Cơ hội từ 'đại nhạc hội' ngoại giao

Ngày 23/5/2016, tại Trụ sở Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng.
Ngày 23/5/2016, tại Trụ sở Trung ương Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng.
TP - Vì Việt Nam là chủ nhà APEC 2017, nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình… có lý do để đến Việt Nam, gặp nhau tại Ðà Nẵng. Ði kèm sự kiện đối ngoại lớn nhất năm 2017 là nhiều hoạt động song phương có thể dẫn đến những kết quả thiết thực cho Việt Nam về nhiều mặt.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho Tiền Phong nhân dịp Tết Ðinh Dậu, Thứ trưởng Ngoại giao Ðặng Ðình Quý nhận định lạc quan về những cơ hội sẽ đến với Việt Nam, dù tình hình thế giới năm 2017 có những yếu tố khó xác định, khó đoán hơn năm trước.

Giữ gìn phên giậu

Thứ trưởng Ngoại giao Ðặng Ðình Quý cho biết, trong các ưu tiên đối ngoại của Việt Nam, các nước phên giậu láng giềng quan trọng số một. Năm qua, đối ngoại đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn phên giậu cho đất nước.

Với Lào, Việt Nam thúc đẩy hợp tác mọi mặt, về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường giao lưu Ðảng, Nhà nước, nhân dân, giao lưu giữa các địa phương... Vấn đề biên giới với Lào có tiến triển, như hoàn thành việc tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới, ký Nghị định thư về đường biên giới và mốc giới và Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và vùng biên giới.

Với Campuchia, chúng ta vẫn phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương. Quan trọng nhất, hai bên đã hoàn thành 83% nhiệm vụ phân giới và cắm mốc trên bộ. Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia đưa ra nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen vừa qua khẳng định quyết tâm của cả hai bên tiếp tục nỗ lực hoàn thành hồ sơ pháp lý cho hơn 83% đường biên giới đã được phân định, cắm mốc giới.

Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy quan hệ theo các phương châm, nguyên tắc đã được lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí. Hai bên có những khác biệt, như trong vấn đề trên biển Ðông, nhưng không xảy ra vấn đề gì lớn khiến quan hệ trở nên căng thẳng. Hai bên đã tiến hành đàm phán vòng 8 và 9 về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển; thúc đẩy trao đổi phân định và hợp tác cùng phát triển ở ngoài cửa vịnh Bắc Bộ…

Các nước lớn quan tâm Việt Nam

Trong số các nước lớn, Nhật Bản vẫn là đối tác rất đặc biệt với Việt Nam nhờ độ tin cậy chính trị cao. Năm qua, dù kinh tế không khả quan lắm nhưng Nhật Bản vẫn cam kết dành cho Việt Nam 2,5 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), ưu tiên Việt Nam trong các sáng kiến tiểu vùng mà Nhật Bản đưa ra, như Sáng kiến phát triển hạ tầng chất lượng cao ở châu Á.

Với Mỹ, nổi bật nhất trong năm 2016 là chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama sang Việt Nam, để lại ấn tượng rất tốt đẹp giữa hai cựu thù nay trở thành hai đối tác toàn diện, phát triển quan hệ trên tất cả các lĩnh vực. Nhân chuyến thăm này, Mỹ quyết định bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, cam kết ủng hộ nỗ lực tăng cường hợp tác kinh tế, khoa học, giáo dục, kỹ thuật, thúc đẩy nỗ lực giải quyết hậu quả chiến tranh.

Các lãnh đạo Việt Nam đi đến nước nào cũng có nhiều người muốn gặp. Số lượng lãnh đạo các nước muốn đến thăm Việt Nam, muốn tăng cường quan hệ với nước ta ngày càng tăng. Ðã có hàng chục đoàn lãnh đạo cấp cao các nước có kế hoạch thăm Việt Nam trong năm 2017. Thứ trưởng Ðặng Ðình Quý cho rằng, đó là một thước đo cho thấy vị thế của Việt Nam đang lên.

Quan hệ với nhiều quốc gia khác như Nga, Ấn Ðộ, Hàn Quốc, Úc, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU)… trong năm 2016 cũng có nhiều tiến triển tích cực. Dù EU vẫn gặp khó khăn vì Anh quyết định rời khối (Brexit) và khủng hoảng di cư nhưng sự quan tâm của họ với Việt Nam không giảm. Một mặt do lợi ích của EU đối với Việt Nam ngày càng tăng; mặt khác do chính sách và nỗ lực ngoại giao của Việt Nam, Thứ trưởng Ðặng Ðình Quý nói.

Về ngoại giao đa phương, Việt Nam năm qua tiếp tục triển khai chủ trương chuyển từ tham dự sang chủ động xây dựng luật chơi chung và định hình các kiến trúc mới trong khu vực, nhất là tại các diễn đàn APEC, ASEAN... Việt Nam đang chuẩn bị tham gia sâu hơn nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong những năm tới.

Cơ hội từ 'đại nhạc hội' ngoại giao ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ðặng Ðình Quý. Ảnh: Như Ý.

Ðường mòn đi mãi thành đại lộ

Thứ trưởng Ðặng Ðình Quý cho biết, một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất đối với ông trong năm 2016 liên quan Hội nghị cấp cao CLMV (Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam). Nhiều cán bộ ngoại giao, phóng viên báo chí khi nghe đến cơ chế này có tâm lý không coi trọng, thậm chí có người đề nghị đổi tên. Ông Quý cho biết, người khiến ông và các cán bộ khác phải suy nghĩ lại chính là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng nói rằng, CLMV khác những cơ chế hợp tác khác. APEC và ASEAN quy mô lớn thật, nhưng CLMV và AMECS (Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong) là cơ chế hợp tác giữa những người anh em sát sườn với mình, nên đừng nhìn vào số lượng dự án, hiệu quả về kinh tế đơn thuần, mà phải nghĩ đến câu chuyện lớn hơn là an ninh, là quan hệ láng giềng môi hở răng lạnh về trước mắt và lâu dài. “Ðường mòn đi mãi sẽ thành đại lộ, tại sao không tiếp tục đi để thành đại lộ mà phải đổi? Từ việc thay đổi tư duy, trong khoảng 2 tuần, chúng tôi phải thay đổi rất nhiều thứ để hội nghị trở nên thực chất hơn, gây ấn tượng với các đại biểu để khi đến Việt Nam, họ cảm thấy thân tình như thể những người anh em về với nhau”, ông Quý chia sẻ.

Cần chủ động, tích cực và sáng tạo hơn

Thứ trưởng Ðặng Ðình Quý nói rằng, tình hình thế giới năm 2017 có những yếu tố khó xác định, khó đoán hơn năm trước, nhất là động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Nhiều nước trong ASEAN đang điều chỉnh chính sách, có chiều hướng hướng nội nhiều hơn, điều chỉnh quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, tạo ra tình thế khiến Việt Nam phải chủ động, tích cực và sáng tạo hơn. Thách thức và cơ hội luôn luôn đi liền với nhau.  Không có gì phải lo ngại vì chúng ta đã nhiều lần biến nguy thành  an, biến thách thức thành cơ hội.

Vì sao các tập đoàn nước ngoài đầu tư ngày càng nhiều vào Việt Nam, dù có một số công ty rút nhưng tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng? Tại sao các nước như Nhật Bản vẫn cho Việt Nam vay ODA? Vì họ đánh giá tương lai của Việt Nam, đặc biệt trong trung và dài hạn, vẫn tốt. “Ðó chính là nhân tố quan trọng nhất tạo nên vị thế của Việt Nam. Trong ấm thì ngoài êm”, ông Quý nói.

Thứ trưởng Ðặng Ðình Quý cho biết, Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương vận động lãnh đạo các nước thăm Việt Nam vào dịp APEC 2017, nắm bắt cơ hội đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại song phương. “Mục tiêu cuối cùng mà các hoạt động đối ngoại phải hướng tới là chuyện thị trường, là FDI, là ODA, là du lịch, là giúp Việt Nam có thế mạnh hơn trong việc bảo vệ những lợi ích liên quan đến an ninh, chủ quyền của mình”, ông Quý nói. 

Tín hiệu tốt từ ông Trump

Trong cuộc điện đàm gần đây với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói rằng, ông vui mừng sớm gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở bất kỳ nơi nào, Thứ trưởng Ðặng Ðình Quý cho biết. Cuộc điện đàm diễn ra vui vẻ và tích cực.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.