Cuộc chiến ngôn từ trên bán đảo Triều Tiên

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un ra chỉ thị trong một cuộc thị sát ở Bình Nhưỡng.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un ra chỉ thị trong một cuộc thị sát ở Bình Nhưỡng.
Căng thẳng liên Triều đang tăng trở lại. Lần này không phải là sự leo thang về các thiết bị quân sự mà là cuộc chiến ngôn từ xung quanh chuyện Triều Tiên “lấy làm đáng tiếc” về vụ nổ mìn ở biên giới với Hàn Quốc hồi tháng trước.

Ngày 25/8, nguy cơ xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên được xua tan sau khi Seoul và Bình Nhưỡng nhất trí được một thỏa thuận, theo đó, Triều Tiên chấp nhận yêu cầu của phía Hàn Quốc khi bày tỏ “lấy làm đáng tiếc” về vụ nổ mìn tại khu vực biên giới hồi đầu tháng 8 vừa qua làm 2 lính biên phòng Hàn Quốc bị thương, trong khi phía Hàn Quốc cũng cam kết bắt đầu chấm dứt các chiến dịch tuyên truyền chống Triều Tiên tại khu vực biên giới. Phía Triều Tiên cũng đã nhất trí chấm dứt tình trạng chiến tranh.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí hành động hướng tới việc khôi phục việc đoàn tụ các gia đình ly tán sau chiến tranh ngay vào tháng 9/2015. Thỏa thuận, dường như đã giải quyết mọi bất đồng lớn, đạt được sau cuộc đàm phán căng thẳng giữa hai nước tại ngôi làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nơi Hàn Quốc và Triều Tiên ký hiệp định đình chiến năm 1950-1953. Hàn Quốc nói họ xem thỏa thuận đó như là bằng chứng để cuối cùng Bình Nhưỡng đồng ý nhận trách nhiệm vụ nổ mìn, sau nhiều tuần lễ phủ nhận dính líu trong vụ tấn công.

Tuy nhiên, căng thẳng đang có dấu hiệu trở lại. Ngày 2/9, Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời một người phát ngôn Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên cho rằng sau khi hai bên đều đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá nhằm làm dịu căng thẳng và hướng tới việc cải thiện quan hệ song phương, Hàn Quốc vẫn tiếp tục có những tuyên bố có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên tại thời điểm thỏa thuận này cần được tôn trọng.

Cụ thể là lời bày tỏ “lấy làm đáng tiếc” từ phía Triều Tiên được Hàn Quốc hiểu tương đương với một lời xin lỗi khi xét về mặt chuẩn mực quốc tế. Từ đó các phương tiện truyền thông Seoul liên tục đăng tải về sự nhượng bộ này.

Bình Nhưỡng giải thích việc họ bày tỏ “lấy làm đáng tiếc” không tương đương với một “lời xin lỗi” đối với vụ việc trên, đồng thời cho rằng phía Hàn Quốc đã diễn giải nghĩa của từ này theo cách có lợi cho Seoul. "Không có gì nông cạn và hèn nhát cho bằng việc diễn giải một tuyên bố chung được hai nước Bắc và Nam đồng ý như là chiến thắng của một bên" - theo tuyên bố của Hội đồng Quốc phòng Triều Tiên được Hãng thông tấn KCNA loan tải.

Tuyên bố nói thêm: "Việc nói vắn tắt “lấy làm tiếc” chẳng qua là cách diễn giải rằng “tôi cảm thấy tiếc cho điều bạn đã gánh chịu". “Hàn Quốc chớ quên rằng sự diễn dịch sai lầm ý tưởng của phía bên kia sẽ gây ra hậu quả trầm trọng cho mối quan hệ Bắc - Nam” - theo bản tuyên bố.

Giáo sư Robert Kelly về quan hệ quốc tế của Trường đại học Quốc gia Pusan ở Hàn Quốc, bình luận: "Triều Tiên cần phải tìm ra một cách nói mập mờ về vấn đề và đưa ra đủ nhượng bộ để Hàn Quốc đàm phán tiếp, nhưng không quá nhiều để điều đó trở thành một vấn đề chính".

Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 3/9 đổi hướng những câu hỏi tranh cãi quanh việc xin lỗi, và nói rằng cả hai bên thay vào đó nên chú tâm vào việc thực thi thỏa thuận. Người phát ngôn Jeong Joon-hee của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói: "Thực tế là việc bày tỏ “lấy làm tiếc” có trong thỏa thuận. Bây giờ không phải là lúc để chúng ta đẩy lại vấn đề nhạy cảm này lên, hay tranh cãi đúng sai về thỏa thuận".

Các nhà quan sát nhận thấy việc Triều Tiên bày tỏ “lấy làm tiếc” là một động thái hiếm hoi trong những năm gần đây, mở ra một khuôn khổ mới cho mối quan hệ liên Triều. Theo giáo sư Kim Yong-hyun, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Trường đại học Dongguk (Hàn Quốc), đối với Tổng thống Park Geun-hye, thỏa thuận mới này có thể là chiếc chìa khóa giúp bà giải quyết các vấn đề liên Triều trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, còn đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đây có thể là điểm xuất phát của một chính sách mới đối với Seoul.

Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Trường đại học Nghiên cứu Triều Tiên cùng chia sẻ quan điểm trên và cho hay: “Nếu hai chính phủ dần xây dựng được lòng tin, người ta không thể loại bỏ khả năng điều này sẽ dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3”. Hai miền Triều Tiên đã tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh vào các năm 2000 và 2007.

Cuộc chiến ngôn từ trên bán đảo Triều Tiên ảnh 1

Tại cuộc đàm phán liên Triều ngày 25/8, Bình Nhưỡng đã bày tỏ “lấy làm đáng tiếc” về vụ nổ mìn ở biên giới với Hàn Quốc hồi tháng trước.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nhiều vấn đề cốt lõi giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. Nhà nghiên cứu cao cấp về các vấn đề thống nhất và hòa bình Jang Yong-seok thuộc Đại học Quốc gia Seoul nhận định: “Thỏa thuận tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên có thể được coi là một bước tiến bộ, nhưng vấn đề cốt lõi là chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn chưa hề được thảo luận".

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 3/9 dẫn lời quan chức Bộ ngoại giao nước này cho biết, Seoul sẽ xúc tiến các hoạt động ngoại giao Hàn-Mỹ-Nhật và Hàn-Mỹ-Trung để thảo luận vấn đề hạt nhân Triều Tiên sau cuộc hội đàm thượng đỉnh Hàn-Trung hôm 2/9. Cũng theo quan chức trên, các cuộc thảo luận sẽ được tiến hành với nhiều hình thức phong phú nhằm tìm cách giải quyết những vấn đề còn tồn tại liên quan tới vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Nguồn tin trên cho biết thêm, Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Hàn Quốc Hwang Joon-kook sẽ thăm Mỹ vào tuần tới để bàn về các biện pháp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trước đó hôm 1/9, ông Hwang cũng đã bất ngờ tới thăm Bắc Kinh để bàn về vấn đề nối lại đàm phán hạt nhân của Triều Tiên.

Trong một diễn biến liên quan, Hàn Quốc ngày 2/9 tố cáo Triều Tiên đã điều máy bay không người lái (UAV) do thám bay dọc biên giới hai nước. Hãng tin AFP dẫn lời Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho hay radar quân sự của Hàn Quốc đã phát hiện UAV khả nghi lần đầu tiên vào ngày 22/8 tại khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới hai nước Hàn Quốc và Triều Tiên.

“UAV được phát hiện bay sát khu vực phía nam DMZ vài lần, nhưng chúng tôi đã không thể chặn được UAV này”, một người phát ngôn của JCS cho biết. Triều Tiên được cho là điều động chiếc UAV này nhằm theo dõi hoạt động quân sự của quân đội Hàn Quốc dọc theo biên giới. Theo Yonhap, quân đội Hàn Quốc đã điều động một trực thăng chiến đấu và một chiến đấu cơ để chặn UAV của Triều Tiên nhưng bất thành.

Trước đó, tháng 9/2014, một ngư dân Hàn Quốc đã phát hiện mảnh vỡ chiếc UAV được cho là của Triều Tiên mắc vào lưới đánh cá gần biên giới trên biển giữa hai nước. Vài tháng sau, một số UAV của Triều Tiên trang bị camera cũng được phát hiện tại 3 địa điểm khác nhau gần biên giới. Khi đó, Seoul đã kết luận những UAV này được lập trình sẵn để do thám các căn cứ quân sự của Hàn Quốc. Song, Triều Tiên bác bỏ thông tin này và cho rằng Seoul ngụy tạo chứng cứ.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.