“Công nghệ” tranh cử Tổng thống Mỹ: Trò bẩn trong hậu trường (kì 3)

Trong mùa bầu cử 2000 (giành quyền đại diện phe Cộng hòa), John McCain đã "bị hiếp trong ngục tối" và bị "chết thảm" dưới tay đối thủ George W. Bush!
Trong mùa bầu cử 2000 (giành quyền đại diện phe Cộng hòa), John McCain đã "bị hiếp trong ngục tối" và bị "chết thảm" dưới tay đối thủ George W. Bush!
Chính trị - như Winston Churchill từng nói - “(là thứ) kích động gần như không khác gì chiến tranh và cũng nguy hiểm không kém. Trong chiến tranh, bạn chỉ có thể bị giết một lần nhưng trong chính trị, bạn sẽ bị giết nhiều lần”!

> 'Công nghệ' tranh cử Tổng thống Mỹ: Đua nhau...diễn (kì 2)

Trong mùa vận động tranh cử, sẽ là không bình thường cho ứng cử viên nào không nói xấu đối phương (đối thủ đảng đối lập hoặc cả đối thủ trong cùng đảng tham gia giành tư cách đại diện). Người ta gọi đó là negative campaigning – chiến dịch thực hiện nhằm làm mất tư cách và uy tín đối thủ.

Negative campaigning không là sản phẩm hiện đại. Ứng cử viên Thomas Jefferson từng bị buộc tội hèn nhát thời Cách mạng Mỹ, lừa phỉnh một bà góa để chiếm tài sản thừa kế và có vô số thói hư tật xấu. Trong chiến dịch tranh cử 1884, ứng cử viên Dân chủ Grover Cleveland bị buộc tội có con hoang.

“Phấn son lòe loẹt”

Vào buổi sáng tháng 6-2008, sau khi ông Obama được đề cử đại diện phe Dân chủ tranh cử cùng Cộng hòa, Ủy ban Quốc gia Cộng hòa đã tung ra ba e-mail lúc 9h10 với nội dung chỉ trích ông Obama, trong đó vạch ra những điểm yếu của đối thủ và quan điểm chính trị “sai lầm” trong nhiều vấn đề.

10h, Ủy ban quốc gia Dân chủ phản công với hai “thông cáo báo chí”, thọc vào lưng McCain khi lên án quan hệ gần gũi giữa đương sự với Tổng thống George W. Bush. Gần như cùng lúc, McCain tổ chức cuộc hội thảo để tấn công thái độ của ông Obama với vấn đề Iran.

11h17, ông Obama phản hồi bằng việc “tiết lộ” cánh McCain cũng không kiên định với việc xử lý chính sách đối với Teheran…

Cứ thế, như tác giả Ronald Brownstein thuật trên nguyệt san Atlantic Monthly, hai bên liên tục bắn phá qua lại loạt e-mail chỉ trích nhau, như thể tung ra những quả volley trong một trận tennis.

Cho đến đợt pháo kích cuối cùng (từ pháo đài Cộng hòa, lúc 10h58 tối cùng ngày), cánh Cộng hòa đã nã tổng cộng hơn 24 phát đạn cối nhằm vào ông Obama; trong khi cánh Dân chủ bắn trả với hơn 10 loạt hỏa tiễn với một số phát khá nặng đòn, chẳng hạn (chỉ trích McCain) nào là “dối trá không biết ngượng”, “bóp méo sự thật”, “sẵn sàng làm lệch lạc công chúng”…

Trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ, không kỳ tranh cử nào xuất hiện nhiều thủ đoạn bẩn bằng mùa tranh cử 1972 giữa đại diện Cộng hòa Richard Nixon và các ứng cử viên Dân chủ.

Đầu mùa tranh cử 1972, một trong những gương mặt Dân chủ được xem có khả năng thắng trước ứng cử viên – tái tranh cử Richard Nixon là Thượng nghị sĩ Edmund Muskie.

Trước cuộc bầu cử sơ bộ tại New Hampshire ngày 7/3/1972, thăm dò cho thấy Muskie có thể giành 65% phiếu. Tuy nhiên, cuối cùng Muskie chỉ đạt 47%. Thất bại trên là kết quả của một kịch bản ném đá giấu tay do bộ máy vận động tranh cử Nixon thực hiện.

Một tuần trước ngày bầu cử sơ bộ New Hampshire, chủ bút William Loeb của tờ Manchester Union Leader cho in ảnh một bức thư gửi cho mình, mang nội dung rằng, Muskie từng dùng nhiều thủ đoạn chèn ép cộng đồng cư dân Mỹ gốc

Canada – Pháp. Cạnh ảnh bức thư là bài “xã luận” ký tên Loeb, lên án việc Muskie gọi cộng đồng Canada-Pháp là “Canuck” (người Canada gốc Pháp – từ hàm ý khinh thị). Hôm sau, Loeb trích đăng lại một bài viết từ Newsweek trong đó có đoạn kể rằng, vợ Muskie từng đùa bỡn không đứng đắn với các phóng viên.

7 tháng sau, Washington Post phát hiện rằng “bức thư Canuck” là do chính tùy viên Nhà Trắng Kenneth Clawason (nguyên phóng viên Washington Post) viết và bí mật đưa cho Loeb. Và “bức thư Canuck” chỉ là một tiểu xảo trong vô số trò bẩn mà bộ máy vận động tái tranh cử Nixon thực hiện trong mùa 1972.

Sau vụ bức thư, báo chí còn làm rùm beng vụ “có nhiều cử tri cho biết họ nhận được điện thoại vào nửa đêm với yêu cầu bỏ phiếu cho Muskie”. Một lần nữa, điều này cũng là trò vu khống nhằm khủng bố tinh thần đối thủ.

Chiến dịch “truy sát” Muskie tiếp tục tiến hành tại vòng bầu cử sơ bộ Florida. Ba ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ Florida, người ta bỗng thấy xuất hiện loạt thư, từ “văn phòng Các công dân vì Muskie” (một tổ chức thuộc bộ máy tranh cử của Muskie), gửi đến nhiều tổ chức chính trị khác thuộc Dân chủ, với nội dung rằng, Hubert Humphrey (một ứng cử viên khác của Dân chủ) từng xộ khám vì tội lái xe khi say rượu vào năm 1967 (trong xe, còn có một ả gái gọi – lá thư viết!).

Lần này, tác giả bức thư dỏm là Donald Segretti thuộc bộ sậu của đổng lý văn phòng Nhà Trắng H. R. Haldeman.

Ngoài ra, Segretti còn cho dán poster bêu xấu Muskie trên các trụ điện thoại và cây trên suốt xa lộ Florida. Và bẩn hơn, trong một cuộc họp báo của Muskie, Segretti còn cho tung ra đàn chuột cài dải băng ghi hàng chữ “Muskie là tên mạt hạng chuột cống”!

Khoảng một năm sau, ngày 3-10-1973, Ủy ban thượng viện về các hoạt động chiến dịch tranh cử tổng thống kết luận rằng, tất cả trò đểu nhằm vào Muskie hoặc các ứng cử viên Dân chủ khác trong mùa tranh cử 1972 đều là công trình của Donald Segretti – một luật sư được trả 16.000USD/năm bằng kênh bí mật từ Nhà trắng nhằm thực hiện trò bẩn cốt gây mâu thuẫn trong nội bộ Dân chủ. Segretti bị xử 6 tháng tù.

Donald Segretti - kẻ đã giúp Richard Nixon
Donald Segretti - kẻ đã giúp Richard Nixon "bức tử" thành công ứng cử viên Edmund Muskie trong cuộc bầu cử 1972.

Mùa 1972 đúng là bằng chứng rõ nhất của mặt trái chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ. Song song thực hiện chà đạp đối phương, bộ máy tái tranh cử cũng “phấn son lòe loẹt” cho Nixon, trong mùa vận động mà bối cảnh chính trị có nhiều bất lợi cho Nixon (đặc biệt cuộc chiến Việt Nam).

Những chuyển động chính sách của Nixon trong mùa tranh cử đều là kịch bản soạn kỹ, trong đó có chuyến kinh lý Bắc Kinh và “sứ mạng hòa bình” sang Liên Xô.

Với thủ thuật vừa đấm vừa xoa trong chính sách với phe cộng sản, ngày 8/5, Nixon ra lệnh đánh phá cảng Hải Phòng. Một tuần sau, tờ New York Times chỉ trích mạnh hành động quân sự nhằm vào Bắc Việt Nam.

Một tuần sau nữa, trên một trang quảng cáo New York Times, người ta thấy có mẩu quảng cáo đề tựa “Công chúng chống lại New York Times” cùng thông tin rằng, các cuộc thăm dò cho thấy dân Mỹ hoàn toàn ủng hộ việc Nixon nặng tay với Bắc Việt. Mẩu quảng cáo được ký với tên của “14 công dân Mỹ”.

Sau này, người ta phát hiện rằng, phân nửa trong 14 công dân kia là thân nhân hoặc bằng hữu của những người làm việc trong bộ máy vận động tranh cử Nixon. Ngày 26-4-1973 (vài tháng sau khi Nixon tái đắc cử), Washington Post lại tiết lộ rằng,

Ủy ban tái tranh cử tổng thống (CRP) của Nixon cũng từng gửi 2.000-4.000 phiếu thăm dò đến một đài truyền hình Washington nhằm làm ảnh hưởng tỉ lệ thăm dò ủng hộ công chúng trong sự kiện Hải Phòng.

Nếu cần kể thêm trò láu cá nào nữa của Nixon, có lẽ không thể không nhắc đến Đạo luật chiến dịch bầu cử liên bang (FECA), được Nixon chuẩn y ngày 7-2-1972, ngay thời điểm bước vào mùa tranh cử.

FECA hạn chế tiền dùng cho chiến dịch quảng cáo truyền thông. Tuy nhiên, trước đó, năm 1971, bộ sậu Nixon đã quyết định không thuê công ty quảng cáo chuyên nghiệp thực hiện chiến dịch cho mình mà tự thành lập nhóm riêng, gọi là Nhóm tháng 11 (November Group – tháng 11 chỉ thời điểm tổng tuyển cử).

Chính Nhóm tháng 11 là nơi tung chiến dịch “làm đẹp” Nixon ở vụ “đi Trung Quốc” và sau đó là “đi Liên Xô”, tạo ra hình ảnh một chiến sĩ vì hòa bình thế giới với nỗ lực hàn gắn quan hệ Đông – Tây thời Chiến tranh lạnh…

John McCain “đã bị hiếp trong ngục tối” như thế nào?

Trong chiến dịch tranh cử 1884, ứng cử viên Dân chủ Grover Cleveland (sau này là tổng thống thứ 22 và thứ 24) đã bị buộc tội có con hoang!
Trong chiến dịch tranh cử 1884, ứng cử viên Dân chủ Grover Cleveland (sau này là tổng thống thứ 22 và thứ 24) đã bị buộc tội có con hoang!.
 

Mùa tranh cử cũng lắm tai tiếng không thua mùa 1972 là kỳ bầu cử 2000. Trong Bush’s Brain – How Karl Rove Made George W. Bush Presidential (NXB Wiley, 2003), hai tác giả James Moore và Wayne Slater đã tiết lộ không ít mánh khóe “kinh điển” mà bộ máy tranh cử Bush thực hiện, với nạn nhân hứng đòn nặng nhất là John McCain.

Sau khi “đánh giá thấp và sai lầm về sức mạnh” John McCain, chuyên gia chính trị Karl Rove – kẻ mà James Moore và Wayne Slater gọi là “đồng tổng thống Mỹ” để nhấn mạnh khả năng quyền biến và sức chi phối chính trường của nhân vật này – đã phác thảo kế hoạch hạ McCain (cùng tranh cử với Bush để giành vị trí đại diện Cộng hòa trong cuộc chiến với đại diện Dân chủ Al Gore).

Chiến trường chủ yếu thực hiện tổng công kích McCain được tập trung tại South Carolina, nơi tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng.

Trước vòng bầu cử sơ bộ South Carolina, Rove chỉ định Ralph Reed (nguyên Giám đốc điều hành tổ chức Liên minh Công giáo và là tay vận động hành lang cho các tập đoàn) tiến hành “cuộc chiến tôn giáo” nhằm vào McCain.

Để tạo vỏ bọc cho Reed, Karl Rove yêu cầu Ban Giám đốc Công ty năng lượng Enron (vốn là “người nhà” của Bush) đưa Reed vào danh sách nhân viên công ty.

Kết quả thật kinh khủng. Century Strategies – hãng vận động hành lang của Reed đóng tại Atlanta – đã liên lạc hàng trăm ngàn giáo dân bằng e-mail và điện thoại với nội dung bôi nhọ McCain.

Tại chiến địa South Carolina, Liên minh Công giáo cũng gửi cho 140.000 cử tri (vào hai ngày trước ngày bầu cử sơ bộ) lá thư mang tiêu đề “10 sự thật đáng buồn về John McCain”, trong đó có phần nói rằng, McCain là thành viên Cộng hòa duy nhất đi lại với một tổ chức ủng hộ đồng tính.

Chưa “đã”, vào buổi chiều tối tổ chức bầu cử sơ bộ, hàng loạt “người dân” điện đến các đài phát thanh, cho biết một nhóm bác sĩ tâm lý khẳng định rằng, dân Việt Nam đã tẩy não McCain hồi ông còn là tù binh chiến tranh Việt Nam và rằng McCain đã được người Việt Nam “lập trình” nhằm phá tan nát đảng Cộng hòa!

Thomas Jefferson - một cha đẻ của nước Mỹ và là tác giả chính Bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ (1776) - từng bị buộc tội hèn nhát thời Cách mạng Mỹ; lừa phỉnh một bà góa để chiếm tài sản thừa kế và có vô số thói hư tật xấu(!) nhưng cuối cùng đã thắng cử và trở thành tổng thống thứ ba
Thomas Jefferson - một cha đẻ của nước Mỹ và là tác giả chính Bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ (1776) - từng bị buộc tội hèn nhát thời Cách mạng Mỹ; lừa phỉnh một bà góa để chiếm tài sản thừa kế và có vô số thói hư tật xấu(!) nhưng cuối cùng đã thắng cử và trở thành tổng thống thứ ba.

Kể với Charles Lewis (tác giả The Buying of The President 2004), McCain đã không thể che giấu sự thất vọng khi nhắc lại mùa tranh cử 2000, với “chiến dịch ngoài tầm radar” mà bộ máy tranh cử Bush thực hiện tấn công mình – chẳng hạn hàng ngàn cú điện gọi đến các cử tri, hỏi: “Ông, bà nghe vụ McCain có đứa con hoang da màu chưa?” hoặc “Ông, bà nghe vụ McCain đang lún đầu vào nghiện ngập ma túy chưa?”… John Weaver – thuộc nhóm vận động tranh cử John McCain – nói rằng mình chưa thấy chiến dịch “thanh trừng” đối thủ nào tiêu cực bằng vòng bầu cử sơ bộ South Carolina trong mùa 2000.

Và Trey Walker (cũng thuộc nhóm vận động tranh cử McCain) nói rằng, McCain “đã bị hiếp trong ngục tối”! Tuy nhiên, đó là “chính trị mà!” – như cách nói của Bush trong một lần đối mặt McCain.

Chính trị – như Winston Churchill từng nói – “(là thứ) kích động gần như không khác gì chiến tranh và cũng nguy hiểm không kém. Trong chiến tranh, bạn chỉ có thể bị giết một lần nhưng trong chính trị, bạn sẽ bị giết nhiều lần”!

Tầm quan trọng của “tranh luận truyền hình” (television debate): Với sự phát triển của truyền hình, việc xuất hiện với tần suất cao trên màn ảnh nhỏ cũng là phần quan trọng trong chiến dịch kiếm phiếu. Hơn nữa, tại Mỹ, truyền hình là chính trị.

Điều này hoàn toàn chính xác với việc các hãng truyền hình tổ chức cuộc tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên. Tranh luận truyền hình xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1960 với buổi tranh cãi đốp chát giữa ứng cử viên Richard Nixon và John F. Kennedy.

Nixon thất bại, không phải bởi không đủ khả năng cãi tay đôi (chiếu trực tiếp) với Kennedy mà là cách ông thể hiện mình trước ống kính truyền hình.

Trong vài trường hợp, ứng cử viên mất điểm tranh luận truyền hình bởi trình độ kém. Trong cuộc tranh luận truyền hình 1976 với ứng cử viên Jimmy Carter, (Tổng thống tái tranh cử) Gerald Ford đã thất bại do phát biểu sai về những con số thống kê liên quan Đông Âu.

Trong các buổi tranh luận truyền hình cũng như diễn văn phát biểu trước cử tri, tất cả những điều trình bày đều có tầm quan trọng nhất định, thể hiện như chủ đề tranh cử xuyên suốt và nhất quán của ứng cử viên.

Năm 1984, ứng cử viên Dân chủ Walter Mondale trình bày cử tri về những yếu tố làm phân cắt nước Mỹ; trong khi đó, Ronald Reagan lại nói về những vấn đề chung chung và mang tính toàn cục.

Cuối cùng, Reagan thắng. Năm 1992, George H. Bush nói về chính sách ngoại giao thế giới ở nước Mỹ thời hậu chiến tranh lạnh; trong khi đó, ứng cử viên Bill Clinton nói về những vấn đề cụ thể đang làm đau đầu quốc gia. Kết quả, Clinton thắng…

Mạnh Kim theo Petrotimes.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG