Chuyện về người cứu nước Pháp khỏi vụ đánh bom sân vận động

Salim Toorabally đã ngăn kẻ đánh bom liều chết Bilal Hadfi vào sân vận động Stade de France hôm 13/11. Ảnh: Daily Mail.
Salim Toorabally đã ngăn kẻ đánh bom liều chết Bilal Hadfi vào sân vận động Stade de France hôm 13/11. Ảnh: Daily Mail.
Salim Toorabally, một người Hồi giáo nhập cư ở Paris, đã trở thành anh hùng trong vụ khủng bố Paris bởi ngăn được âm mưu đánh bom liều chết bên trong sân vận động Stade de France chứa 80.000 người.

Trong những vụ tấn công ở thủ đô Paris hôm 13/11, tên khủng bố Bilal Hadfi, 20 tuổi, âm mưu đánh bom liều chết trong sân vận động Stade de France, nơi diễn ra trận đấu bóng giữa hai đội Pháp – Đức với khoảng 80.000 cổ động viên và cả Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Nếu kế hoạch đánh bom thành công, Stade de France sẽ trở thành địa điểm thảm sát đẫm máu nhất trong chuỗi tấn công ở Paris hôm 13/11. Tuy nhiên, âm mưu của những tên khủng bố đã bị ngăn lại bởi một nhân viên an ninh ở cổng sân vận động.

Salim Toorabally, 42 tuổi, là người nhập cư từ Mauritius, ​theo đạo Hồi. Salim sống trong căn hộ nhỏ với hai phòng ngủ ở một tòa nhà tại Le Blanc-Mesnil, phía đông bắc thủ đô Paris. Căn hộ này cách Saint-Denis, nơi kẻ chủ mưu vụ khủng bố Paris ẩn náu, khoảng 20 phút xe buýt. Ông có vợ tên Bibi, 55 tuổi, và một con gái Yza, 15 tuổi.

Nhắc lại khoảnh khắc ông nhận ra rằng mình vừa chặn một kẻ đánh bom liều chết vào trong sân, Salim kể: “Tôi cảm thấy lạnh toát sống lưng và sốc. Tôi tự nhủ rằng nếu tôi cho y bước qua cổng, có lẽ tôi đã trở thành kẻ đồng lõa trong vụ giết hại những người vô tội. Hàng trăm người có thể đã chết”.

Làm việc tại công ty Maine Securite, Salim là một thành viên trong đội ngũ an ninh gồm 150 người làm nhiệm vụ tại các cổng vào sân vận động. Ông là fan hâm mộ cuồng nhiệt của đội bóng Paris Saint-Germain. Tuy nhiên, hôm xảy ra vụ tấn công cũng là lần đầu tiên Salim làm việc tại sân vận động Stade de France.

Khi Salim chuẩn bị đi làm, con gái Yza dặn ông hãy cẩn thận bởi trước đó cô nghe tin đội tuyển Đức phải sơ tán khỏi khách sạn do đe dọa đánh bom.

Salim nhận nhiệm vụ tại cổng L. Dù không được theo dõi trận đấu, ông vẫn cảm thấy phấn khích bởi không khí náo nức từ những người hâm mộ. Khoảng 80.000 tới sân cổ vũ.

Chuyện về người cứu nước Pháp khỏi vụ đánh bom sân vận động ảnh 1

Sân vận động Stade de France hỗn loạn sau 3 tiếng nổ liên tiếp. Ảnh:Reuters

Người đàn ông bí ẩn

Khi thấy một người đàn ông mặc áo khoác tối màu len lỏi giữa dòng người để vào sân, Salim tới và ngăn lại. Người này khẳng định anh ta có vé nhưng đang đợi một người khác. Salim cảm thấy khó chịu bởi người này quanh quẩn tại khu vực và có vẻ lén lút, bí ẩn.

Sau đó, người này có những hành động bất thường như chú ý tới các biện pháp an ninh quanh sân vận động và gọi nhiều cuộc điện thoại. Biểu hiện này khiến Salim càng nghi ngờ. Trong lúc kiểm soát người vào sân, ông cố gắng ghi lại vẻ ngoài của người đàn ông đáng ngờ, bao gồm áo khoác, tóc ngắn, đen và thân hình mảnh khảnh.

Mười phút sau, Salim thấy người đàn ông đi về phía cổng khác của sân vận động. Ông lập tức cảnh báo tới đồng nghiệp. Kẻ khủng bố sau đó nhận thấy ​y không thể vào sân nên quay trở ra và lủi mất.

Khoảng 50 phút sau, Salim nghe thấy tiếng nổ đầu tiên nhưng ông không nghĩ rằng kẻ mà ông vừa chặn bên ngoài sân vận động gây ra vụ việc.

Sau ngày Paris bị khủng bố đẫm máu, trong một cuộc phỏng vấn với cảnh sát, Salim kể lại toàn bộ sự việc và nhận ra người đàn ông trong chiếc áo khoác tối màu hôm 13/11 giống với khuôn mặt đẫm máu của một kẻ đánh bom liều chết là Hadfi.

Anh hùng thầm lặng

Nhớ lại khoảnh khắc đáng sợ khi nhận ra sân vận động bị tấn công, Salim nói: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy sợ hãi như vậy.  Tôi sợ mình sẽ chết. Lúc đó, tôi nghĩ đến gia đình, vợ và con gái nhưng sau đó tôi lo cho hàng nghìn khán giả trong sân và quan trọng nhất là Tổng thống Hollande”.

Mặc dù vậy, Salim vẫn chạy tới giúp đỡ những đồng nghiệp bị thương. Ông vừa chạy và hét gọi đồng nghiệp ở cổng khác để chặn các lối ra vào, giữ mọi người bên trong. Khi tới cổng D, ông thấy 3 người bị thương và đang được đưa vào trong sân. Một người bị mảnh đạn cắm vào chân trong khi người khác ôm đầu gối la hét đau đớn.

Salim giúp một người bị sốc và một người bị thương ở chân vào bên trong. Những đồng nghiệp khác gọi xe cứu thương. Tới lúc nhìn xuống, ông nhận thấy hai bàn tay mình nhuốm máu đỏ. Vài giây sau, hai vụ nổ tiếp theo xảy ra.

Sau đó, Salim ở lại sân vận động để tìm kiếm những thứ khả nghi và giúp đỡ người khác. Ông trở về nhà lúc 1h30 ngày hôm sau và hầu như thức trắng cả đêm.

“Những tên khủng bố là kẻ mạo danh tín đồ đạo Hồi. Tôi đến Pháp khi 16 tuổi và thành công ở nơi đây. Tôi tự hào là một công dân Pháp”.

Sau ngày xảy ra vụ đánh bom đẫm máu ở Paris, Salim nhận lời khen ngợi từ cảnh sát: “Anh đã cứu cả nước Pháp”.

Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Mail on Sunday, Salim cho biết, ông nhận rất nhiều lời khen và được coi như một anh hùng sau cuộc tấn công hôm 13/11. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng mình chỉ là một người bình thường và đó là công việc mà ông phải làm. Tuy nhiên, nếu Salim không ngăn kẻ khủng bố ở lối vào sân vận động, có lẽ rất nhiều người đã mất mạng khi đang cổ vũ các cầu thủ. 

Vụ tấn công ở sân vận động Stade de France thuộc chuỗi tấn công liên hoàn ở thủ đô Paris hôm 13/11. 3 vụ nổ xảy ra bên ngoài sân vận động chỉ khiến 3 kẻ đánh bom liều chết thiệt mạng và một số người bị thương. Vụ xả súng và bắt con tin ở nhà hát Bataclan khiến 80 người chết. 50 người khác thiệt mạng ở những địa điểm khác.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.