Cơ hội để Việt Nam kể câu chuyện thành công

Hà Nội - thành phố trải qua chiến tranh, nay là cầu nối cho hòa bình. ảnh: Hồng Vĩnh
Hà Nội - thành phố trải qua chiến tranh, nay là cầu nối cho hòa bình. ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Nguyễn Thắng nhớ cái đêm vào năm 1972, khi ông 14 tuổi, chiếc máy bay ném bom B-52 của Mỹ bị bắn rơi xuống nơi rất gần nhà ông. Vụ cháy nóng đến mức cá trong hồ Hữu Tiệp chết hết.

Đang ngồi uống cà phê gần hồ nơi xác chiếc máy bay chìm một nửa vẫn được giữ lại đó như một đài tưởng niệm, ông Thắng nói rằng chiến tranh chống Mỹ giờ đã là ký ức xa xôi. Người Hà Nội những ngày này đang háo hức chờ đón một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử thành phố: cuộc gặp thượng đỉnh về hạt nhân giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Sự kiện dù chỉ diễn ra trong vài ngày nhưng sẽ đưa Việt Nam và câu chuyện cất cánh kinh tế của đất nước trở thành trung tâm của các vấn đề thế giới, báo Financial Times (Anh) viết.

Theo tạp chí này, đối với một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh và số phận được quyết định ở những nơi xa khác, hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là dịp để trưng bày những thành tựu cải cách kinh tế và vẻ thanh lịch của thủ đô vẫn còn giữ nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn của quá khứ.

Việt Nam đã hàn gắn và phát triển quan hệ với Mỹ, cải cách nền kinh tế và vươn lên thành một trong những quốc gia thương mại hàng đầu ở Đông Nam Á và trở thành nam châm hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Một số người cho rằng sự thành công của Việt Nam có thể trở thành bài học tham khảo cho Triều Tiên trong tương lai nếu Bình Nhưỡng đạt được thoả thuận có ý nghĩa với Mỹ trong hội nghị lần này.

Hà Nội, điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài, cũng đang trở thành nơi tổ chức nhiều sự kiện quốc tế thành công. Thành phố đón Diễn đàn kinh tế thế giới vào năm ngoái, và đến năm 2020 sẽ tổ chức giải đua Công thức 1 đầu tiên.

“Tôi nghĩ hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam kể câu chuyện thành công của mình với thế giới, nhờ đó thu hút thêm các nhà đầu tư và khách du lịch”, Financial Times dẫn lời TS Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện Iseas-Yusof Ishak ở Singapore. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo năm ngoái nêu tên Việt Nam như một hình mẫu cho “tương lai tươi sáng hơn” của Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và cải thiện quan hệ với Mỹ. Kinh tế Việt Nam tăng 7% năm 2018, và thu hút 19 tỷ USD đầu tư nước ngoài, trong khi đang hoàn tất đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do với EU.

Đối với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Việt Nam là một lựa chọn hợp lý. Ông Kim dự kiến đến Việt Nam trong ngày 25/2, hai ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh.

Trong tuần qua, các công nhân của Hà Nội tất bật trồng hoa và treo cờ Việt Nam, Triều Tiên và Mỹ. Những người kinh doanh nhanh chóng chớp thời cơ bằng việc bán những chiếc áo phông in hình ông Trump, ông Kim với thông điệp hoà bình hay hình ảnh Tổng thống Mỹ đội chiếc nón lá truyền thống của người Việt.

Nhiều người Hà Nội rất hào hứng. “Nhiều người không hiểu tại sao họ chọn Hà Nội. Mọi người đơn giản là thấy tự hào vì Việt Nam đón cuộc gặp lớn như vậy”, Financial Times dẫn lời Nguyễn Minh Hà, sinh viên 21 tuổi.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.