Cuộc chiến bảo vệ rồng Komodo

Rồng Komodo.
Rồng Komodo.
Trải dài như cây cung vắt qua Biển Java, nhóm đảo Lesser Sunda Islands được những người vẽ bản đồ thời trung cổ đánh dấu trên bản đồ bởi vì đó là nơi cư trú của những “con rồng”.

Rồng Komodo (tên khoa học là Varanus komodoensis) ở Indonesia không phun ra lửa hay bay trên không trung, song bị người xưa coi là giống vật cực kỳ nguy hiểm. Chúng thường chỉ sống trên các đảo Rinca, Gili Motang, Nusa Kode, Flores và Komodo, được tin là giống vật sống sót cuối cùng của những con khủng long tồn tại ở Australia cách đây hàng triệu năm. Các nhà khoa học tin rằng những con rồng này sau đó di chuyển về hướng tây, đến các đảo Indonesia cách đây khoảng 900.000 năm.

Rồng Komodo sống sót qua thời kỳ băng hà, khi mực nước biển dâng cao, nhiều trận động đất và sóng thần hoành hành nhóm đảo Lesser Sunda Inslands. Thân mình dài trên dưới 3 mét và nặng ít nhất đến 70kg, những “con rồng” này có thể chạy với tốc độ 29km/giờ để bắt mồi. Sau khi tóm được con trâu hay nai, con rồng sẽ tiêm chất chống đông máu chứa độc tố vào vết thương con mồi, khiến con mồi chảy máu đến cạn kiệt và chết.

Giáo sư Đại học Queensland ở Brisbane (Australia) Bryan Fry nhận định: “Đây là thứ vũ khí phức tạp”. Năm 1912, đại úy quân đội người Hà Lan Steyn van Hensbroek bắn chết một con rồng trên đảo Komodo và lột da con vật gửi đến nhà tự nhiên học Peter Ouwens, người viết bài báo khoa học đầu tiên về loài thằn lằn khổng lồ này.

Khoảng 14 năm sau, một người Mỹ tên là W. Douglas Burden đến nhóm đảo Lesser Sunda Islands của Indonesia để bắt một chục con rồng về cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ. Trong cuốn sách tựa đề “Dragon Lizards of Komodo”, Burden gọi con vật là rồng Komodo và sau đó nó trở thành đề tài cho bộ phim KingKong của Hollywood.

Mặc dù rồng Komodo chịu đựng được thiên nhiên khắc nghiệt, song vào cuối thập niên 1970, các nhà khoa học bắt đầu cảm thấy lo ngại về số phận của chúng. Những thợ săn thú bắt đầu đặt bẫy bắt rồng Komodo, đem bán cho các vườn thú và các nhà sưu tập tư nhân. Về sau, những thợ săn còn giết chúng để lột lấy da hay chân.

Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) đã đưa rồng Komodo vào danh sách đỏ. Tiếp đến, Công ước về thương mại quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Năm 1980, chính quyền Indonesia thành lập Công viên Quốc gia Komodo rộng 1.810 km vuông để bảo vệ loài rồng Komodo. Năm 1986, công viên – bao gồm 3 đảo chính Komodo, Rinca và Padar cùng với nhiều đảo nhỏ khác - được tuyên bố là di sản thế giới.

Những biện pháp bảo vệ thành công trong công viên giúp cho quần thể rồng Komodo ổn định ở số lượng khoảng 3.000 con, trong đó phần lớn sống trên 2 đảo Komodo và Rinca.

Cuộc chiến bảo vệ rồng Komodo ảnh 1

Rồng Komodo đối diện với con mồi ưa thích của nó.

Rồng Komodo có biệt tài ngụy trang và kiên nhẫn rình mồi. Vũ khí là hàm răng sắc bén và chất độc; và nạn nhân của chúng có thể là nai, lợn hay cả con người. Achmad Ariefiandry, chuyên gia trong Chương trình Sinh tồn của rồng Komodo ở Indonesia (KSP) cho biết, rồng Komodo có thể ăn thịt con mồi to lớn nặng đến 80% sức nặng của chúng và sau đó có thể không ăn gì trong vòng vài tuần. Mặc dù thường bị rồng tấn công, song người dân trên đảo rất tôn trọng và coi chúng là loài vật thiêng liêng.

Claudio Ciofi, nhà sinh học của Đại học Florence ở Italia, đến Indonesia để hoàn thành luận án tiến sĩ nghiên cứu gene loài rồng này và từ đó ông nuôi ước mơ xây dựng một khu bảo tồn để bảo vệ chúng. Hiện nay, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia phối hợp với đội ngũ nhà khoa học ở KSP quản lý công việc bảo tồn rồng Komodo. Trong vai trò bảo tồn, Công viên Quốc gia Komodo và KSP cũng tăng cường giáo dục cộng đồng về loài rồng biểu tượng quốc gia Indonesia.

Cuộc chiến bảo vệ rồng Komodo ảnh 2

Rồng Komodo là biểu tượng quốc gia của Indonesia.

Trong thập niên 1980, nai là loài bị con người săn quá nhiều trên đảo Padar khiến cho sự sống của loài rồng bị đe dọa. Việc quản lý thành công bên trong ranh giới của công viên quốc gia đã giúp hạn chế tình trạng săn nai của người dân đảo, từ đó bảo đảm sự sống cho rồng Komodo. Nhưng trên đảo Flores, tức bên ngoài ranh giới công viên quốc gia, tình hình không mấy lạc quan. Nhiều con rồng sống bên ngoài khu bảo tồn phải thường xuyên đụng độ với người dân trong các khu dân cư đang gia tăng.

Trong thập niên qua, các nhà bảo tồn thiên nhiên cố gắng phục hồi trạm gác, tiến hành hoạt động tuần tra thường xuyên và đồng thời huấn luyện đội ngũ bảo vệ với những kỹ thuật hiện đại giám sát đời sống hoang dã. Giáo dục ý thức cộng đồng cũng là một yếu tố quan trọng. Theo Claudio Ciofi nhận định, nếu như mọi người cùng chung sức với nhau trong các nỗ lực bảo tồn thì rồng Komodo sẽ có cơ hội sống đến hàng ngàn năm nữa.

Cuộc chiến bảo vệ rồng Komodo ảnh 3

Rồng Komodo dành phần lớn thời gian để phơi nắng.

Không chỉ các hoạt động của con người đe dọa sự sinh tồn của loài rồng Komodo quý hiếm. Do chỉ sống trên một số đảo mà sự khác biệt gene bị giới hạn cho nên rồng Komodo đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi về khí hậu. Mực nước biển dâng cao có thể xâm lấn những thung lũng thấp ở bờ biển mà đó chính là môi trường sống của rồng, và sự thay đổi về lượng mưa cũng có nghĩa là những khu rừng không còn là nơi thích hợp cho rồng con sinh sống hay cho rồng đẻ trứng, thậm chí, rồng con có thể bị chính những con rồng trưởng thành tấn công.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu Indonesia dùng xuồng để giám sát những đảo nằm về phía bắc Flores, đồng thời lắp đặt hệ thống camera tại nơi sống của rồng Komodo. Trong một chuyến đi xuồng như thế, họ phát hiện những con rồng làm tổ lần đầu tiên trên đảo Ontole ở phía bắc Flores…

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.