Công ty Nhật xin lỗi vì để nhân viên đi mua bữa trưa trong 3 phút

Công ty Nhật xin lỗi vì để nhân viên đi mua bữa trưa trong 3 phút
Một công ty trong ngành nước ở Nhật Bản đưa ra lời xin lỗi trên truyền hình thay mặt cho nhân viên rời bàn làm việc để mua bữa trưa với tổng thời gian 72 phút trong vòng 7 tháng.

Theo Daily Mail hôm 20-6, công nhân nói trên là nam giới, 64 tuổi, làm việc tại nhà máy nước TP Kobe. Trong 7 tháng, ông đã đi mua bữa trưa 26 lần, mỗi lần xấp xỉ 3 phút, ở một cửa hàng gần đó. Vụ việc xảy ra từ tháng 9-2017 đến tháng 3-2018.

Một lần, trong lúc băng qua đường để mua bento (hộp cơm trưa), ông bị nhân viên văn phòng khác nhìn thấy.

Ban quản lý công ty sau đó cho rằng nhân viên này đã "lãng phí thời giờ" bằng việc đi mua đồ ăn. Vì vậy, bộ phận lãnh đạo đã cúi đầu xin lỗi trên truyền hình để mong khách hàng tha thứ cho "vụ bê bối".

"Thật đáng tiếc khi để một vụ bê bối như vậy xảy ra. Chúng tôi muốn bày tỏ lời xin lỗi chân thành của mình tới khách hàng" - một quan chức công ty nói trên truyền hình. Thêm vào đó, công ty quyết định cắt lương của nhân viên này.

Sau lời xin lỗi công khai, cư dân mạng lập tức lên tiếng bảo vệ người đàn ông, đồng thời gọi hành động của công ty là "ngớ ngẩn".

Công ty Nhật xin lỗi vì để nhân viên đi mua bữa trưa trong 3 phút ảnh 1  
Công ty Nhật xin lỗi vì để nhân viên đi mua bữa trưa trong 3 phút ảnh 2 Bộ phận lãnh đạo xin lỗi trên truyền hình. Ảnh: Daily Mail

"Có phải thậm chí người ta không được phép đi vệ sinh không? Điều này giống như chế độ nô lệ nơi làm việc" – một người dùng Twitter viết.

Một người khác bình luận: "Hình phạt hoàn toàn vô lý. 26 lần trong khoảng thời gian 7 tháng có nghĩa là ông ấy chỉ rời văn phòng mỗi lần một tuần. Sắp xếp buổi xin lỗi sẽ lãng phí thời gian nhiều hơn 3 phút mà ông ấy bỏ ra để mua bữa trưa".

Gần 1/4 công ty ở Nhật Bản cho nhân viên làm việc thêm 80 giờ mỗi tháng và thường họ không được trả lương. Trong đó, có 12% công ty để nhân viên làm việc quá 100 giờ mỗi tháng.

Ngoài ra, người lao động Nhật Bản có quyền nghỉ 20 ngày/năm nhưng hiện tại khoảng 35% không nhận được bất kỳ khoản tiền hỗ trợ nào.

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG