Còn nhiều tranh cãi về sự thật vụ bắn tên lửa

Còn nhiều tranh cãi về sự thật vụ bắn tên lửa
TP - Việc CHDCND Triều Tiên hôm 5/7 bắn thử liên tiếp 7 quả tên lửa có các tầm bắn khác nhau đang là chủ đề nóng được bàn luận trên thế giới hai ngày qua.

Tối 6/7, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã có các cuộc trao đổi qua điện thoại xuyên lục địa với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đề nghị phối hợp hành động để có biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên vì vụ thử tên lửa.

Ông Hồ Cẩm Đào đáp lại rằng cách tốt nhất để đảm bảo cho bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân là sớm nối lại cuộc đàm phán 6 bên bị gián đoạn từ tháng 11 năm ngoái. 

Chủ tịch Trung Quốc khuyên Tổng thống Bush hãy kiềm chế đồng thời cho biết Bắc Kinh vẫn tiếp tục cam kết duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho biết Bắc Kinh chống lại mọi hành động làm cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng. Thất vọng, Tổng thống George W. Bush liền quay số để nói chuyện điện thoại với Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi về cùng chủ đề.

Khác với cuộc điện thoại trước, trong cuộc điện đàm kéo dài 10 phút, hai ông Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản đạt được thỏa thuận rất quan trọng. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ phối hợp hành động chặt chẽ để bản dự thảo nghị quyết do Nhật Bản soạn thảo về  biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng lần này được thông qua tại Hội đồng Bảo an.

Cả ông Bush và Koizumi đều tái khẳng định rằng Nhật Bản và Mỹ sẽ đưa một thông điệp rõ ràng đối với thế giới rằng hai nước này sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước các cuộc thử tên lửa cũng như chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Tại Liên Hợp Quốc, Nhật Bản đã trình ra Hội đồng Bảo an một bản dự thảo nghị quyết nếu được thông qua sẽ cấm CHDCND Triều Tiên trong việc chuyển giao tài chính, hàng hóa và công nghệ có thể giúp nước này phát triển tên lửa và vũ khí giết người hàng loạt.

Hội đồng Bảo an có 15 thành viên thì 13 nước thành viên ủng hộ bản dự thảo của Nhật Bản, riêng Liên bang Nga và Trung Quốc -  hai thành viên có quyền phủ quyết - phản đối.

Bắc Kinh và Matxcơva chỉ ủng hộ việc Hội đồng Bảo an ra một tuyên bố không ràng buộc của Chủ tịch để bày tỏ sự lo ngại sâu sắc cùng lời lẽ mạnh mẽ phản đối việc Bình Nhưỡng thử tên lửa, thay vì áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Nga cho rằng việc Bình Nhưỡng bắn tên lửa sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G-8 sắp họp ở Nga trong vài ngày tới chứ không nên đẩy CHDCND Triều Tiên vào đường cùng.

Cùng có lập trường tương tự Trung Quốc, LB Nga một mặt bày tỏ lo ngại sâu sắc đối với việc bắn tên lửa lần này của CHDCND Triều Tiên, mặt khác phản đối việc Nhật Bản, Mỹ, Anh… đòi áp dụng những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Bình Nhưỡng.

Lập trường của Trung Quốc và Nga cho thấy các cường quốc không thống nhất được cách ứng xử đối với CHDCND Triều Tiên sau cuộc thử tên lửa vừa qua. Có lẽ vì điều này mà hai ngày đã trôi qua kể từ khi Bình Nhưỡng bắn tên lửa, Hội đồng Bảo an chưa tổ chức được cuộc bỏ phiếu về bản dự thảo nghị quyết do Nhật Bản đệ trình.

Tranh cãi về sự thật vụ bắn tên lửa

Hai ngày sau vụ bắn tên lửa gây tranh cãi nói trên, các chuyên gia quân sự quốc tế có nhiều đánh giá khác nhau về kết quả cuộc bắn thử 7 quả tên lửa hôm 5/7 vừa qua của CHDCND Triều Tiên.

Các nhà quân sự Mỹ, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc đều dễ dàng thống nhất rằng 6 quả tên lửa tầm trung và tầm ngắn được Bình Nhưỡng bắn lên vừa qua không có gì đáng quan tâm vì đó là sản phẩm của công nghệ cũ như tên lửa Scud của Liên Xô.

Vấn đề còn chưa ngã ngũ ở đây liên quan đến quả tên lửa Taepodong-2 được bắn lên khoảng lúc 5 giờ sáng, bay được 40 giây thì rơi xuống biển Nhật Bản (người Hàn Quốc gọi là biển Đông), cách tỉnh Niigata của Nhật Bản 500 km.

Do thời gian quả tên lửa Taepodong-2 này bay quá ngắn trong không gian nên các vệ tinh gián điệp không chụp được hình ảnh rõ nét giúp cho việc phân tích hình ảnh.

Báo Sankei của Nhật Bản hôm 7/7 dẫn lời các quan chức quốc phòng Nhật Bản và Mỹ tại Tokyo nói rằng căn cứ vào các số liệu thu được, quả tên lửa vượt đại châu Taepodong-2 nói trên được Bình Nhưỡng nhắm vào một vùng biển gần đảo Hawaii  của Mỹ ở Nam Thái Dương chứ không phải là bang Alaska.

Bằng chứng là góc bắn và mũi tên lửa này hơi chếch về phía Hawaii, mặc  dù nó rơi xuống biển gần Vladivostok của Liên bang Nga, sau khi đã bay được vài trăm kilômét tính từ bệ phóng. 

Trong khi đó, các chuyên gia quân sự Mỹ tại Lầu Năm Góc lại cho rằng quả tên lửa Taepodong-2 nói trên được bắn lên theo phương thẳng đứng. Washington nói có vẻ như Bình Nhưỡng muốn thử khả năng của tên lửa đẩy này trong việc phóng một vệ tinh nhỏ lên quĩ đạo trái đất.

Theo dự kiến, kết luận cuối cùng về mục tiêu của quả tên lửa nói trên sẽ được đưa ra trong vài ngày tới sau một cuộc hội thảo của các chuyên gia quân sự Mỹ và Nhật Bản.

Vấn đề thứ hai còn tranh cãi là việc quả tên lửa Taepodong-2 được bắn lên chỉ bay được 40 giây rồi rơi xuống biển thì đó là sự thất bại hay do phía Triều Tiên cố ý như vậy.

Mặc dù CHDCND Triều Tiên khẳng định cuộc thử tên lửa của họ thành công nhưng các nhà quân sự quốc tế nghiêng về ý kiến cho rằng riêng việc phóng quả tên lửa vượt đại châu Taepodong-2 là thất bại.

Điều này là do Bình Nhưỡng chưa làm chủ được công nghệ tên lửa vượt đại châu. Các chuyên gia vũ khí Nhật Bản cho biết, tên lửa vượt đại châu bị rơi giữa chừng chỉ có thể xảy ra trong 2 trường hợp là động cơ đẩy bị ngừng đột ngột hoặc do quĩ đạo của tên lửa quá dốc. Đây là hai trường hợp rất phức tạp trong công nghệ tên lửa, chắc các chuyên gia CHDCND Triều Tiên không cố ý thử hai khả năng này.

Việc điều khiển đường bay của tên lửa vượt đại châu như Taepodong-2 đòi hỏi công nghệ rất tiên tiến. Sau hai lần thử hồi 1998 thất bại, lần này lại một lần nữa chứng tỏ Bình Nhưỡng chưa làm chủ được công nghệ này. 

MỚI - NÓNG