Cuộc chiến “hao người, tốn của và vô nghĩa”

Cuộc chiến “hao người, tốn của và vô nghĩa”
TPO - Gần 4000 lính Mỹ thiệt mạng; hơn 29.000 người khác bị thương; hơn 400 tỷ USD chi phí quân sự tan vào cát bụi - đó là cái giá mà Mỹ phải trả sau 5 năm tiến hành cuộc chiến tranh chống Iraq.

5 năm trước đây, có thể một số người Iraq đã quá kỳ vọng khi Mỹ dội bom vào thành phố Baghdad.

Đằng sau khói lửa chiến tranh, với lý do lãnh đạo Iraq đang sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt và có liên hệ với Al Qaeda, Tổng thống Mỹ G.Bush đã hứa hẹn với thế giới rằng, ông sẽ thủ tiêu chế độ “độc tài” Saddam Hussein.

Ông Bush lúc đó cũng cam kết sẽ mang lại cho người Iraq một kỷ nguyên mới của hòa bình, thịnh vượng và tự do, dân chủ.

5 năm sau, khi Mỹ không tìm được bằng chứng cho các cáo buộc nhằm vào Saddam Hussein, khi chế độ Saddam Hussein đã sụp đổ, người Iraq vẫn mòn mỏi chờ đợi ổn định quay lại trên đất nước của họ.

Iraq- Một đất nước tan vỡ

Cuộc chiến “hao người, tốn của và vô nghĩa” ảnh 1
Iraq hôm nay vẫn chìm trong nghèo đói.
Ảnh: Al Zazeera

Trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh chống  Iraq, chính quyền Mỹ đã rất lưu ý tới kế hoạch cho giai đoạn hậu chiến. Tuy nhiên, trên thực tế, 50 tỷ USD- con số dự tính ban đầu tiêu tốn cho cuộc chiến Iraq của Lầu Năm Góc- không thể đủ để phục hồi một đất nước đã chịu các trừng phạt kinh tế suốt 12 năm kể từ Chiến tranh Vùng Vịnh.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tới thời điểm này, Mỹ đã phải tiêu tốn hơn 400 tỷ USD vào “vũng lầy” do chính họ tạo ra tại Iraq.

Năm 2003, trên các kênh truyền hình Mỹ, các chuyên gia quân sự, các nhà phân tích chính trị, những người lưu vong Iraq,… thi nhau nói về việc chế độ Saddam Hussein nhanh chóng sụp đổ ra sao?

Nhưng không ai trong số họ bàn cách xây dựng lại Iraq, cũng như tầm quan trọng của việc tạo lập các tổ chức dân chủ dân sự và  hòa giải dân tộc .

Hậu quả là bất ổn chính trị, chia rẽ bè phái, bạo lực, nghèo đói bủa vây Iraq. Các cuộc bầu cử không phản ánh nguyện vọng của tất cả người Iraq. Các chính trị gia người Sunni tẩy chay bầu cử và thúc giục người Sunni ở Iraq không đi bầu cử. Trong khi đó, Al Qaeda đe dọa sẽ giết các cử tri Iraq sống ở những khu vực do bọn chúng kiểm soát.

5 năm kể từ khi quân đội Mỹ hiện diện tại Iraq, hơn 4000 lính Mỹ và khoảng 100.000 thường dân Iraq đã thiệt mạng. Liên Hợp Quốc thống kê rằng, khoảng 4 triệu người Iraq phải rời bỏ nhà cửa; hơn 4 triệu người chật vật kiếm miếng ăn; 40% trong tổng số 27 triệu dân Iraq lâm vào cảnh thiếu điện, nước sạch.

Trước Hạ viện Mỹ hôm 12/3/2008, chính Ngoại trưởng Mỹ C.Rice đã phải thừa nhận rằng, nỗ lực tái thiết Iraq của Washington lẽ ra phải được tiến hành từ sớm.

Hy vọng nào cho tương lai?

Sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, nhiều chuyên gia, trí thức Iraq đã rời bỏ quê hương. Các phe phái quân sự nhanh chóng lấp khoảng trống và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan Chính phủ Iraq.

Thiếu vắng các chuyên gia, chính quyền, Quốc hội và các Bộ ngành ở Iraq trở nên tê liệt. Họ thậm chí không thể quyết định trong các vấn đề gây tranh cãi, chẳng hạn như việc thay đổi quốc kỳ Iraq.

Cho dù tình hình không cải thiện, người Iraq vẫn níu kéo hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Tại một số khu vực ở Baghdad, một số gia đình đã mang đồ đạc quay về nhà, mở lại các cửa hàng và công việc kinh doanh.

Nền kinh tế tại Al-Anbar- tỉnh có diện tích lớn nhất tại Iraq- cũng đang thịnh vượng hơn, nhờ sự yên bình tại các thành phố trực thuộc Fallujah và Ramadi.

Người Iraq đang trông đợi cuộc bầu cử năm 2009, với hy vọng chính quyền mới sẽ tạo ra biến chuyển trong cuộc sống của họ.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq bắt đầu bước sang năm thứ 6 và chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Trong lúc này, rút khỏi “vũng lầy” Iraq đang được một số chính trị gia Mỹ coi là giải pháp cứu vãn “thanh danh” của nước Mỹ. Đó cũng chính là cánh cửa mở ra một tương lai tự quyết cho người Iraq.

Huy Linh
Tổng hợp

MỚI - NÓNG