Có bao nhiêu ông già Noel?

Có bao nhiêu ông già Noel?
TP - Tương tự ông già tuyết, ông già Noel ở nhiều nước, ở Áo trẻ em chờ đón quà tết từ ông Silvestra, ở vùng Altai là ông Cook Taadaca, ở Hy Lạp và quốc đảo Sip – ông Vaxilia thần thông, ở Trung Quốc – ông Vũ Khánh...
Có bao nhiêu ông già Noel? ảnh 1
Hình ảnh quen thuộc của ông già Noel

Ở rất nhiều nước trên thế giới, nhất là ở châu Âu và châu Mỹ, theo truyền thống dân gian vào ngày đầu năm mới có những ông già râu tóc bạc phơ, nét mặt hiền lành, đôn hậu, vui tính mang những món quà đến tận từng nhà tặng các em thơ. Đây là niềm vui đầu tiên của các em khi bước vào năm mới.

Ở nước Nga và nước Đông Âu, đó là ông già tuyết. Ở Mỹ, Canada, Australia và một số nước Tây Âu, đó là cha Santa Claus – còn gọi là ông già Noel.

Các “ông tiên của trẻ em” này đầu đội mũ lông trắng, áo choàng lông đỏ thắm, chân đi ủng lông, tay cầm gậy, lưng mang túi đầy ắp quà ra đi đến từng nhà dân bất chấp gió tuyết lạnh buốt. Riêng ở xứ sở Kangaroo vì năm mới trời nóng nên các ông già này chỉ “ăn mặc phong phanh” giản dị.

Ở Anh người ta viết những nguyện vọng của mình gửi tới ông già tuyết vào bức thư rồi đốt ở lò sưởi. Khói bay lên sẽ mang được ý nguyện của người viết tới địa chỉ người nhận.

Nước Ý có hình ảnh thân quen là ông già Babo Natalie với cô tiên Befana đi tháp tùng. Họ vào các nhà bằng đường ống khói để tặng quà cho các em bé. Bé nào ngoan, học giỏi thì được tặng bánh kẹo, hoa quả, mật ong…; còn bé nào chưa ngoan thì tạm nhận cà rốt, hành tỏi và... đường khét.

Ở Pháp, ông già niềm vui này có tên là Per Noel. Ông ăn mặc toàn đồ trắng, đội mũ rộng vành, chống cây thiền trượng. Ông lẳng lặng để các món quà tết vào các đôi giày của trẻ em ở gần lò sưởi.

Ông già tốt bụng ở Phần Lan có tên là Youlupukki. “Youlu” nghĩa là Giáng sinh, còn “pukki” là con lừa. Ông mang áo khoác da lừa màu đỏ, đội mũ chóp nhọn, mái tóc dài bạc phơ…

Ông và túi quà căng phồng đặt trên xe ngựa, xung quanh là những chú nộm đội mũ nhọn hoắt, choàng áo lông thú trắng trông rất ngộ nghĩnh.

Ở Thụy Điển thì có hai ông già đi tặng quà năm mới cho các cháu: Ông gù Yule Tomten có cái mũi đặc biệt dài và người lùn Yulnissan. Các vị để quà tặng cho bọn trẻ trên các bệ cửa sổ.

Giống như ở Nga, “Ông già Tuyết” của Uzbêkistan Corbobo cùng cô Bạch Tuyết Corgiz trong áo choàng sọc dừa lộng lẫy và mũ chumbêchâyca xinh đẹp. Vào đêm giao thừa, ông cưỡi lừa đi tới từng làng bản để tặng quà cho con em dân nghèo.

Tại đất nước Mông Cổ mênh mông thảo nguyên, ông già Uvlin Uvun cùng cô Bạch Tuyết xinh đẹp Zazan Okhin và chú bé “Người năm mới” Sina Gila – biểu tượng người mục phu, mặc áo lông mềm và đội mũ làm từ lông sóc sặc sỡ.

Cậu bé cầm cây roi dài, đá lửa và tẩu thuốc lá đặc trưng của người du mục cổ không bao giờ sợ du cư xa và sự cô đơn. Hình ảnh chú mục đồng biểu thị sự cầu mong của người dân thu hoạch được mùa sữa, thịt, lông và da vào năm mới.

Tương tự ông già tuyết, ông già Noel ở các nước trên, ở Áo trẻ em chờ đón quà tết từ ông Silvestra, ở vùng Altai – ông Cook Taadaca, ở Hy Lạp và quốc đảo Sip – ông Vaxilia thần thông, ở Tây Ban Nha – ông Papa Noel, ở Trung Quốc – ông Vũ Khánh.

Tiếp theo, trẻ em Hà Lan đón ông Sanderclass, trẻ em Rumania đón ông Mosh Jerile, trẻ em Nhật Bản có ông Odzi San; trẻ em Colombia có Papa Pauscucal v.v…

MỚI - NÓNG