Cô gái 'đánh mất thơ ngây' sau tiếng bom khủng bố

Cảnh sát Bỉ phong tỏa tuyến đường dẫn vào ga tàu điện ngầm Maelbeek. Ảnh: Le Monde
Cảnh sát Bỉ phong tỏa tuyến đường dẫn vào ga tàu điện ngầm Maelbeek. Ảnh: Le Monde
Một nữ sinh viên thực tập khẳng định cô đã đánh mất một tài sản quý giá là sự trong sáng, thơ ngây của tâm hồn khi tận mắt chứng kiến hai vụ khủng bố tại Paris và Brussels.

Cả nước Bỉ và thế giới vừa bàng hoàng chứng kiến hàng loạt vụ đánh bom khủng bố tại thủ đô Brussels khiến ít nhất 34 người chết và hơn 200 người bị thương. Một lần nữa, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), những kẻ gây ra vụ thảm sát Paris hồi tháng 11/2015, đứng ra nhận trách nhiệm về vụ việc.

Bên cạnh thiệt hại về người, những vụ khủng bố này còn để lại hậu quả tâm lý nặng nề, có thể thay đổi tính cách và lối sống của những người tận mắt chứng kiến, đặc biệt là những người trẻ tuổi đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách, theo Le Monde.

"Cậu ổn chứ Adrien? Thế còn Bénédicte", Deborah ngắt điện thoại sau khi biết các bạn học của mình vẫn còn sống, gương mặt hầu như không biểu lộ cảm xúc gì.

Deborah, 24 tuổi, hiện là sinh viên khoa chính trị học tại đại học Lille, Pháp. Cũng như một số bạn bè cùng lớp, cô đang có kỳ thực tập tại một văn phòng của Ủy ban châu Âu chở Brussels. Hàng ngày, Deborah vẫn thường đi qua ga tàu điện ngầm Maelbeek để đến cơ quan. Nhưng hôm 22/3 là một ngày đặc biệt.

"Hôm đó đáng lẽ là một ngày rất vui đối với tôi. Tôi vừa biết tin mình được nhận vào đại học Oxford. Tôi đã mua bánh ga tô đến văn phòng. Vậy mà, đây thật sự là một gáo nước lạnh", Deborah nói.

May mắn không bị thương trong vụ nổ tại ga tàu điện ngầm, Deborah nhanh chóng được cảnh sát di tản vào một phòng chờ cùng hơn 30 người khác. Tất cả đều trong tâm trạng hoảng loạn và sợ hãi. Mọi người đều dán mắt vào màn hình ti vi và điện thoại di động. Tất cả hầu như đều nghĩ đến việc liệu họ có thể trở về nhà an toàn.

Căn phòng có rất nhiều cửa sổ. Deborah nhìn ra bên ngoài, chứng kiến cảnh mọi người kêu gào, chạy vội vã để tìm phương tiện cấp cứu những người bị thương, nhiều thi thể nằm trên sân ga. Một cảm giác quen thuộc ùa về với cô sinh viên trẻ tuổi. Ngày 13/11/2015, Deborah đi thăm bố mẹ cô ở khu căn hộ đối diện nhà hát Bataclan. Cũng qua các cánh cửa sổ, Deborah đã trải qua một buổi tối kinh hoàng khi nhìn thấy những thi thể nằm trên mặt đất, những tên khủng bố lạnh lùng xả súng vào khán giả đang tìm cách bỏ trốn.

"Kể từ đêm định mệnh đó, tôi cảm nhận thấy mình đã có nhiều thay đổi. Dường như tôi đã trở nên vô cảm hơn với những điều mà thường ngày dễ gây cho tôi cảm giác xúc động. Tôi đã cố gắng cân bằng cảm xúc. Phải mất vài tháng tôi mới có thể học cách sống chung với nỗi sợ hãi mà mình đã trải qua. Tôi tưởng như nhà hát đó là ám ảnh cuối cùng của cuộc đời. Nhưng thật không may, sự việc lần này thực sự đã đánh cắp sự ngây thơ của tôi", Deborah kể.

Sau một ngày hầu như không làm được việc gì, buổi tuối, Deborah trở về nhà trong tâm trạng nặng nề. Xung quanh cô chỉ là các nhân viên cảnh sát và các tuyến đường bị phong tỏa. Một khung cảnh ngột ngạt đáng sợ.

"Khi nhìn thấy người đồng nghiệp tăng tốc vì đèn báo dành cho người đi bộ sắp chuyển sang màu đỏ, tôi vô thức chạy theo. Tôi nhìn thấy tất cả mọi người đều chạy và chạy", Deborah tâm sự.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG