “đạo quân” biếu quà Tết

Chuyện “đạo quân” biếu quà Tết
TPCN - Cứ đến dịp Tết là tại Bắc Kinh lại xuất hiện một “đạo quân” từ các nơi kéo về biếu quà cấp trên. Tham gia đạo quân này là quan chức các ngành, các cấp bên dưới, giới chủ các xí nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân.
Chuyện “đạo quân” biếu quà Tết ảnh 1
Một “kỳ thạch” dùng làm quà biếu

Họ thường lấy văn phòng đại diện các tỉnh, thành, các công ty, xí nghiệp tại Bắc Kinh làm điểm dừng chân rồi từ đó “tấn công” các cơ quan cấp trên, lũng đoạn các cơ quan chức năng, lấy cớ “tăng cường tình cảm, củng cố quan hệ, cảm ơn sự giúp đỡ, mong tiếp tục được quan tâm” để đưa hối lộ một cách hợp pháp.

Một vị phụ trách đối ngoại của một tập đoàn quốc tế nói với các phóng viên: “Biếu quà là cả một nghệ thuật gọi là “tống lễ”. Lễ nhẹ thì người ta cho là mình không thành tâm, lễ nặng thì lại dễ gây phiền hà rắc rối cho người nhận.

Vì vậy, vừa phải  biếu được, vừa phải xuất kỳ bất ý, đảm bảo không để lại dấu vết, thật chẳng dễ chút nào”.

Thổ, đặc sản có chứa “nội hàm”

Một vị làm ở Văn phòng đại diện tỉnh A ở Bắc Kinh nói, danh mục lễ vật của tỉnh ông về kinh năm nay lấy rượu, thuốc lá làm món chính, đương nhiên phải dùng một số món thổ, đặc sản như trà, hoa quả để che đậy.

Rượu, thuốc đều là thứ quý giá và đắt, trong đó nhiều nhất là thuốc hộp Trung Hoa và rượu Mao Đài lâu năm.

Ông nói, riêng rượu Mao Đài đã có các loại 10, 20, 30, 50, thậm chí 80 năm. Trong đó Mao Đài 80 năm giá tới 4 vạn tệ/ bình (tức 80 triệu VNĐ), vậy mà sản xuất vẫn không kịp cho tiêu thụ. Giám đốc Nhà máy rượu Mao Đài Quý Châu cho biết năm nào nhà máy cũng xuất xưởng số lượng lớn rượu biếu Tết có các độ tuổi khác nhau, nhưng số lượng năm nay là nhiều chưa từng có.

Tranh, chữ, đồ cổ

Ngoài các món truyền thống thuốc lá, rượu ra, mấy năm gần đây các loại tranh, chữ của các họa sỹ, thư pháp gia, nghiên bút, thậm chí đồ cổ cũng trở thành các lễ vật để biếu Tết.

Một vị lãnh đạo đã về hưu nhưng con trai đang là “sếp” khá bự tình cờ tiết lộ: Những thứ đồ cổ, tranh, chữ ông được biếu trong mấy năm qua nếu đem bán đấu giá cũng phải được mấy triệu tệ.

Chưa hết, năm nay một số loại “kỳ hoa, quái thạch” cũng lọt vào danh sách đồ biếu Tết. Một ông chủ vườn ở ngoại ô Bắc Kinh cho biết, năm nay ông bán được rất nhiều chậu lan cỡ mấy ngàn tệ và bonsai cỡ hàng vạn tệ/chậu.

Ông cho biết, rất nhiều người đi tìm mua các quái thạch, dị thạch vì chơi đá đang là mốt ở kinh thành.

Mời đi du lịch nước ngoài cũng thành… quà Tết

Năm nay có một kiểu “tống lễ” mới lạ, đó là mời đi nước ngoài du lịch mua sắm. Tăng tiểu thư, một doanh nhân Hong Kong nổi tiếng trong làng kinh doanh địa ốc ở Bắc Kinh cho biết dịp Tết, cô đã trực tiếp dẫn một “gia đình lãnh đạo” sang Hàn Quốc du lịch và sắm.

Cô nói, ra nước ngoài mua đồ vừa rẻ vừa có cảm giác mua được hàng thật. Nhưng điều quan trọng hơn là, mấy gia đình đi với nhau vừa gắn bó về tình cảm lại vừa dễ bàn chuyện “làm ăn”.

Ăn tất niên - mốt “tống lễ” mới

Điều lý thú nữa là mấy năm nay, mời ăn tất niên lúc giao thừa đang dần dần thành mốt mới và năm nay đã trở thành một hình thức… biếu Tết.

Một vị giám đốc lễ tân của khách sạn 5 sao nói với phóng viên: Năm nay khách sạn tung ra thực đơn tiệc giao thừa siêu đắt giá tới 38.800 tệ/bàn (tức khoảng 76 triệu VNĐ), đã có hàng chục khách đặt, loại tiệc giá 18.800 tệ/bàn thì nhiều người đặt hơn.

Phần lớn các bàn tiệc này đều được thanh toán bằng tiền công và chúng được dùng như một kiểu cấp dưới biếu Tết cấp trên. 

MỚI - NÓNG