Có gì ở nơi hạnh phúc nhất thế giới?

Trong một lớp Yoga ở Kauniainen. (Ảnh: NYT)
Trong một lớp Yoga ở Kauniainen. (Ảnh: NYT)
TPO - Một lần lái xe đến nhà ga thị trấn nhưng không tìm thấy chỗ đỗ, anh Jan Mattlin cảm thấy hơi khó chịu nên đã gọi đến một tờ báo địa phương để gợi ý họ viết một bài nhỏ về tình trạng thiếu chỗ đỗ xe. 

Không ngờ chủ bút tờ báo đó đăng hẳn bài viết lên trang nhất trong số ra ngày hôm sau.

“Ở đây chúng tôi có rất ít vấn đề. Có lẽ họ chẳng còn tin nào khác để đăng trang nhất”, anh Mattlin nhớ lại. Anh đang công tác tại một công ty tư nhân.

Đó là cuộc sống ở Kauniainen, một thị trấn nhỏ nhưng giàu có của Phần Lan và là được mệnh danh là nơi hạnh phúc nhất trên Trái đất. Tháng 4 năm nay, Phần Lan được chọn là nước hạnh phúc nhất thế giới theo bình chọn của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững Liên Hợp quốc, dựa trên kết quả khảo sát ở 156 quốc gia. Kết quả một cuộc khảo sát khác cho thấy 9.600 người dân ở Kauniaine là những người cảm thấy hài lòng nhất với cuộc sống hiện tại của họ. Lãnh đạo thị trấn, ông Christoffer Masar, nói rằng người dân ở đây có cuộc sống hạnh phúc nhất Trái đất.

Có thể một số người không đồng ý với đánh giá này. Trong suy nghĩ của một số người, người Phần Lan khuôn mẫu là những người u sầu, hướng nội và dễ tự tử hơn người dân các nước khác. Tục ngữ của Phần Lan có câu, nếu một người lạ cười với bạn trên đường, nếu họ không phải người nước ngoài thì cũng là người say hoặc người điên.

“Vấn đề của chúng ta là không biết nói gì khi bàn đến hạnh phúc”, GS Frank Martela, người chuyên nghiên cứu về phúc lợi tại ĐH University of Helsinki, nói. Ông Martela lớn lên từ nơi không cách xa Kauniainen. “Chúng ta có thể nghĩ đó là sự mãn nguyện trong cuộc sống, hoặc được vui vẻ mỗi ngày. Khái niệm đó khá là mơ hồ”, báo Mỹ New York Times dẫn lời GS Martela.

Vậy hạnh phúc có thể đo đếm được không? Nếu được, người Phần Lan có thực sự sống vui vẻ?

Để trả lời câu hỏi này, người ngoài nên đi một chuyến đến Kauniainen. Những yếu tố làm nên hạnh phúc của thị trấn này không hiển hiện ngay khi bước chân đến.

Có gì ở nơi hạnh phúc nhất thế giới? ảnh 1

Kauniainen là nơi hạnh phúc nhất trên Trái đất, nhưng chỗ đỗ xe ở nhà ga này là quyền ưu tiên. (Ảnh: NYT)

Thích học gì cũng được

Nằm ở ngoại ô thủ đô Helsinki, thị trấn Kauniainen khá đẹp, nhưng không đến mức kinh ngạc. Ở đó có những ngôi nhà lớn liền kề nhau, nằm rải rác trên cánh rừng thông thưa thớt, bao quanh quảng trường trung tâm thị trấn trông không nổi bật. Vào mùa đông, người dân ở đây đến tận 9h sáng mới thấy trời sáng, và 3h30 chiều đã thấy ánh nắng yếu ớt.

Nếu hỏi người dân ở đây rằng họ có thấy hạnh phúc không, câu trả lời nhận được sẽ rất chừng mực, không phấn khích.

“Hạnh phúc là gì?” ông Masar, Thị trưởng Kauniainen, hỏi vui trong bữa trưa với phóng viên báo Mỹ New York Times hồi tháng 11.

Tại Moms, quán bar duy nhất ở Kauniainen mở cửa vào ban đêm, vài cầu thủ bóng đá cười gượng nhưng tâm trạng có vẻ không vui sau một trận bóng thua trong ngày. “Khi thua, chúng tôi chỉ có thể vui sau khi uống cốc bia thứ hai”, anh Antti Raunemaa, quản lý ở một công ty xây dựng, nói.

Nhân viên quán bar gợi ý một nơi khác để tìm thêm nụ cười. “Có thể đến quán McDonald ở Espoo?" cô Jenny Lindholm vừa nói vừa hướng mắt về thị trấn bên cạnh. Đó có vẻ không phải câu trả lời mà một người đi tìm hạnh phúc nơi đây muốn nghe.

Trung tâm giáo dục người trưởng thành của Kauniainen, một tòa nhà cao tầng ở rìa thị trấn, có vẻ không phải gợi ý hay. Nhưng chính nơi đó lại có nhiều người tìm thấy niềm vui hơn là ở quán bar.

Ở tầng hầm, người ta đang dệt thảm trên những chiếc khung lớn và làm đồ gốm. Ở tầng 1, dàn hợp xướng đang tập hát. Ở những tầng trên, những người khác đang chép tranh hoặc tập yoga.

Được cấp kinh phí từ cả chính phủ và thị trấn, trung tâm mở các lớp buổi tối với học phí rất rẻ cho người dân tham gia “gần như tất cả mọi thứ mà họ quan tâm”, ông Roger Renman, giám đốc trung tâm, cho biết.

Khoảng 15% người dân thị trấn này đã đăng ký đến học ở trung tâm ít nhất một lần. Họ phải trả chưa đến 1 đô la cho mỗi giờ phụ đạo. Trên khắp Phần Lan có nhiều trung tâm như vậy, nhưng trung tâm ở Kauniainen hoạt động nhộn nhịp hơn cả, nhất là với quy mô dân số nhỏ như vậy của thị trấn.

Mô hình dịch vụ này giúp người dân cảm thấy vui vẻ hơn cả, bà Seija Soini, một doanh nhân nghỉ hưu đang học lớp vẽ ở trung tâm, cho biết.

“Lý do chính là người dân có việc để làm – những việc như thế này giống như trị liệu tâm lý”, bà Soini nói và chỉ vào bức chân dung cháu gái bà đang vẽ dở.

Trung tâm giáo dục này chỉ là một trong hàng loạt những dịch vụ công mà người dân ở đây được hưởng. Thị trấn nhỏ bé này có hơn 100 câu lạc bộ thể thao văn hóa, đều hoạt động bằng ngân sách địa phương. Đó là những câu lạc bộ dành cho người thiểu số nói tiếng Thụy Điển, câu lạc bộ cho người Phần Lan, câu lạc bộ trượt tuyết, trường nhạc cho trẻ em, trường nghệ thuật cho trẻ em, sân vận động thể thao, hay thậm chí các cầu thang xây ngoài trời để người dân tập thể dục. Cách đây khá lâu, khi người dân tranh luận nên làm sân khúc côn cầu hay sân bóng ném, chính quyền địa phương giải quyết bằng cách xây cả hai.

Thứ thiếu rõ ràng nhất ở đây là đồn cảnh sát. Với tỷ lệ tội phạm cực thấp, người dân ở đây không cần nó.

Tất cả những điều này tạo nên một hệ thống chăm sóc y tế công cộng vừa rẻ vừa tốt, hệ thống giáo dục đại học miễn phí và dịch vụ chăm sóc trẻ em giá rẻ. Trong các trường học, trẻ em ít khi phải làm bài kiểm tra, còn giáo viên ít khi phải giám sát, nhưng chất lượng giáo dục vẫn thuộc hàng tốt nhất thế giới.

Bà Leena-Maija Niemi, hiệu trưởng một trường trung học ở thị trấn, cho biết chính học sinh của trường giúp thiết kế các lớp học và sân chơi trong trường, từ đó khiến bọn trẻ có cảm giác gắn bó hơn với nơi chúng học tập mỗi ngày.

Không bất mãn vì thuế cao

Để chi trả tất cả những thứ này, người dân Phần Lan phải đóng thuế cao hơn người Mỹ. Một người Phần Lan kiếm được 45.000 USD sẽ phải đóng khoản thuế cao gấp đôi mức thuế ở một số bang của Mỹ.

Nhưng người dân Phần Lan nói rằng điều này là hợp lý: một xã hội có tỷ lệ bất bình đẳng thấp, cơ hội cao và cảm giác đoàn kết hơn. “Đối với tôi, hạnh phúc là sự hài lòng và những khả năng bạn có được trong cuộc sống”, ông Finn Berg, cựu lãnh đạo hội đồng thị trấn, nói.

Dù tỷ lệ dân thu nhập thấp ở Kauniainen cũng tương đương tỷ lệ của cả nước nhưng tỷ lệ người thu nhập cao ở đây cao gần gấp đôi mức trung bình toàn quốc, ông Masar cho biết.

Vì chính quyền Kauniainen đánh thuế thấp hơn một chút so với những địa phương khác trên cả nước nên thị trấn này trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với người thu nhập cao. Điều này có lợi cho tất cả mọi người.

Nếu xét theo cá nhân, người giàu ở Kauniainen phải đóng ít thuế hơn. Nhưng tính chung thì họ mang lại nguồn thu thuế lớn hơn, giúp chính quyền thị trấn chi trả với mức cao gấp 4 lần bình thường cho các hoạt động văn hóa, gấp 3 lần cho các hoạt động thể thao, và gấp đôi cho công tác chăm sóc trẻ em, so với mức trung bình của những địa phương khác.

Những điều đó tạo nên sự hài lòng của người dân. “Tôi đã nghĩ xem hạnh phúc là gì, và theo tôi hạnh phúc là sự hài lòng với cuộc sống, là không phải chịu khổ sở”, ông Berg, cựu lãnh đạo thị trấn, nói.

Theo Theo NYT
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.