Cuộc biểu tình chống đảo chính đầu tiên

Cuộc biểu tình chống đảo chính đầu tiên
Hôm qua, 22/9, khoảng 20 người, đa số là sinh viên hôm nay tụ tập tại Siam, trung tâm Bangkok biểu tình chống đảo chính, bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người.
Cuộc biểu tình chống đảo chính đầu tiên ảnh 1
Một người biểu tình nói họ muốn dân chủ quay lại

Họ lên án việc lật đổ ông Thaksin, mang biểu ngữ: "Đừng gọi đây là cải cách, đây là đảo chính."

Cuộc biểu tình trong khoảng một tiếng đa thu hút rất nhiều phóng viên và công chúng hiếu kỳ.

Những người biểu tình đã tách thành nhiều nhóm nhỏ để tránh không đụng lệnh cấm tụ tập trên năm người vừa được chính quyền quân sự ban bố.

Ban lãnh đạo mới đã hủy bỏ hiến pháp 1997 và nói sẽ sửa chữa lại các "lỗ hổng" để viết nên hiến pháp mới.

Họ cũng đang tìm một nhân vật để đưa lên làm thủ tướng tạm quyền, trong lúc triệt hạ các đồng sự của ông Thaksin, trong đó có bốn sĩ quan cảnh sát.

Ba bộ trưởng của chính phủ bị lật đổ hiện đang bị tạm giam.

Báo chí địa phương hôm qua nêu tên một số người có thể được chọn làm thủ tướng, gồm các ông Supachai Panitchpadki, Ackaratorn Chularat và Pridiyathorn Devakula.

Cuộc biểu tình chống đảo chính đầu tiên ảnh 2

Diễn biến đảo chính đến nay diễn ra không đổ máu

Ông Supachai, cựu giám đốc WTO, có tiếng tăm quốc tế, trong lúc Ackaratorn từng được quốc vương bổ nhiệm để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị.

Ông Pridiyathorn là một nhà kinh tế được đánh giá cao.

Các nhà phân tích nói sự chuẩn thuận của nhà vua sẽ cho ban lãnh đạo đảo chính sự chính danh họ cần có dưới con mắt của công chúng, đặc biệt ở nông thôn.

Dân ở nông thôn vẫn thích cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra nhưng họ yêu kính nhà vua .

Chính việc Quốc vương Bhumibol tỏ ý phiền lòng trước bất ổn chính trị kéo dài đã thuyết phục dân chúng chấp nhận giải pháp quân đội làm đảo chính.

Từ hôm có đảo chính đến nay, nhà vua chưa xuất hiện trước công chúng và hiện vẫn không rõ vai trò của ngài trong chuyện này.

Cho tới nay không có dấu hiệu phản đối chính quyền quân nhân, nhưng các tổ chức nhân quyền đã bày tỏ quan ngại khi hội đồng đảo chính áp đặt những hạn chế đối với truyền thông và các sinh hoạt chính trị.

Hội đồng đảo chính ARC nay đổi tên gọi là Hội đồng Cải cách Dân chủ của chế độ quân chủ lập hiến, viết tắt là CDRM.

Theo BBC

MỚI - NÓNG