Cơn khát cát khó chữa

TP - Quốc gia xuất khẩu cát lớn thứ bảy thế giới Campuchia vừa bố cáo cấm vĩnh viễn bán cát ra nước ngoài song hoá ra mới chỉ áp dụng cho một số loại cát và chỉ ở một địa phương.

Khi Indonesia dừng bán cát cho Singapore từ năm 2007, nước nhập cát nhiều nhất thế giới và mở rộng thêm 20% lãnh thổ suốt 40 năm qua, vì thấm thía cái giá phải trả thì Campuchia nhập cuộc. Koh Kong, một tỉnh ven biển tây nam từng không ai ở sau khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt sụp đổ năm 1979, trở thành một trong những điểm khai thác cát nóng nhất với sự tham gia của nước ngoài trong đó có cả Trung Quốc.

Kiếm được 740 triệu USD nhờ bán 72 triệu tấn cát cho Singapore từ 2007 đến nay khiến dừng xuất cát trên toàn cõi Campuchia gần như không tưởng. Chỉ khi Koh Kong lâm nguy bởi nạn tham nhũng từ cát, rồi vườn quốc gia Botum Sakor lớn nhất nước bị đe doạ, các rừng đước ngập mặn biến dần, và đất lở khắp nơi, trung ương mới quyết.

Có điều, lệnh cấm xuất cát vĩnh viễn không phải trên toàn bộ 25 tỉnh thành. Đã thế, cũng chỉ chế tài với cát xây dựng và bùn cát ở tỉnh Koh Kong ấy, chứ các loại khác như cát silica để làm kính chẳng hạn không hề hấn gì. Hơn nữa, chỉ cấm xuất chứ đâu cấm khai thác. Ai dám chắc chúng không được xuất lậu ở một quốc gia có chỉ số nhận thức tham nhũng 156/182 năm 2014 theo Tổ chức Minh bạch Thế giới? Campuchia công bố xuất 16 triệu tấn cát sang Sing suốt 10 năm qua trong khi Liên Hợp Quốc nêu thống kê lớn gấp hơn năm lần số ấy.

Mức tiêu thụ cát ước tính dè dặt 40 tỷ tấn/năm hiện nay được cho là nhiều gấp đôi sản lượng cát do tất cả các sông trên thế giới chuyển tải hằng năm, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP). Riêng lượng cát sỏi làm bê-tông năm 2012, đủ xây một bức tường cao 27m rộng 27m quanh đường xích đạo trái đất.

Vậy mà, giám sát khai thác cát sỏi hầu như không được quan tâm mãi đến gần đây. Tháng 3/2014, UNEP phát cảnh báo toàn cầu. “Chiến tranh cát” (Sand Wars) của đạo diễn Pháp Denis Delestrac, phim tài liệu hay nhất năm 2013 và đoạt giải Gold Panda, gây sửng sốt về các thảm hoạ do khai thác cát quá mức, nhất là ở châu Á.

Từ “sửng sốt” đến “hành động” không dễ. Đâu cứ đất nước Angkor, ngay như Malaysia từng thôi xuất cát từ 1997 nay lại đứng thứ 18 thế giới, kiếm 15 triệu USD năm 2015. Tuy thế, vẫn có quyền hy vọng cái thiện sẽ được nhen dần từ một hành động “cấm vĩnh viễn” nhỏ nhoi kia.

MỚI - NÓNG