Cứ 2 tuần, thế giới lại mất đi 1 ngôn ngữ

Cứ 2 tuần, thế giới lại mất đi 1 ngôn ngữ
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), cảnh báo: khoảng một nửa trong số 6.000 ngôn ngữ trên thế giới có nguy cơ bị biến mất trong thế kỷ này.

Để kỷ niệm năm thứ sáu Ngày quốc tế về ngôn ngữ mẹ đẻ, UNESCO đã tổ chức một hội nghị quốc tế, bàn về sự đa dạng ngôn ngữ và những khó khăn của các dân tộc thiểu số ở châu Mỹ, châu Phi, châu Á trong việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ của dân tộc họ.

Các chuyên gia văn hóa và ngôn ngữ của UNESCO thừa nhận những khó khăn trong việc bảo tồn và gìn giữ các ngôn ngữ bản địa trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi tiếng Anh và hệ văn hóa Ăngglô Xắcxông gần như hoàn toàn thống trị trên thế giới.

Theo số liệu thống kê, trung bình cứ hai tuần, thế giới lại mất đi một ngôn ngữ. Trên mạng Internet toàn cầu, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất, chiếm 72%. Tiếng Đức là ngôn ngữ thông dụng thứ hai, với 7%, sau đó là tiếng Pháp, tiếng Nhật Bản và Tây Ban Nha (chiếm 3%).

Có tới hơn 90% trong số 6.000 sinh ngữ của thế giới không có mặt trên mạng Internet và gần 20% trong số này không được sao chép lại để gìn giữ. Châu Phi chiếm 1/3 lượng ngôn ngữ của thế giới, trong đó có 80% ngôn ngữ được người dân bản địa duy trì bằng hội thoại mà không có chữ viết.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG