Cuộc chiến Israel – Hamas sẽ kết thúc như thế nào?

Cuộc chiến Israel – Hamas sẽ kết thúc như thế nào?
TP - Điều mà các nhà phân tích bàn đến nhiều nhất hiện nay là kết cục của cuộc chiến này sẽ như thế nào? Liệu hòa bình có trở lại với mảnh đất đau thương này không? Tương lai của Hamas sẽ ra sao?...
Cuộc chiến Israel – Hamas sẽ kết thúc như thế nào? ảnh 1
Bộ binh và xe tăng Israel tiến vào dải Gaza do Hamas kiểm soát. Gaza chìm trong khói lửa

Sau một thời gian im ắng, “thùng thuốc súng” Trung Đông rốt cục đã bùng nổ dữ dội với việc Phong trào Hồi giáo Palestine (Hamas) bắn tên lửa từ dải Gaza sang lãnh thổ Israel và quân đội Israel tiến hành oanh tạc dữ dội bằng không quân rồi cho bộ binh, xe tăng ồ ạt vượt biên giới tiến công sang dải Gaza.

Mới sau 10 ngày kể từ khi chiến sự bùng nổ, tính đến ngày 6/1, đã có ít nhất 566 người Palestine trong đó có 130 thành viên Hamas và 9 người bên phía Israel bị chết, hơn 2.000 người của cả hai bên bị thương.

Vấn đề nhân đạo đang ngày càng trở nên bức thiết ở Gaza, phụ nữ và trẻ em chiếm tới 25% số người chết và 45% số người bị thương, cuộc sống của người dân Gaza đang bị ảnh hưởng nặng nề. Lương thực, nước uống đang ngày càng cạn kiệt, nhưng mọi sự trung gian hòa giải quốc tế lúc này đều vô ích bởi lập trường và mục tiêu của hai bên tham chiến cách nhau quá xa.

Khi những cuộc ném bom ác liệt của không quân Israel xuống thành phố Gaza bắt đầu, người Israel đã tuyên bố chiến dịch lần này nhằm ba mục tiêu: Thứ nhất, ngăn chặn các vụ tấn công bằng tên lửa của Hamas nhằm vào Israel; thứ hai, ngăn chặn tuyến đường buôn lậu vũ khí vào Gaza; thứ ba, chấm dứt các hoạt động khủng bố của Hamas chống Israel.

Tuy nhiên, các nhà phân tích thời cuộc quốc tế lại nhận định hành động của Israel nhằm đạt tới ba mục đích:

- Thứ nhất là “bức hòa”, tức là tiêu diệt một số lượng nhất định thành viên Hamas, phá hủy một số lượng nhất định các cơ sở vật chất để buộc Hamas quay trở lại bàn đàm phán và ký hiệp định hòa bình mới có lợi cho người Israel.

- Thứ hai là “rửa nhục”, năm 2006, khi Hamas và lực lượng Hezbollah ở Libăng bắt cóc lính Israel gây nên cuộc xung đột mà phần thất bại thuộc về phía Israel khi họ phải ký thỏa thuận ngừng bắn mà không đạt được mục đích của mình.

- Thứ ba là thăm dò vị tổng thống mới đắc cử Obama của Mỹ.

Có nhà phân tích nhận định: “Đang diễn ra một cuộc săn ở bãi săn Gaza, vật bị săn là Hamas, người đi săn là Israel; Aicập là người đứng xem và cổ vũ; cơ quan quyền lực Palestine đợi khi cuộc săn kết thúc sẽ nhảy vào độc chiếm bãi săn”.

Sở dĩ có tình hình này là vì chẳng có quốc gia Arập nào muốn thấy Hamas hùng mạnh, điều họ lo sợ nhất là các thế lực Hồi giáo cực đoan trong nước họ mạnh lên và nắm quyền lãnh đạo, chính vì vậy họ muốn mượn tay người Israel để loại bỏ một mối nguy cơ có thực.

Cuộc xung đột Israel – Hamas lần này cũng làm bộc lộ những mâu thuẫn gay gắt giữa Hamas và Fatah. Ngay sau khi Israel ném bom Gaza, Hamas đã lên án Chủ tịch Cơ quan quyền lực (Tổng thống) Palestine Abbas đã hợp mưu với Israel, mượn tay người Israel để khôi phục lại địa vị chủ đạo trên chính trường Palestine.

Về tình thế hiện nay của Hamas, ông Mã Hiểu Lâm, một chuyên gia về Trung Đông của Trung Quốc cho rằng: Hamas đã lâm vào tình thế buộc phải có sự lựa chọn mang tính lịch sử: hoặc là bị tiêu diệt, hoặc chấp nhận chung sống hòa bình (với người Israel).

Ông cho rằng, rất có thể Hamas phải lựa chọn khả năng sau, tức là theo con đường mà Fatah đã chọn hồi năm 1982: công nhận Israel và đồng ý ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết cuộc xung đột Palestine - Israel theo tinh thần Hiệp định hòa bình Oslo.

Tuy nhiên, các nhà phân tích thời sự phương Tây lại cho rằng: Kết thúc cuộc chiến đẫm máu hiện nay ở Gaza theo kiểu Libăng với một lực lượng đa quốc gia có thể là một giải pháp tốt nhất.

Cuộc chiến Libăng năm 2006 đã kết thúc khi chính phủ các nước châu Âu đồng ý tăng cường lực lượng Liên Hợp Quốc ở miền Nam Libăng (gọi tắt là UNIFIL) nhằm chấm dứt những vụ tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ Israel của Hezbollah.

Theo báo Anh “The Times”, mặc dù trong quá khứ, Israel luôn luôn chống lại sự hiện diện của lực lượng đa quốc gia ở Gaza, nhưng một số lãnh tụ Israel hiện nay quan tâm đến một giải pháp kết thúc cuộc xung đột với Hamas theo kiểu Libăng với sự hiện diện của lực lượng quốc tế.

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack Obama có thể là người sẽ đề xướng giải pháp này. Kể từ khi Hamas giành quyền kiểm soát Gaza từ tay chính quyền Fatah của ông Abbas hồi năm 2007, Israel từng nghĩ đến chuyện triển khai một lực lượng quốc tế dọc theo biên giới Ai Cập nhằm ngăn ngừa nguồn cung cấp tên lửa cho Hamas.  

Các nước Ả Rập từ lâu cũng ủng hộ sự hiện diện của lực lượng LHQ trên lãnh thổ Palestine, đặc biệt sau khi Hamas chiếm lấy Gaza.

Tình hình cuộc chiến ở Gaza đang diễn ra phức tạp. Nó sẽ kết thúc ra sao? Chúng ta hãy cùng chờ xem!

Thu Hoa
Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc

MỚI - NÓNG