Có thể đưa tranh chấp biển Đông ra Hội đồng Bảo an LHQ

Trung Quốc đã xây dựng trái phép nhiều cơ sở dân sự và quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Getty Images
Trung Quốc đã xây dựng trái phép nhiều cơ sở dân sự và quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Getty Images
TP - Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc (LHQ) vừa cho biết, Hội đồng Bảo an LHQ có thể thảo luận về tranh chấp trên biển Đông nếu nhận được yêu cầu. Còn Trung Quốc tuyên bố sắp tập trận ở khu vực Hoàng Sa, trước khi Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết.

Reuters dẫn thông báo đăng trên trang web của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc nói rằng, đợt tập trận sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 11/7, đồng thời đưa ra tọa độ khu vực diễn tập, bao trùm vùng biển phía đông đảo Hải Nam xuống quần đảo Hoàng Sa.

Các tàu sẽ bị cấm đi vào khu vực này trong thời gian đó, thông báo viết. Bắc Kinh đã cho xây dựng trái phép một đường băng trên đảo Phú Lâm - nơi lực lượng Trung Quốc hiện diện đông nhất trong số các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, và cũng đã đưa các tên lửa đất đối không ra Phú Lâm.

Căng thẳng vì tranh chấp trên biển Đông dường như càng tăng nhiệt sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) thông báo, ngày 12/7 sẽ đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Trong khi đó, Đại sứ Nhật Bản tại LHQ Koro Bessho vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những tranh cãi chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước khác, và nói rằng Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) sẽ tiếp nhận vấn đề này nếu được yêu cầu.

“Nhật Bản quan ngại sâu sắc trước tình hình” liên quan khu vực rộng lớn này, ông Bessho nói trong cuộc họp báo hôm 2/7 - ngày Nhật Bản bắt đầu đảm trách vị trí chủ tịch Hội đồng gồm 17 thành viên trong tháng 7. Ông Bessho nói rằng, HĐBA sẽ đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự nếu nhận được đề xuất từ các thành viên của Hội đồng hoặc từ các thành viên khác thuộc LHQ.

Đưa ra Hội đồng Bảo an để tăng áp lực

Nhiều chuyên gia tin rằng, PCA do LHQ hậu thuẫn sẽ đưa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc. Những hoạt động bồi đắp, cải tạo quy mô lớn mà Trung Quốc triển khai trái phép trên biển Đông đã gây quan ngại rộng khắp. Mỹ và các đồng minh khu vực, bao gồm Nhật Bản và Úc, cùng một số đồng minh ở châu Âu coi những hành động của Trung Quốc trên biển Đông là đi ngược lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Quyền lực của PCA không mạnh bằng Tòa án Công lý Quốc tế. Nhưng phớt lờ phán quyết của PCA cũng bị coi là coi thường luật pháp quốc tế. Vì thế, các thành viên của HĐBA có thể đề nghị Hội đồng thỏa luận và đưa ra nghị quyết về vấn đề này.

HĐBA có thể hiểu việc bác bỏ phán quyết của PCA là việc gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) và nhiều thập kỷ thương lượng ngoại giao để đi đến công ước này. HĐBA có thể coi vấn đề biển Đông gây ra chia rẽ quốc tế, và do đó giải quyết vấn đề này là nhiệm vụ của HĐBA. Trung Quốc là ủy viên thường trực HĐBA nên sẽ tìm cách ngăn cản Hội đồng thảo luận vấn đề này, nhưng vẫn còn quan điểm của các thành viên khác.

Ít nhất hai thành viên thường trực của HĐBA là Mỹ và Anh đã có quan điểm mạnh mẽ về vấn đề biển Đông. Dù Mỹ không phê chuẩn UNCLOS, Tổng thống Barack Obama đã nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ tôn trọng phán quyết của PCA. Thủ tướng Anh David Cameron gần đây cũng bày tỏ hy vọng Trung Quốc tuân thủ kết quả vụ kiện. 

Liên minh châu Âu cũng đã kêu gọi giải quyết tranh chấp trên biển Đông thông qua luật quốc tế. Một số thành viên không thường trực của HĐBA có thể sẵn lòng thúc đẩy một cuộc thảo luận tại HĐBA về tranh chấp. Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy một trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ trong vấn đề biển Đông. 

Malaysia là quốc gia liên quan tranh chấp và có vẻ ngày càng bận tâm về tình tình, nhưng có lẽ sẽ không đưa ra quan điểm mạnh mẽ vì không muốn công khai đối đầu Trung Quốc, giới quan sát nhận định.

Năm 1986, Tòa án Công lý Quốc tế tuyên bố chính sách Nicaragua của Mỹ vi phạm luật quốc tế và yêu cầu Mỹ ngừng ủng hộ lực lượng bán quân sự và các hoạt động quân sự tại Nicaragua. HĐBA đã soạn thảo một nghị quyết kêu gọi Mỹ tuân thủ.

 Dù Mỹ sau đó sử dụng quyền phủ quyết của mình, nhưng tiến trình này đã khiến cả thế giới phải chú ý vào những chính sách gây hoài nghi của Mỹ tại khu vực Nam Mỹ, theo Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Úc).

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.