Cơ hội cho các cường quốc châu Á xây dựng lòng tin

TP - Các nhà ngoại giao đang nỗ lực thu xếp để bảo đảm lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tháng sau nhằm vượt qua những trở ngại lớn trong quan hệ giữa 3 nước.

Khi các lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp nhau tại Hàng Châu, Trung Quốc vào đầu tháng 9, các nhà phân tích chính trị, chuyên gia kinh tế và cây viết bình luận sẽ không bỏ qua động thái nào trong những cuộc họp, thảo luận và hội nghị diễn ra trong 2 ngày, đặc biệt là giữa 3 nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. “Nếu lãnh đạo các nước đó không thể gặp nhau hoặc các cuộc gặp song phương giữa họ ở Hàng Châu không thuận lợi, tôi e rằng quan hệ 3 bên sẽ không có tương lai sáng sủa”, ông Wang Sheng, chuyên gia về Đông Bắc Á tại ĐH Cát Lâm (Trung Quốc), nhận định.

Hy vọng đạt được đột phá giữa 3 cường quốc châu Á xuất phát từ cuộc họp giữa 3 ngoại trưởng tại Tokyo tuần trước. Cả 3 ngoại trưởng đều lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, cùng tái bảo đảm về tầm quan trọng của hợp tác vì hòa bình khu vực và cam kết thúc đẩy đàm phán về thỏa thuận tự do thương mại 3 bên.

Dù 3 nước này tuyên bố, họ đang nỗ lực để lãnh đạo của họ gặp nhau bên lề Hội nghị G20, nhưng giới quan sát vẫn không khỏi nghi ngờ. Trở ngại trong quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản là vấn đề biển Hoa Đông. Đây cũng là vấn đề trung tâm trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Trong tháng này, hàng trăm tàu cá và hơn chục tàu hải cảnh Trung Quốc tiến vào khai thác trong vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, gây ra phản ứng kịch liệt từ Tokyo.

Thứ Tư vừa qua, ông Kishida nói với ông Vương rằng, Trung Quốc phải ngừng “xâm nhập” như vậy nếu muốn cải thiện quan hệ. Còn ông Vương lại hạ thấp tầm quan trọng của vấn đề khi nói rằng, đó chỉ là hoạt động khai thác hải sản bình thường nhưng bị báo chí “thổi phồng”. Dẫu vậy, vẫn có một số dấu hiệu tích cực khi hai bên đồng ý triển khai càng sớm càng tốt cơ chế ngăn chặn va chạm trên biển và trên không, và khởi động tham vấn ở cấp cao về các vấn đề trên biển.

GS Su Hao ở ĐH Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, những hành động quyết liệt hơn của Trung Quốc cho thấy sự chuyển đổi quyền lực trên biển Hoa Đông - nơi Nhật Bản không còn là nước thống trị. “Nhưng cả hai đều hiểu rằng, không ai có thể hứng chịu hậu quả nếu căng thẳng leo thang thành đối đầu trực tiếp hay xung đột giữa hải quân hai nước, hay một cuộc chiến tranh, nên cuối cùng họ sẽ tìm cách quản lý va chạm”, ông Su nói.

Ngoài ra, cũng có dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang chủ động tìm kiếm các cuộc đối thoại cấp cao với Trung Quốc. Ngoài cuộc gặp của các ngoại trưởng vào tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cử một đại diện khác đến Bắc Kinh để thu xếp một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp Hội nghị G20. Thủ tướng Abe cũng cho biết, ông mong muốn một cuộc gặp 3 bên tại Nhật Bản.

Cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực

Tuy nhiên, ngoài những dấu hiệu tích cực đó, giới phân tích cho rằng, Nhật Bản vẫn coi Trung Quốc là bên thách thức và đối thủ cạnh tranh vị trí lãnh đạo và tầm ảnh hưởng ở Đông Á, trong khi Trung Quốc coi những nỗ lực của ông Abe là nhằm “bình thường hóa” những thay đổi trong chính sách quân sự của mình. Sự cạnh tranh đó không chỉ diễn ra trên biển Hoa Đông mà trong cả các tranh chấp trên biển Đông, dù Nhật Bản không phải một bên liên quan.

Ngoài ra, còn có cạnh tranh kinh tế. Mọi người thường nghĩ rằng, quan hệ Nhật - Trung “lạnh nhạt về chính trị nhưng nồng ấm về kinh tế”, nhưng có những dấu hiệu cho thấy quan hệ kinh tế hai nước đang nguội đi. Từ khi tranh chấp đối với Senkaku/Điếu Ngư nóng lên từ năm 2012, thương mại hai chiều suy giảm trong 4 năm liên tục, trong khi đầu tư trực tiếp của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm 3 năm liên tiếp.

PGS Li Mingjiang ở Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc ĐH Nanyang (Singapore), cho rằng, hợp tác thương mại, văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai nước không suy giảm nhiều, nhưng khó hy vọng tăng lên. “Gần như không thể bàn bạc hay triển khai bất kỳ sáng kiến hay kế hoạch mới nào giữa Trung Quốc và Nhật Bản”, ông Li nói.

Trong khi đó, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Hàn Quốc phát triển tốt những năm gần đây. Bắc Kinh và Seoul ký thỏa thuận thương mại tự do song phương hồi năm ngoái, sau một thập kỷ tăng trưởng thương mại mỗi năm đạt trung bình 25%. Tuy nhiên, bất đồng lớn nhất giữa hai nước gần đây là việc Seoul đồng ý cho Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến nước này và Trung Quốc coi đây là mối đe dọa đối với an ninh chiến lược của họ. Là nước đồng minh duy nhất của Triều Tiên, Trung Quốc cũng có quan điểm khác Hàn Quốc về thời gian và lộ trình thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Trước những bất đồng lớn như vậy, giới phân tích vẫn hy vọng lãnh đạo ba nước có thể đạt bước đột phá nào đó bên lề hội nghị sắp tới. “Trung Quốc đã phản ứng kiềm chế vì họ vẫn hy vọng vào Tổng thống Park Geun-hye. Và Hội nghị G20 là cơ hội quý giá để ông Tập và bà Park thảo luận (về THAAD)”, ông Wang Sheng nói. “Nếu Hàn Quốc không nhượng bộ về vấn đề THAAD, quan hệ hai nước sẽ rơi vào bẫy cùng thua rất nguy hiểm”, ông Wang nhận định.

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.