Chuyện tình thầm lặng của hai trái tim Việt Nam - Triều Tiên

Ông Cảnh và bà Ri đã phải vượt qua muôn trùng sóng gió để được chung sống với tình yêu mà hai người dành cho nhau. Giờ đây, hai ông bà có cơ hội được chứng kiến Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội, một điều mà ít ai ngờ đến từ trước đến giờ
Ông Cảnh và bà Ri đã phải vượt qua muôn trùng sóng gió để được chung sống với tình yêu mà hai người dành cho nhau. Giờ đây, hai ông bà có cơ hội được chứng kiến Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội, một điều mà ít ai ngờ đến từ trước đến giờ
TPO - Cặp đôi trẻ bên nhau đầy ngượng ngùng, cùng nhau nhìn vào ống kính máy ảnh với ánh mắt sâu, cùng nhìn về phía xa xăm. Chàng, người sinh viên Việt Nam du học tại Triều Tiên, vừa tìm thấy tình yêu của đời mình. Nàng là cô gái Triều Tiên, đã thầm thương trộm nhớ chàng trong suốt nhiều năm ròng. Câu chuyện tình hiếm có của họ, đã trôi qua 31 năm như vậy. 
Thời điểm này, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đang chuẩn bị diễn ra tại Hà Nội, là dịp hiếm hoi để ông Cảnh, bà Ri được chứng kiến hình ảnh của một Triều Tiên - nơi hai người đã có nhiều kỷ niệm đẹp bên nhau, tại Việt Nam - nơi hai người đang sinh sống.
"Từ lúc tôi thấy ông ấy, tôi đã biết rằng đây là tình yêu mà mình chưa từng cảm nhận được trước đây", Bà Ri Yong Hui, giờ đã là một bà lão 70 tuổi, kể về mối tình với người chồng yêu thương Phạm Ngọc Cảnh, kém bà một tuổi. Hai người đã tổ chức đám cưới vào năm 2002, thời điểm Triều Tiên từng bước mở cửa, công nhận hôn nhân giữa người dân trong nước với người nước ngoài. Giờ đây, bà Ri và ông Cảnh sẽ được chứng kiến cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, với hy vọng mở ra một chương mới cho đất nước Triều Tiên, quê hương bà Ri, Reuters đưa tin.
Trở về thời điểm năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Ông Cảnh là một trong 200 du học sinh Việt Nam được cử đi học tại Triều Tiên để học hỏi kinh nghiệm, trở thành nguồn nhân lực tái thiết đất nước sau khi chiến tranh kết thúc. Vài năm sau, trong một buổi thực tập tại nhà máy phân bón, ông Cảnh đã gặp bà Ri, khi đó đang làm việc trong phòng thí nghiệm.
Lòng ông Cảnh nghĩ thầm, mình sẽ cưới cô gái này làm vợ. Đó cũng là lý do thôi thúc ông gặp bà Ri và hỏi thông tin, địa chỉ của người con gái mà mình yêu thương. Đối với bà Ri, đó cũng là lúc bà biết rằng mình đã gặp người trong mộng. Bà kể rằng, về sau, mỗi lần gặp ông Cảnh, bà lại cảm thấy hồi hộp, xốn xang. Thế nhưng, thách thức lớn nhất mà hai người phải đối mặt, đó là quan hệ với người nước ngoài bị coi là cấm kỵ tại Triều Tiên.
Từ đó, tình yêu không biên giới giữa hai người khác quốc tịch bắt đầu trải qua nhiều chặng đường thử thách. Ông Cảnh đã nhiều lần bí mật đến nhà người yêu nhiều lần hàng tháng, trên chuyến xe bus quen thuộc kéo dài ba giờ đồng hồ. Sau này, khi về nước, ông Cảnh đã từ bỏ con đường mà mình được sắp xếp, để được sống với tình yêu phải lặng câm trong thời điểm bấy giờ. Ở Triều Tiên, bà Ri đã đổ bệnh vì tương tư, vì nhớ ông Cảnh, chỉ có người mẹ già cả thấu hiểu nỗ lòng của người con gái.
Ông Cảnh đã nhiều lần đến Triều Tiên để tìm lại người con gái mà mình yêu thương, với tư cách là người phiên dịch cho các phái đoàn Việt Nam đến thăm Triều Tiên. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi Triều Tiên mất mùa, đã gửi yêu cầu Việt Nam viện trợ gạo. Ông Cảnh đã tham gia đóng góp được 7 tấn gạo để chuyển đến Triều Tiên. Những việc làm của ông đã được giới chức Triều Tiên ghi nhận.
Phía Triều Tiên đã chấp nhận cho bà Ri lập gia đình với ông Cảnh, được sinh sống tại Việt Nam, với điều kiện bà Ri vẫn giữ quốc tịch Triều Tiên. Hai người làm đám cưới vào năm 2002 tại Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội, và vẫn sống cùng nhau trong một căn hộ tại khu tập thể Thành Công cho đến nay.
"Cuối cùng thì, tình yêu vẫn vượt lên tất cả", ông Cảnh không giấu nổi cảm xúc tự hào, sau bao gian khó để đến được với người mình yêu.
Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG