Kỷ niệm 61 năm chiến thắng phát xít đức (9/5/1945-9/5/2006)

“Công trình tuyệt mật”- Căn hầm của nguyên soái Xtalin

“Công trình tuyệt mật”- Căn hầm của nguyên soái Xtalin
TPCN - Được xây dựng ở Xamara cách đây hơn 60 năm, căn hầm này cho đến ngày nay vẫn có thể chịu được những cú đòn hạt nhân dữ dội nhất.
“Công trình tuyệt mật”- Căn hầm của nguyên soái Xtalin ảnh 1
Phòng làm việc của Xtalin dưới hầm ngầm         

Ngày 15/10/1941, khi những sư đoàn phát xít Đức đã tiến sát thủ đô Mátxcơva – hỏa tuyến chỉ còn cách Điện Cremli có 16 km – ủy ban quốc phòng nhà nước đã quyết định di chuyển Bộ Dân ủy quốc phòng và Bộ Dân ủy Hải quân đến thành phố Kuibưsép. 

Ở mục thứ hai của văn kiện đó đề cập trực tiếp đến Xtalin. Việc sơ tán được đề ra trong trường hợp tối cần thiết, “tùy theo tình hình”. 22 sứ quán đã được chuyển tới vùng sông Vônga.

Họ đóng ở Kuibưsép đến tận tháng 8/1943 khi mà việc đánh tan quân Đức ở vòng cung Cuốcxcơ đã giải tỏa nguy cơ thủ đô Mátxcơva bị chiếm đóng.

Song song với chỉ thị về việc di chuyển, một quyết định về việc xây dựng ở Kuibưsép một hầm ngầm kiên cố cho lãnh tụ và cho đội công tác cơ động (115 người) ngay ở bên dưới tòa nhà Tỉnh ủy đã được thông qua.

Bản thiết kế đã được thực hiện một cách hết sức khẩn trương bởi kiến trúc sư Iulian Ôxtơrốpxki, đã hoàn thành vào tháng 2/1942. 600 công nhân xây dựng đường xe điện ngầm Mátxcơva được điều động đến vùng sông Vonga, và việc xây dựng được khởi công. Công việc được tiến hành liên tục ba ca một ngày và kéo dài trong 9 tháng.

Ngày 1/11/1942, “công trình tuyệt mật” được bàn giao. Mọi chuyện đã được suy tính kỹ càng. Hồi đó hầm ngầm được coi là “hầm tránh bom hơi ngạt”, nó hoàn toàn khép kín và trù tính chịu được sự cách li hẳn trong 5 ngày.

Hiển nhiên trong khoảng thời gian đó, nếu cả hai cửa bị lấp kín (để phòng xa chúng được xây cách nhau 50m), những người ở dưới hầm sẽ được cứu thoát bằng mọi phương tiện bất chấp những vụ oanh kích và pháo kích của kẻ thù.

Lần đầu tiên trong lịch sử Liên Xô, dưới hầm ngầm người ta cho hoạt động loại thiết bị tái sinh không khí và tạo ra áp suất cao hơn áp suất khí quyển một chút.

Ở mé bên phải cầu thang chính trong tiền sảnh của trụ sở Tỉnh ủy Cuibưsép có một cánh cửa, cạnh đó, một nhân viên của Bộ Dân ủy Nội vụ túc trực suốt ngày đêm.

Ngay phía sau là một tấm cửa sắt như thường thấy trên tầu ngầm, tiếp đó là một hành lang hẹp dẫn tới cầu thang của cái gọi là công đoạn thứ nhất và tới phòng thang máy. Những bậc thang chạy xuống phía dưới sâu 14m – hoặc sâu 3 tầng.

Tường được làm từ những lá thép ghép lại và được chốt bằng bulông với lớp chì độn ở giữa. ở bên dưới là một khoảng trống. Mà phía sau tấm cửa thép dày là một hành lang dài 50m dẫn tới thang máy của lối ra dự phòng và dẫn tới cầu thang vào gian hầm chính dưới mặt đất.

Nói đúng hơn đó là một căn hầm bê tông, bởi lẽ ở phía trên công trình hầm này là cả một tảng bê tông nguyên khối dầy tới 3 m rồi đến một lớp cát và lại thêm một “tấm đệm” bằng bê tông dày một mét.

Lại thêm 20m đi sâu xuống nữa, tương đương với 5 tầng nhà. ở các khu vực lân cận gần mặt đất là các phòng làm việc của đơn vị đặc nhiệm cơ động gồm 115 người: Các sỹ quan thông tin đặc nhiệm, các trợ lý của Xtalin, các ủy viên ủy ban Quốc phòng Nhà nước.

Cũng được bố trí ở đây là những kho lương thực dự trữ, bảng phối điện, các nhà máy phát điện. Các phòng làm việc không lấy gì làm lớn, chỉ rộng 30-40m2 nhưng, theo sự tính toán của các chuyên gia hồi đó, chúng hoàn toàn thích hợp để làm việc và để ở trong trường hợp cần thiết.

Đáng tiếc là ở 4 tầng đầu của công đoạn 2, các bàn ghế, đồ gỗ không được giữ lại, chỉ còn một số thiết bị mà cho tới nay vẫn hoạt động.

Phòng làm việc của Tổng tư lệnh tối cao nằm ở tầng thứ 5 dưới mặt đất, nếu tính gộp cả lại là tầng 8 của công đoạn 2 với chiều sâu 34m. ở đây mọi thứ vẫn được bảo toàn y nguyên trong vòng hơn nửa thế kỷ.

Phòng làm việc dưới mặt đất của Xtalin được thiết kế như một bản sao của phòng làm việc của ông trong điện Cremly, có diện tích gần 50m2, nhưng trông rất rộng.

Sàn nhà lát bằng gỗ ghép, đồ đạc chẳng có mấy: một chiếc bàn giấy, một chiếc ghế bành, một chiếc đi văng bọc vải trắng như  của Lênin. Trên tường ốp gỗ mầu hạt dẻ treo hai chân dung của các danh tướng Nga Xuvôrốp và Cutudốp.

Những chiếc cửa sổ giả làm bằng màu xanh da trời tạo nên một thứ ánh sáng dịu dàng độc đáo. Sự kết hợp giữa màu xanh da trời và màu nâu gây ấn tượng dễ chịu đối với con người và làm tăng sức làm việc của lãnh tụ.

Phòng làm việc có 6 cửa ra vào, cũng như trong điện Kremly. Thật ra 4 cửa trong số đó là cửa giả. Một cửa dẫn đến lối ra, một cửa khác dẫn đến phòng vệ sinh.

Tại đây, thậm chí còn giữ được bồn rửa mặt sản xuất năm 1942. Không có bồn tắm, cũng không có vòi hoa sen. ở phía dưới phòng vệ sinh với độ sâu 3m là hệ thống cấp thoát nước mà cho đến nay vẫn sử dụng được.

Trên bàn làm việc của Xtalin chỉ có một cây đèn và một máy điện thoại. Đối diện phòng làm việc, qua hành lang là một phòng họp rộng chừng 100m2.

Một chiếc bàn dài kê ở giữa phòng cho 28 ủy viên ủy ban Quốc phòng Nhà nước do Xtalin đứng đầu. ở phía sau lưng Xtalin là tấm bản đồ chiến sự, còn trên bức tường đối diện là những bức chân dung của Các Mác, Lênin và Ăngghen.

Ở phía bên phải phía cửa vào phòng họp là chiếc bàn dành riêng cho tổng trợ lý của Xtalin là Pôxcrêbưxép, xa hơn một chút là chiếc bàn dành cho 4 tốc ký viên, còn ở phía đối diện là chỗ dành riêng cho các sĩ quan trực thông tin liên lạc.

Không một chiếc bàn nào, kể cả bàn hội nghị, có ngăn kéo. Điều đó cho thấy rõ một trong những nguyên tắc chủ yếu của Tổng tư lệnh: Không có gì phải che giấu, tất cả mọi thứ đều đặt trên bàn!

Hiện nay trong các hiện vật trưng bày chỉ có thể nhìn thấy những chiếc ghế dành cho 12 ủy viên ủy ban Quốc phòng Nhà nước; những chiếc còn lại được đưa vào buồng xép để khách tham quan đi chung quanh căn phòng một cách thoải mái.

Phòng họp, về mặt kiến trúc giống ga xe điện ngầm “Aeroport” thu nhỏ lại. Hệ thống đèn chiếu sáng lẫn trần nhà cũng hệt như vậy.

Tất nhiên vấn đề chủ yếu nhất là chính Xtalin có sống trong căn hầm này không? Nói chung, trong thời gian chiến tranh, theo nguồn tài liệu chính thức thì Xtalin không sống ở đó.

Mọi người đều biết một câu nổi tiếng hồi đó: “Lãnh tụ không bao giờ rời khỏi Mátxcơva”. Chỉ có cô con gái  của Xtalin là Xvetlana trong thời kỳ tản cư đã sống ở căn hầm của bố trong thời gian địch oanh kích, đã mấy lần nấp trong căn hầm kiên cố này.  

 Lê Sơn (Theo báo “Độc lập” của Nga)

MỚI - NÓNG