Cuộc bỏ phiếu đầu tiên cho ghế Tổng thư ký LHQ

Cuộc bỏ phiếu đầu tiên cho ghế Tổng thư ký LHQ
TP - 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu bí mật vào đầu tuần tới (24/7), đối với 4 ứng cử viên người châu Á, tranh chức Tổng thư ký, thay ông Kofi Annan mãn nhiệm vào cuối năm nay.

Dù chỉ là cuộc trưng cầu ý kiến, nhưng đây được xem là bước đi quan trọng đầu tiên trong tiến trình tìm người kế nhiệm xứng đáng ghế Tổng thư ký LHQ.

Một nhà ngoại giao người Anh tại LHQ ví von lần bỏ phiếu này giống như “cuộc thi sắc đẹp” khi các ứng cử viên được lựa chọn chủ yếu dựa trên sự nổi tiếng của họ.

Phiếu bầu sẽ không ghi danh và sự ủng hộ của những thành viên có quyền phủ quyết đối với ứng cử viên nào cũng không được tiết lộ trong giai đoạn đang diễn ra cuộc chạy đua.

Cũng theo nhà ngoại giao Anh, ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc gặp kín này sẽ không được thông báo. Khi sự ủng hộ của HĐBA trở nên rõ ràng đối với 1 hoặc 2 ứng cử viên, các thành viên có quyền phủ quyết sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý kiến khác hoặc yêu cầu bầu cử vào cuối năm nay. 

Phần lớn ý kiến đều ủng hộ người châu Á đảm nhiệm ghế Tổng thư ký nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, trong 4 ứng cử viên châu Á đang nổi lên nhiều tranh cãi.

Cuộc bỏ phiếu đầu tiên cho ghế Tổng thư ký LHQ ảnh 1 Cuộc bỏ phiếu đầu tiên cho ghế Tổng thư ký LHQ ảnh 2
Ông S.Sathirathai (Thái Lan) Ông S.Tharoor (Ấn Độ)

Ông Surakiart Sathirathai - Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Thái Lan là ứng cử viên trẻ nhất, mới 48 tuổi, nhưng khả năng ngoại giao của ông Sathirathai không được đánh giá cao.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki – Moon, 66 tuổi, nổi lên với vai trò chính trong cuộc đàm phán thuyết phục CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và còn được Mỹ hậu thuẫn.

Tuy nhiên, ông Ban Ki – Moon cũng bị mất điểm vì thất bại trong cuộc đàm phán với Triều Tiên và bị Nhật Bản phản đối. Hai ứng cử viên còn lại đều là cựu quan chức cấp cao LHQ và là cố vấn hoặc bạn của Tổng thư ký Annan.

Đó là ông Jayantha Dhanapala, 67 tuổi, người Sri Lanka, hiện là cố vấn cấp cao của Tổng thống nước này. Hạn chế của ông Dhanapala là đã quá tuổi về hưu của quan chức LHQ tới 2 tuổi. Dù bị Pakistan phản đối, ông Shashi Tharoor, người Ấn Độ sinh tại Anh, vẫn được được đặt nhiều kỳ vọng ở tuổi 50 với kinh nghiệm 28 năm tại LHQ.

Ngoài 4 ứng cử viên châu Á, một số cái tên nổi tiếng khác như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Thủ tướng Anh Tony Blair cũng được đề cập đến, nhưng không được chào đón vì là công dân của nước nằm trong các thành viên thường trực HĐBA và chưa thích hợp trong năm nay.

Những ngày gần đây có thêm 1 ứng cử viên châu Á nữa đang thu hút nhiều sự ủng hộ là cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong. 

N.T.Đ
Theo Independent

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).